Tại buổi đối thoại, doanh nghiệp thẳng thắn nêu lên những vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh và kiến nghị ý kiến đến lãnh đạo tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần nhấn mạnh, quan điểm chung của lãnh đạo tỉnh trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là theo đúng pháp luật, công bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan
Chia sẻ tại buổi đối thoại, 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Giầy Chingluh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Đạo, Bến Lức), Công ty TNHH Đồ hộp Việt Cường (xã Nhựt Chánh, Bến Lức), Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập Đoàn Kim Tín (Cụm công nghiệp Kiến Thành, xã Long Cang, Cần Đước) có chung khó khăn về nguồn nhân lực lao động. Theo đó, 3 doanh nghiệp này đang thiếu hụt nguồn nhân lực, trong đó có cả nguồn nhân lực là lao động phổ thông lẫn nguồn nhân lực chất lượng. Doanh nghiệp mong muốn các trung tâm, trường dạy nghề trong tỉnh gắn kết mục tiêu đào tạo với nhu cầu các doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến việc làm cho người lao động.
Vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên cho biết, thời gian qua, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An thực hiện nhiều biện pháp để đưa thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đến với người lao động như: Tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ mỗi tháng 2 lần, tư vấn trực tiếp cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, phát thanh thông tin tuyển dụng tại các xã, huyện, thành phố trong tỉnh,... Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu lao động của doanh nghiệp và trong những năm tới chắc tình hình tuyển dụng lao động đối với các doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn.
Với phản ánh của doanh nghiệp, thời gian tới, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hỗ trợ như đã trao đổi về đăng ký thông tin kế hoạch nhu cầu lao động. Bên cạnh đó, để tuyển được, giữ chân người lao động gắn bó lâu dài, bản thân doanh nghiệp cần chủ động chính sách tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi khác.
Doanh nghiệp, lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc tham dự đối thoại
Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Kim Tín cũng phản ánh, doanh nghiệp đang sử dụng nguồn nước của Trạm cấp nước Hoàng Long với chất lượng nước chưa đáp ứng được các chỉ tiêu nước sinh hoạt và sản xuất (các chỉ số kim loại nặng như sắt, clo… thường cao hơn yêu cầu), nguồn cấp của trạm không ổn định. Vì vậy, doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý tốn nhiều chi phí. Doanh nghiệp mong sớm nhận được nguồn nước đạt yêu cầu thay thế từ trạm cấp nước trên địa bàn huyện Thủ Thừa về cụm công công nghiệp và ưu đãi cho doanh nghiệp kết nối hệ thống hạ tầng nước khi hòa vào hệ thống nội bộ công ty.
Vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Đặng Thị Thúy Hà chia sẻ, hiện nay, Sở Xây dựng đã tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh phạm vi phân vùng cấp nước của quy hoạch cấp nước vùng tỉnh. Trong đó, nguồn cung cấp nước tại khu vực Công ty Kim Tín đang đầu tư thuộc phân vùng cấp nước của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An.
Theo quy hoạch được duyệt thì Dự án nhà máy nước Nhị Thành (nhà máy nước Bảo Định) có công suất 60.000m³/ngày. Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP - Long An đã triển khai giai đoạn 1 của dự án với công suất 30.000m³/ngày, nhà máy đã đưa vào hoạt động, tuyến ống truyền tải nước sạch đã xây dựng từ nhà máy nước đến đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Bến Lức và sẽ đầu nối vào mạng lưới của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An tại địa bàn huyện Bến Lức. Sau khi đấu nối, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An sẽ mở rộng mạng lưới truyền tải và phân phối thì cơ bản đáp ứng nhu cầu cấp nước cho các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước,…
Doanh nghiệp thẳng thắn nêu kiến nghị với lãnh đạo tỉnh
Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An để đôn đốc việc triển khai thực hiện theo phân vùng cấp nước bảo đảm tiến độ và định hướng quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nước hiện nay, trong đó có khu vực mà công ty đang hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động nhập cư chia sẻ rất khó khăn trong việc bố trí nơi ở cho người lao động. Do đó, doanh nghiệp mong nhận được các chính sách ưu đãi trong việc quy hoạch đầu tư các dự nhà ở xã hội cho người lao động; được thuê nhà ở xã hội cho người lao động ở tại những dự án nhà ở xã hội gần doanh nghiệp.
Các vấn đề khác cũng được doanh nghiệp phản ánh tại hội nghị, từng vấn đề phản ánh của doanh nghiệp được lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương trực tiếp giải đáp cũng như đưa ra giải pháp xử lý cụ thể. Điều này khiến đại diện lãnh đạo doanh nghiệp hài lòng.
Phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ, đối thoại, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần lưu ý với doanh nghiệp, trong quá trình đầu tư, sản xuất và kinh doanh, khi gặp phải những vấn đề vướng mắc cần sớm liên hệ trực tiếp các sở ngành, địa phương để sớm được hỗ trợ, giải quyết.
"Long An là một trong những tỉnh đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về nguồn thu ngân sách từ thuế. Kết quả này là sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh luôn xem khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là khó khăn chung của tỉnh. Quan điểm chung của lãnh đạo tỉnh trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là đúng pháp luật, công bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Rất mong doanh nghiệp đồng lòng và nỗ lực vượt qua những khó khăn, song hành cùng tỉnh nhà trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội" - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh./.
Mai Hương