Chuyện kể về ngày ấy, về tuổi thơ của một chàng lính trẻ với những ngọn đồi, những triền đê, những cánh diều và cả những ước mong về một thời nghịch dại. Chuyện kể về cô ấy, một cô nàng thôn nữ hay dồn mơ ước của mình vào những áng văn để rồi nhiều đêm tình tự, nhìn ánh trăng quá đẹp mà ngồi rớt nước mắt ngẩn ngơ. Chàng đi thực hiện nghĩa vụ với non sông còn nàng gắn cuộc đời với những thửa ruộng thẳng cánh cò bay mà ngày đêm nàng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cứ tưởng chừng khoảng cách địa lý bao giờ cũng là e ngại lớn nhất nhưng nào ngờ, cơ duyên nào đó, phải chăng như phép màu cổ tích đầu tiên trong câu chuyện này, đưa hai người đến với nhau, nhẹ nhàng và rất đỗi bâng quơ.
Tôi vẫn hay nghe chàng lính ấy kể về những năm tháng khi mật ngọt gieo những tiếng đầu tiên vào cuộc đời hai người ngày ấy. Sức trẻ và nhiệt huyết đưa chàng nhập ngũ, rồi lặn lội sang tận vùng đất khác đánh quân Pôn Pốt, góp phần cứu giúp nước láng giềng. Rồi một ngày nào đó, chàng dừng chân nơi miền đất lạ và cô thôn nữ ấy như choáng ngợp cả vùng trời rộng lớn trong trái tim chàng. Khi tôi hãy còn ngơ ngẩn, có chút mộng mơ để dệt thêm cho câu chuyện tình ấy thêm đẹp, thì bỗng chàng lính vỗ vai tôi thật mạnh:
Ảnh: Internet
- Ngày đó, ta đói quá, thế là cái cô ấy mời ta ăn mì (lúc nào chàng lính cũng gọi người thương của mình là “cái cô ấy”, nghe sao thấy vừa thân mật, vừa lạ lẫm mà cũng chứa chan cảm xúc, giống như một điều gì đó vừa gần, vừa xa). Ta thấy cái cô ấy nấu hai gói đấy chứ, nghĩ cô ấy có lòng, ta dứt sạch. Nào ngờ…
- Ngờ sao ạ?
- Nào ngờ là cô ấy nấu hai tô để hai người cùng ăn nhưng thấy ta ăn ngon quá cũng không nỡ cản, thế là hôm đó cô ấy đành nhịn đói.
Nói xong, chàng lính cười rõ to, cái điệu cười của sự hạnh phúc khi nhớ lại một mảng trời ký ức, còn tôi thì phụng phịu: “Trời ạ, thật là mất hình tượng quá đi! Ai lại gây ấn tượng bằng cái sự tham ăn thế kia”.
- Ấy ấy, ta nào có nhưng cái cô ấy có lòng, còn ta thì có bụng chứ. Khà khà...
Chàng lính lên đường, còn miền trời nhớ thương giữ yên một khoảng trong lòng. Tôi vẫn hay nghe chàng lính ấy kể về những năm tháng chiến tranh đầy bão táp, máu và nước mắt đổ sôi cả chiến trường. Đôi khi xen lẫn trong những dòng hồi ức là cả những nỗi nhớ nhung, nhớ về thời trẻ thơ chăn trâu, thả diều, đánh đáo hay nhớ cả những lúc tráng bánh cùng mẹ. Chiến tranh in hằn trên người chàng lính với những vết sẹo và cả mảnh đạn găm vào chân không lấy ra được khiến mỗi mùa trở gió, chàng lính lên cơn đau quằn quại. Trong nỗi nhớ nhung ấy, bóng hình cô thôn nữ hiện lên đầy mờ ảo. Người ta nói lính tình cảm lắm, đã yêu thì thủy chung sâu đậm vô cùng.
Cô thôn nữ ngày ấy có khối anh theo. Phần vì xinh, phần vì hiếu học nhưng cô chưa ưng thuận một ai, kể cả anh lính trẻ. Đàn em nheo nhóc, ba mẹ tuổi già, cô như cáng đáng cả gia đình, nếu có mộng mơ, ừ thì cũng chỉ biết gieo vào những trang văn mà thôi. Tuổi thơ của cô là những hôm dậy từ khi gà chưa gáy, đi tát nước ngoài đồng. Cô thôn nữ hay kể cho tôi nghe những chuyện ngày xưa nhưng rất ít khi kể về cô mà chỉ kể bâng quơ về gia đình, họa chăng tôi nghe nhiều người kể lại, ngày xưa cô như thế nào. Tuổi thơ mong ước cắp sách đến trường, nhà nghèo, cô vừa học, vừa làm miễn sao cân đối, dung hòa. Rồi cô lên phố thị, ban đầu ai cũng chê gái quê. Thế rồi cũng bằng cái sự học, cũng bằng cái sự nắng mưa không bỏ bữa, cô đổi lấy cái sự phục của bè bạn và các đấng thầy cô.
