Tiếng Việt | English

26/05/2018 - 09:14

Những chuyến xe thổ mộ

Mấy chục năm nay, những người xà ích ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An vẫn gắn bó với xe thổ mộ. Đó vừa là kế sinh nhai, vừa là niềm vui của họ.

Nghề đánh xe ngựa kéo vừa là niềm vui, vừa là kế sinh nhai của những người xà ích

Nghề đánh xe ngựa kéo vừa là niềm vui, vừa là kế sinh nhai của những người xà ích

Vừa là kế sinh nhai, vừa là niềm vui

Sáng nào cũng vậy, cứ khoảng 6 giờ, ông Trương Văn Chắc, ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành, lại bắt đầu một ngày làm việc mới với xe thổ mộ. Gắn bó hơn 40 năm, ông chưa hề có ý định “chia tay”. Con ngựa kéo xe vừa là bạn đồng hành trên chặng đường mưu sinh, vừa là niềm vui của ông. Ông kể, gia đình xây được nhà, mua thêm đất, nuôi con, cháu học hành đến nơi, đến chốn đều nhờ vào chiếc xe ngựa này.

Ngày trước, tuyến Đường tỉnh 827A còn là đường đất gập ghềnh, chật hẹp, xe ngựa là phương tiện vận chuyển chính. Nhắc lại thời hoàng kim của xe ngựa, ông Chắc cười: “Hồi đó, xe ngựa không phải chỉ chở hàng như bây giờ mà còn chở khách, chạy theo tuyến, có khi còn đi rước dâu. Bởi vậy, hồi đó, chiếc xe rất đẹp, cầu kỳ, ngựa được đeo lục lạc, gắn lông gà trên đầu”. Giờ thì chiếc xe ngựa đơn giản hơn, chỉ đơn độc mỗi con ngựa và chiếc xe kéo cũ kỹ để vận chuyển hàng hóa, chỉ cần chắc chắn, tiện lợi là được.

Gắn bó với nghề đánh xe ngựa từ lâu nên ông Chắc biết thêm nhiều nghề: Đóng xe kéo, đóng móng guốc ngựa và huấn luyện ngựa. Cứ đôi ba ngày, ông tắm ngựa một lần, cắt tỉa lông, bờm cho đẹp. Thỉnh thoảng, ông thay cho “người bạn” của mình một bộ móng guốc mới. Ngoài ông ra, không ai trong nhà có thể khiến con ngựa đứng yên để làm những việc đó. Ông kể: “Tôi về tới nhà là nó biết, “lên tiếng” liền! Vì gắn bó lâu, chăm sóc thường xuyên nên ngựa ngoan như vậy”.

Ông Trần Văn Sáu (ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành) có gần 20 năm đánh xe ngựa cũng khẳng định như thế. Ông Sáu nói: “Con ngựa do tôi huấn luyện từ nhỏ nên rất biết nghe lời. Có hôm mệt, lên xe, tôi ngồi im, chẳng cầm cương nhưng ngựa cũng tự động kéo về tới nhà!”. Cũng nhờ nghề đánh xe ngựa, ông Sáu nuôi 2 người con gái tốt nghiệp đại học. Kinh tế gia đình cũng ổn định nhưng ông vẫn không bỏ nghề.

Gắn bó với nghề

Nhiều năm gắn bó với nghề, chỉ cần nhìn sơ qua, ông Sáu, ông Chắc biết ngay tính nết con ngựa. Vì vậy, muốn tìm được con ngựa phù hợp để kéo xe, các ông sẵn sàng đi nhiều nơi, từ Củ Chi (TP.HCM) đến Gò Công (Tiền Giang) chọn mua. Theo ông Chắc, ngựa kéo xe phải khỏe và quan trọng là phải hiền. Khi mua được một con ưng ý, ông còn áp dụng những cách riêng để thuần ngựa. Ông Chắc nói: “Mỗi lần đi mua ngựa, tôi dặn bà xã ở nhà chuẩn bị một thau nước sạch, nhúng cái áo của tôi vào. Khi đem ngựa vừa về đến, tôi cho ngựa uống thau nước đó để nó nhận biết chủ nhân”. Còn theo ông Sáu, chọn ngựa kéo xe tuyệt đối không được chọn ngựa đua. Ông cho biết: “Đừng thấy ngựa đua to, khỏe mạnh thì nghĩ nó kéo xe tốt. Giống ngựa đó rất dữ và khó thuần. Ngựa kéo xe chỉ nên chọn con vừa và hiền”.

Ngựa kéo xe phải chọn ngựa vừa và hiền

Ngựa kéo xe phải chọn ngựa vừa và hiền

Mấy chục năm nay, mỗi ngày, ông Sáu, ông Chắc lại đánh xe ra “bãi” đợi người gọi chạy. Một chuyến xe chưa đến 100.000 đồng nhưng không đi thì lại thấy buồn. Vì với các ông, đánh xe ngựa kéo không chỉ là nghề mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Giờ đây, số người đánh xe ngựa kéo chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, những người giữ nghề cũng đều lớn tuổi. Nhưng, họ vẫn quyết tâm gắn bó, đến lúc nào không chạy được nữa thì mới bỏ nghề, bởi đó là niềm vui, là “cần câu cơm” trong suốt thời gian qua./.

Giờ đây, số người đánh xe ngựa kéo chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, những người giữ nghề cũng đều lớn tuổi. Nhưng, họ vẫn quyết tâm gắn bó, đến lúc nào không chạy được nữa thì mới bỏ nghề, bởi đó là niềm vui, là “cần câu cơm” trong suốt thời gian qua”.

Phương Phương-Thúy Vi

Chia sẻ bài viết