Tiếng Việt | English

27/08/2017 - 03:45

Cổ miếu Tân Hòa - Nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cổ miếu Tân Hòa là nơi che giấu cán bộ cách mạng. Khi đất nước không còn bóng quân thù, đây trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân.

Cổ miếu Tân Hòa là nơi phản ánh chân thật quá trình khai hoang lập đất của người dân Nam bộ

Nơi hoạt động cách mạng

Cổ miếu Tân Hòa ở ấp Trung, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An ban đầu có tên là miếu bà Chúa Xứ, được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XIX để thờ Chúa Xứ nương nương - một loại hình tín ngưỡng dân gian thuộc dạng thờ mẫu rất phổ biến ở Nam bộ và Long An. Năm 1976, các cụ cao niên trong Ban hội miếu chính thức đổi tên miếu bà Chúa Xứ thành cổ miếu Tân Hòa và tên gọi này được sử dụng đến nay.

Sau khi Đảng ra đời (03/02/1930), Đồng Tháp Mười trở thành địa bàn hoạt động của những đảng viên cộng sản: Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Tiếp,... Ở Tân Hòa, các đồng chí kết hợp người địa phương mà trước kia là thành viên hoạt động trong Hội kín Nguyễn An Ninh: Nguyễn Văn Cây, ông Tám Chánh, ông Tám Sách,... để gầy dựng cơ sở Đảng, chỉ đạo đấu tranh giảm tô, thuế thân,... Từ thời gian này đến năm 1945, cổ miếu Tân Hòa là nơi tập hợp lực lượng chính trị dân quân, thanh niên,... tham gia cướp chính quyền ở địa phương.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, phong trào cách mạng nơi đây chuyển sang hoạt động công khai, tổ chức hội họp của Đảng, chính quyền, đồng thời là nơi mở các lớp bình dân học vụ của địa phương. Để phục vụ Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cổ miếu Tân Hòa trở thành trạm quân y Quân khu 8, gần miếu là công binh xưởng. Từ sau Chiến dịch Mậu Thân 1968 đến năm 1975, đây là địa điểm liên lạc, tiếp tế lương thực, nơi giao lưu, gặp gỡ của cán bộ.

Ông Đặng Văn Huê (79 tuổi, thương binh 1/4, ngụ ấp Tây Nam, xã Tân Hòa) cho biết: “Biết cổ miếu Tân Hòa là nơi hoạt động của cán bộ cách mạng, giặc luôn tìm cách phá bỏ căn cứ của ta nhưng người dân luôn tìm cách xây dựng lại và bảo vệ miếu, đồng thời lưu truyền những giai thoại thể hiện sự linh thiêng của ngôi miếu, từ đó, giặc cũng sợ. Tại đây, du kích xã còn gài mìn tiêu diệt được một xe chỉ huy của địch. Trận đánh đó góp phần bẻ gãy trận càn lớn của giặc vào căn cứ Đồng Tháp Mười”.

Nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa dân gian

Năm 2008, cổ miếu Tân Hòa được xây mới từ sự đóng góp của người dân địa phương gồm 1 chánh điện và nhà hậu với kết cấu kiểu xiêng trính. Hệ thống tượng thờ trong chánh điện được bố trí theo trục chính từ trong ra ngoài, bên trong phía trên là tượng bà Chúa Xứ; dưới là tượng 5 vị Ngũ Hành nương nương và một tượng nhỏ bà Chúa Xứ; 2 bên là cặp hạc chầu, bàn thờ tả ban, hữu ban và chiến sĩ,... Đặc biệt, nơi đây còn có cây gừa hơn 100 năm tuổi, cành lá sum suê nằm cặp bờ kênh càng tôn thêm sự uy nghiêm của cổ miếu và gợi nhớ về một thời khai hoang mở đất. Cổ miếu Tân Hòa được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Người dân thường xuyên đến làm công quả tại Cổ Miếu Tân HòaCổ miếu là nơi tín ngưỡng của người dân địa phương, với 2 lệ chính: Hạ điền và thượng điền. Trong đó, lễ hạ điền được tổ chức vào đầu mùa mưa (16/4 âm lịch) và lễ thượng điền cử hành vào cuối mùa mưa, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa - Lê Em chia sẻ: “Hàng năm, chính quyền và người dân địa phương tổ chức lễ hạ điền và thượng điền một cách long trọng, thu hút gần 1.000 người tham gia. Trước đây, tại các buổi lễ, người dân được xem hát bộ, hát cải lương, nay thì đổi thành phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao”.

Với những giá trị thiêng liêng gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cổ miếu Tân Hòa trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng lý tưởng cho thế hệ trẻ./.

Lê Ngọc 

Chia sẻ bài viết