Tiếng Việt | English

22/07/2019 - 18:39

Chuyện về những gia đình cách mạng

Theo tiếng gọi của non sông, bao lớp thanh niên bỏ tay cuốc, tay cày, cầm súng lên đường đánh giặc, cứu nước. Càng trân quý hơn với những gia đình có nhiều thành viên, thế hệ cùng tham gia kháng chiến. Thời bình, họ vẫn xứng danh “người lính Cụ Hồ” và thế hệ sau tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình.

Ông Hồ Văn Thành ngoài làm tốt công tác xã hội, còn thường xuyên răn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải

Ông Hồ Văn Thành ngoài làm tốt công tác xã hội, còn thường xuyên răn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải

Gia đình người lính Cụ Hồ

Tháng 7, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Hồ Văn Thành (74 tuổi, ngụ ấp 6, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) - một trong những gia đình giàu truyền thống cách mạng. Tạm ngưng công việc nhổ cỏ, bón phân cho mảnh vườn nhỏ của gia đình, rửa đôi bàn tay lấm lem bùn đất, ông Thành ngồi uống trà và bắt đầu kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về 3 liệt sĩ của gia đình - cha, anh và em trai của ông. 

Cha của ông Thành - liệt sĩ Hồ Văn Hai gần như dành trọn tuổi xuân cho cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (hy sinh năm 1968). Tiếp nối truyền thống của cha, lần lượt anh, em của ông Thành nối gót tham gia cách mạng. Còn ông, 16 tuổi đã bắt đầu tham gia đào đường, phá ấp chiến lược cùng thanh niên địa phương, sau đó tham gia kháng chiến chống Mỹ, chiến trường biên giới Tây Nam tại Campuchia. Ông Thành kể: “Đất nước đang cần, anh em trong gia đình chúng tôi tiếp bước cha, tình nguyện lên đường bảo vệ quê hương. Thời chiến tranh gian khổ vô cùng, bom rơi đạn lạc là chuyện thường nhưng tôi không sợ hãi. Đồng đội luôn sát cánh bên nhau, xem như anh em ruột thịt và đoàn kết chống giặc. Mỗi lần chứng kiến anh em hy sinh là ý chí chống giặc lại càng thêm quật cường”.

Gia đình có 4 người tham gia cách mạng, 3 người hy sinh, ông Thành càng thấy mình có trách nhiệm hơn với thù nhà nợ nước. Vì vậy, dù đảm nhận nhiệm vụ nào trong kháng chiến chống Mỹ hay chiến trường biên giới Tây Nam, ông Thành cũng luôn hết sức, hết lòng. Ông Thành kể tiếp: “Không chỉ tôi, vợ tôi cũng góp sức cho cách mạng. Bà may quần áo, chuẩn bị lương thực gửi cho bộ đội. Nhờ vậy, anh em bộ đội được tiếp sức, đỡ phần nào cơ cực”.

Hòa bình lập lại, 20 năm làm Bí thư Chi bộ ấp 6, ông Thành vẫn lặng lẽ làm đẹp cho đời. Tất cả những con đường đá xanh, đal hay cầu xi măng giúp người dân đi lại thuận lợi tại ấp 6 đều có những giọt mồ hôi và công sức của ông. Giờ đây, dù không còn là bí thư chi bộ ấp nhưng ông vẫn thường xuyên chặt tỉa cành cây che khuất tầm nhìn, khai thông nước ứ đọng ven đường để người dân đi lại an toàn, thuận lợi. Bởi theo ông, làm đường rồi phải biết giữ gìn và tu bổ thì mới sử dụng được lâu dài.

Ông Thành chia sẻ: “Để làm tốt công tác xã hội, gia đình, nhất là vợ luôn là hậu phương vững chắc cho tôi. Bà ấy và các con ủng hộ tôi làm những việc ý nghĩa”. 

Lo việc nước trước, việc nhà sau

Rời nhà ông Thành, chúng tôi đến Đức Huệ - vùng kháng chiến xưa, thăm gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Cậy (79 tuổi, ngụ khu phố 2, thị trấn Đông Thành). Gia đình ông Cậy có 3 người đi bộ đội gồm ông và 2 người em trai, trong đó 1 người em hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
20 tuổi, ông Cậy tham gia phong trào Đoàn, công tác tuyên huấn tại địa phương rồi đi bộ đội. 2 người em đến tuổi trưởng thành cũng nối gót theo ông.

Những người em nhỏ hơn thì nỗ lực học tập và góp sức xây dựng quê hương. Ông Cậy kể: Năm 1967, tôi bị thương, mất 2 ngón tay trái; người em ruột thì hy sinh. Vết thương lành lặn, tôi tiếp tục tham gia đấu tranh, góp phần giành lại hòa bình, độc lập. Tôi nhớ mãi lời mẹ căn dặn “Sống trên đời không thể hai lòng, theo cách mạng thì sống hay chết đều là người của cách mạng”.

Thời ấy, ông tạm gác việc riêng, toàn tâm, toàn ý tham gia đánh giặc. Nở nụ cười, ông nói: “Biết và đem lòng thương vợ tôi trước khi cưới gần 2 năm nhưng vẫn không dám tính chuyện tương lai. Đến khi hòa bình, tôi mới dám nghĩ đến chuyện kết hôn”.

Ông Nguyễn Văn Cậy và vợ - bà Lê Thị Minh

Ông Nguyễn Văn Cậy và vợ - bà Lê Thị Minh

Sau khi giải phóng miền Nam, năm 1977, ông Cậy lên đường tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang của huyện Đức Huệ. Mọi việc trong gia đình và đứa con thơ mới chào đời, ông giao lại cho vợ lo toan. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, ông Cậy tiếp tục công tác ở huyện Đức Huệ cho đến khi về hưu.

Gìn giữ và phát huy truyền thống gia đình, ông quan tâm giáo dục các con trở thành người có đức, có tài để phục vụ quê hương. Nhờ vậy, các con của ông tiếp bước truyền thống vẻ vang của gia đình, nỗ lực học tập và làm việc trong cơ quan nhà nước.

Mỗi gia đình một câu chuyện nhưng tất cả đều có điểm chung là giàu lòng yêu nước và hết lòng phụng sự quê hương dẫu thời chiến hay thời bình./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích