Sạt lở diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số vị trí bờ kênh, bờ sông xảy ra sạt lở.
Riêng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ sạt lở lớn, nhỏ tại địa bàn các huyện: Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Cần Giuộc, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường, TP.Tân An, với tổng chiều dài sạt lở 13.008m. Ước thiệt hại do sạt lở hơn 2,5 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra tại các huyện: Tân Thạnh, Cần Đước, Tân Trụ,... gây thiệt hại về tài sản cũng như đe dọa đến tính mạng của người dân.
Tại huyện Tân Thạnh, tình trạng sạt lở tại tuyến kênh Dương Văn Dương (bờ Bắc) thuộc các xã: Kiến Bình, Nhơn Hòa, Tân Lập, Nhơn Hòa Lập; kênh 5000, xã Tân Thành; kênh Quận, xã Bắc Hòa; kênh 6000, xã Tân Ninh; kênh Đạo, xã Tân Lập;... tiếp tục diễn ra nghiêm trọng và phức tạp.
Mặt đường bêtông kênh Dương Văn Dương (huyện Tân Thạnh) xuất hiện nhiều vết nứt lớn, dài hơn 10m và nghiêng về phía kênh
Trong đó, khu vực bờ Bắc kênh Dương Văn Dương xảy ra sạt lở tại 27 vị trí với tổng chiều dài sạt lở 650m. Các vị trí sạt lở mái kênh rất nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng, lấn sâu vào nền đường, gây nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cần phải sửa chữa cấp bách để phục vụ việc đi lại của người dân, bảo vệ sản xuất và ngăn chặn tình trạng sạt lở tiếp diễn.
Nhiều điểm sạt lở ven kênh Dương Văn Dương (huyện Tân Thạnh) đã lấn sâu vào đường giao thông
Qua khảo sát thực tế tại đê bao kênh Dương Văn Dương, ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình, tình trạng sạt lở xảy ra tại nhiều vị trí, trong đó nhiều điểm sạt lở chỉ cách đường giao thông từ 0,5-1,5m, chân sạt lở cách đường giao thông từ 1,8-2m, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tài sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Theo những người dân địa phương, khu vực đê bao này từng sạt lở rất nhiều lần. Mỗi lần như vậy, địa phương lại gia cố, khắc phục bằng các biện pháp như đóng cừ dừa, chèn đá,... nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra; vị trí sạt lở ngày càng ăn sâu vào trong, ngoài khả năng xử lý của người dân.
Ông Nguyễn Văn Lực (ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình) chia sẻ: “Người dân rất lo lắng vì không biết sạt lở thêm lúc nào. Hiện mặt đường bêtông đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn, dài hơn 10m và có dấu hiệu nghiêng về phía kênh, gây mất an toàn cho người dân. Rất mong chính quyền các cấp sớm khắc phục tình trạng này để người dân an tâm sinh sống”.
Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Bình - Lê Văn Gặp cho biết: “Trên địa bàn xã đã xảy ra 16 điểm sạt lở ven kênh Dương Văn Dương. Các điểm sạt lở hiện được địa phương khắc phục tạm thời.
Trước đây, khu vực này được gia cố kiên cố nhưng do tác động của dòng chảy và lưu lượng thuyền qua khu vực này khá lớn làm cho bờ kênh bị xâm thực, dẫn đến sạt lở”.
Điểm sạt lở tại khu vực ấp 7, xã Phước Đông, huyện Cần Đước
Mới đây, vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 22/02/2024, xảy ra vụ sạt lở tại ấp 7, xã Phước Đông, huyện Cần Đước (gần khu vực ngã ba sông Rạch Cát và kênh Nước Mặn) khiến người dân lo lắng.
Ngành chức năng cắm biển cảnh báo tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở
Qua khảo sát thực tế, vị trí sạt lở tại bờ sông Rạch Cát thuộc nền nhà của ông Nguyễn Văn Đởm và bà Đặng Thị Mai (ấp 7, xã Phước Đông) với chiều dài khoảng 15m, chiều rộng khoảng 15m, độ sâu khoảng 2m.
Sạt lở làm trôi mất hàng cột phía ngoài sông, phần nhà dưới tiếp giáp căn nhà phụ bị sụt lún và dịch chuyển ra phía sông. Nền nhà phụ còn lại có hiện tượng tiếp tục sụt lún, chênh lệch cao độ thấp hơn nền nhà chính khoảng 5cm. Sạt lở chỉ gây thiệt hại một số tài sản của người dân, rất may không xảy ra thiệt hại về người.
Thông tin từ UBND xã Phước Đông, sạt lở tại khu vực bờ sông Rạch Cát đã xảy ra nhiều năm qua. Hiện trong khu vực trên đê sông Rạch Cát có khoảng 12 hộ dân sinh sống và chỉ có 1 hộ dân (nhà ông Đởm, bà Mai) bị ảnh hưởng nặng do sạt lở gây ra, các hộ dân sống xung quanh đã tự gia cố để phòng, chống sạt lở.
“Khu vực này chịu ảnh hưởng do tác động của thủy triều, dòng sông chảy xiết, lượng phương tiện tàu, thuyền, sà lan có tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa lưu thông qua lại cả ngày lẫn đêm.
Ngoài ra, gần khu vực này có xưởng đóng tàu đang hoạt động, việc vận hành tàu, thuyền, sà lan tải trọng lớn sát bờ sông tạo áp lực nước làm sóng đánh vỗ vào bờ làm cho đất dưới lòng sông bị xói mòn cuốn trôi, tạo thành hố sâu, hở hàm ếch, gây sạt lở nghiêm trọng và ngày càng có chiều hướng gia tăng” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Võ Anh Tuấn thông tin.
Ngành chức năng cắm biển cảnh báo tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở
Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo sạt lở, giăng rào chắn để hạn chế người dân đi lại trong khu vực sạt lở; đồng thời, huy động lực lượng hỗ trợ người dân tháo dỡ toàn bộ khung nhà phụ, di chuyển tài sản người dân lên nhà chính để bảo đảm an toàn.
Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh - Nguyễn Thanh Truyền, nhằm chủ động ứng phó thiên tai trong năm 2024, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương triển khai rà soát, cập nhật các kế hoạch về phòng, chống, ứng phó với thiên tai; chú trọng đến nội dung về sơ tán, di dời dân tại các khu vực xung yếu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi có thiên tai xảy ra; duy trì, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã, kịp thời huy động lực lượng khi có tình huống đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về PCTT&TKCN tại địa phương.
Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện công tác phòng, chống sạt lở bờ bao, bờ sông theo quy định. Các ngành có liên quan và địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở; đồng thời, vận động các hộ dân có nhà ở trong khu vực đã, đang hoặc có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở di dời đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực sạt lở để tránh xảy ra tai nạn; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để gia cố tạm thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.
Ngoài ra, các địa phương cần thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, kiểm tra công tác PCTT tại cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, làm tốt nhiệm vụ trong thời điểm tình hình thiên tai diễn biến khó lường; tập trung công tác thông tin, tuyên truyền, dự báo, cảnh báo cho người dân để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai năm 2024./.
Bùi Tùng