Huy hiệu 50 tuổi đảng là niềm tự hào của cô Nguyễn Thị Huệ
20 tuổi là xã Đội trưởng xã Nhựt Chánh, 24 tuổi nhập ngũ vào đơn vị Quân bưu của Bưu điện tỉnh, ngày ấy, cô quân bưu nhỏ nhắn Nguyễn Thị Huệ (bí danh Năm Lùn) khi thì đi bộ, lúc quá giang xe, khi bơi xuồng chuyển hàng ngàn công văn, tài liệu của cấp trên xuống các cơ sở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, Cần Giuộc.
Để bảo toàn tính mạng và tài liệu, tổ chức yêu cầu thay đổi hình dạng khuôn mặt nhưng cô xin dùng biện pháp khác là cải trang thành người phụ nữ đầu tốc rối bù, quần áo lếch thếch, người bán cá nghèo khổ,… Từ sự mưu trí, dũng cảm mà không biết bao nhiêu lần cô lọt qua được đồn, bót địch, hoạt động ngay trong ngôi nhà gián điệp, thoát chết trong gang tất,…
Một chiều tháng bảy mưa dầm, trò chuyện với cô Huệ trong căn nhà đơn sơ nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc phường 5. TP.Tân An, năm nay, cô 72 tuổi, vừa nhận huy hiệu 50 năm tuổi đảng. Niềm tự hào nhất của cô là người con trai út hiện là sĩ quan trong quân đội đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạnh Hóa.
Tuổi cao, sức yếu, căn bệnh khớp hành hạ nhưng ở người phụ nữ này vẫn giữ nguyên sự rắn rỏi, bản lĩnh, nhanh nhẹn của người lính dẫu cuộc sống hôm nay còn nhiều lo toan. Ký ức ngày ấy với cô vẫn nguyên vẹn. Mỗi lần nhận nhiệm vụ là một tháng ròng từ cơ sở cách mạng của ta ở Tho Mo, có lúc ở bên nước bạn Campuchia, cô giả làm người bán trái cây chuyển tài liệu. Cô mưu trí nhét tài liệu vào trái mít, trái ổi… Khi trở về, cô trở thành người bán cá, tất cả tài liệu được gói gọn trong bụng những con cá.
Có lần về đến xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, chuẩn bị sang Cần Giuộc thì bị địch phát hiện, cô nhanh trí chui xuống nằm giữa gầm xe của địch, chúng tìm không thấy lên xe bỏ đi, cô may mắn thoát chết. Hay lần khác, bị chỉ điểm, cô vội nhảy xuống ruộng cấy lúa, địch thấy người đàn bà nhỏ thó, bùn đất lấm lem, đầu tóc rối bù nên bỏ đi,…
Với yêu cầu nhiệm vụ, cô cải trang thành người lỡ đường, cha mẹ mất hết, không nơi nương tựa, đến ở nhờ trong gia đình là gián điệp để khai thác thông tin. Vậy là cô đánh lạc hướng, chiếm được tình cảm của cả gia đình và khai thác nhiều thông tin "đắt".
Ngày này qua ngày khác, vượt qua biết bao nhiều đồn, bót địch, tay mắt bọn giặc, nữ quân bưu Năm Lùn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên đánh giá cao.
Cô Nguyễn Thị Hưởng người trạc tuổi với cô Huệ là con mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Nhuộm ở xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ (gia đình từng nuôi giấu cán bộ cách mạng) kể: "Dù còn nhỏ nhưng chị Năm rất gan dạ, dũng cảm, bình tĩnh xử lý tình huống, nhớ có lần, ba tôi kêu tôi đưa chị qua xã bên, bọn địch chặn hai chị em tôi lại, lúc đó, tôi sợ lắm nhưng chị nói "má tôi đang sinh con mà bà ngoại tôi bị bệnh nặng nên kêu chị em tôi sang thăm ngoại, chứ bom đạn như vậy, tôi sợ lắm, có dám đi đâu, mấy ông cho tôi đi, còn kịp trở về để má tôi trông"… nhìn thấy chị nói tỉnh bơ như thiệt, quần áo lôi thôi nên bọn địch không nghi ngờ. Nhưng cũng có lần do bị chỉ điểm, bọn lính đến nhà tôi hỏi, có cô Năm ở đây không, nghe vậy chị nhanh nhẹn trốn xuống bến sông tấp vô đám lá dừa nước, lội mất tiêu. Ba tôi trả lời, có con gái tui thứ năm nè, vậy là chúng bắt tôi về đồn nhưng sau đó không có chứng cứ gì nên thả ra. Gia đình tôi quý chị lắm nên ba má tôi nhận làm con nuôi và anh em tôi coi chị như người thân".
Dù nhiệm vụ nguy hiểm, dù các con còn nhỏ nhưng bằng trái tim nhân hậu, tình cảm của người mẹ, trên đường đi công tác, cô Năm quyết định mang đứa bé vừa 4 tuổi về nuôi vì gia đình bị pháo địch rơi trúng hầm chỉ còn mình em sống sót. Cô bé mồ côi ngày ấy lấy chồng cũng là bộ đội. Đó là niềm vui lớn, là hạnh phúc của cô Năm.
Năm 1975, đất nước thống nhất, cô giữ chức vụ Trưởng khai thác 3 và tiếp tục công tác tại Bưu Điện tỉnh đến năm 1992 về hưu với quân hàm thượng úy. Năm 1993, cô được địa phương tín nhiệm bầu chức danh Chủ tịch Hội phụ nữ phường 5, TP.Tân An. Suốt 13 năm ròng rã với chiếc xe đạp cũ, cô đi qua biết bao nhiều con hẻm, đến từng nhà, vận động chị em chăm lo phát triển kinh tế gia đình và cảm hóa biết bao thanh niên lầm lỗi, hàn gắn nghĩa vợ chồng, tình làng xóm…
Không nhớ hết, nhưng những tấm huy chương, bằng khen, giấy khen và tình cảm của người dân khu phố dành cho cựu chiến binh Nguyễn Thị Huệ là minh chứng tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, uy tín của người lính cụ Hồ trên trận tuyến mới./.
Thùy Trang