Hòa bình lập lại, chàng lính tìm lại miền quê xưa, nơi cô thôn nữ vẫn chưa chồng.
- Cái cô ấy đáo để lắm, cái cô ấy không ưa ta đâu. Thế là ta cứ kiên trì bám theo nhưng càng bám, cô ấy càng không để ý.
Cô thôn nữ ngồi kế bên cười xòa:
- Làm sao để ý được, người ta còn bận cả ngàn việc, ai tơ tưởng đến chuyện lấy chồng?
Chàng lính nhận ra cô thôn nữ chỉ yêu thương nếu nàng thấy ở chàng điều gì đó thật xứng đáng. Chàng đổ những giọt mồ hôi vào những ruộng vườn, sôi nước mắt vào mảnh đất, tay cày tay cuốc, xây dựng chốn nương thân ngày càng khang trang, sung túc. Thế nhưng lòng cô thôn nữ vẫn chưa vội lay động. Thế rồi cô thôn nữ tiếp lời:
- Cái anh ấy cục tính lắm, thẳng như ruột ngựa. Tính lại nóng như lửa, thấy việc gì bất bình là không để yên, nhưng khiến người ta phục.
Cô thôn nữ dành thời gian nhìn sâu vào tim chàng lính trẻ. Ấy là lúc nàng vô tình biết chàng làm công nhân ở một nhà máy. Qua thời gian, sự gắng công được đền đáp, chàng dần thăng chức, nâng lương thì thị phi đổ dồn. Sự thành công đi liền ganh tị, bất lực trước thế cảnh, chàng phải ra đi. Và cô đã bắt gặp những giọt nước mắt rơi xuống bờ mi rồi nuốt ngược vào và dường như ít khi thấy chàng khóc nữa. Bút mực giữ cho mình sự hạn hẹp của nó, đôi khi không thể tả hết những điều tốt đẹp mà cô thấy ở chàng lính, chỉ có trái tim là hiểu được nhưng điều đánh gục cô thôn nữ có lẽ là sự tự nhiên và lòng thương người của chàng.
- Còn nhớ khi ấy mùa Giáng sinh, thấy anh ấy lang thang trên đường, cái bánh vừa mua đã vội cho người đói. Ta cho ngay anh ấy cái “bánh cứu đói”. Thế mà nên duyên. Chàng lính và cô thôn nữ bắt đầu tình yêu từ một chiếc bánh, nơi cô thôn nữ thấy cả tấm lòng của chàng trai trong đó. Cuộc đời lắm thăng trầm, nhảy những bước vọt thật xa những hai mươi mấy năm, cũng là chừng ấy thời gian hai người bên nhau. Chàng lính vẫn thế, cuộc đời vẫn lắm thăng trầm, lắm những yêu thương nhưng cũng nhiều chìm nổi. Cô thôn nữ vẫn thế, suốt cuộc đời hy sinh và trân quý những người cô dành trọn tấm lòng. Có chăng tóc trên đầu hai người đã điểm sương và khóe mắt bắt đầu vết chân chim nứt nẻ.
Thi thoảng, tới mùa Giáng sinh, tôi hay nghe chàng lính hỏi:
- Noel này không biết cái cô ấy có mua bánh cho ăn hông?
Cô thôn nữ không hiểu:
- Muốn ăn bánh gì, ra chợ mua.
Thế là đương không chàng hờn, chàng giận. Tới đúng ngày, chàng hỏi lại y câu đó, bất giác, cô thôn nữ nhớ, mỉm cười nhẹ nhàng:
- Muốn ăn cái “bánh cứu đói” như ngày xưa hả?
Rồi hai người cười khúc khích. Nụ cười không còn cái nhiệt nồng tuổi trẻ nữa mà còn cái thấm đượm của những người từng trải. Đôi khi nhìn họ, tôi lại muốn được như họ, được hạnh phúc với tình yêu của mình, bằng sự rung cảm con tim thật nhẹ nhàng và kết tinh thật lâu dài, bền vững. Ước gì tôi có thể tìm thấy một chàng trai xứng đáng, để tôi có thể trao cho anh chiếc bánh, như chứng nhân tôi hiểu được con người anh. Y hệt như mẹ tôi từng làm với ba./.
Lê Hứa Huyền Trân