Tiếng Việt | English

09/12/2017 - 12:06

Cổ tích nhiệm màu...

Gấp cuốn sách lại, bé An thở dài, lấy tay dụi vào mắt. Ngước mắt lên nhìn tôi giọng mếu máo:

- Truyện gì mà buồn thấy mồ. Em đọc mà thấy thương cho anh Đức quá! Ảnh bị liệt hai chân mà học giỏi, vậy mà còn bắt anh ra huyện học. Sao không cho cái trường gần nhà đi. Em đọc mà giận gì đâu!

Bé An luôn làm tôi phì cười vì cái tính người lớn không ra người lớn, trẻ con không ra trẻ con của nó. Lắm khi, bé An hỏi những câu làm cho ba nó hay bảo chạy qua nhà hỏi tôi. Ba nó vẫn hay nói, anh Mạnh đọc sách nhiều, con qua hỏi ảnh. Thành ra tôi luôn được đặt vào tình thế những câu hỏi dở khóc, dở cười. Đại loại: Anh Mạnh, tại sao con vịt trong truyện nó biết nói tiếng người? Em thấy thằng Minh giải toán chia hổng rành mà cuối năm nó lãnh giấy khen? Con gà có trước hay là trứng gà có trước, anh?... Tôi không biết mình còn phải "điêu đứng" bao lâu nữa với những câu hỏi không đâu của nó. Mà tôi chỉ biết, chiều chiều, nó lại tạt qua nhà tôi với đôi mắt đăm chiêu nhiều “thế sự”.

Minh họa: Thiện Mỹ

Một bữa, bé An báo cho tôi một “hung tin”. Nó quyết định trở thành nhà văn! Nó nói sẽ không thể giương mắt nhìn những cảnh đời bất hạnh, lầm than, không thể cho những nhân vật khổ thêm một chút nào nữa. Những nhân vật bé An sẽ viết dù có khó khăn thế nào cũng tìm lại được hạnh phúc. Tuyệt đối sẽ không có nhân vật nào bị khuyết tật, mồ côi, đói khổ. An sẽ cho các bạn một thiên đường tuổi thơ với ngôi nhà nhỏ ấm cúng có những tiếng cười giòn tan, có những chuyến đi chơi thật ly kỳ, hấp dẫn.

- Nãy giờ em kể chuyện cổ tích cho anh nghe đó hả? - Tôi cười.

Sau câu nói của mình, tôi mới biết mình vừa tạt gáo nước lạnh vào nó. Nhưng dường như quyết tâm của nó vẫn còn sục sôi lắm! Đôi mắt nó vẫn mơ màng ngó về đám cỏ xanh dưới ánh chiều nhạt nắng.

- Rồi em sẽ chứng minh cho anh thấy. Anh Mạnh đợi đọc tác phẩm của em đi!

- Ờ, anh sẽ đợi. - Tôi nhún vai dửng dưng.

Bé An hiện thực hóa giấc mơ của mình bằng hai câu chuyện đầy... hoa hồng. Câu chuyện thứ nhất nhuốm đầy cổ tích khi chàng hoàng tử kịp nhận ra người con gái kia chính là nàng tiên cá, người hy sinh giọng hát của mình để đổi lấy đôi chân. Hoàng tử ôm chầm lấy nàng tiên cá để nàng không biến thành bọt biển nữa. Và nụ hôn của chàng hóa giải lời nguyền độc ác kia. Hoàng tử xây dựng một lâu đài tráng lệ với đầy hoa thơm cỏ lạ đón nàng tiên cá trở về. Họ sống hạnh phúc với nhau trọn đời.

Câu chuyện thứ hai của bé An thì giống như nàng Lọ Lem thời @. Sau cái tát đau như trời giáng, Tầm bỏ nhà đi để không phải chịu những oan ức, ngược đãi của mẹ kế. Lúc Tầm đói lả và ngất trên đường, cô được một bà lão tốt bụng đem về nuôi và rất may cho Tầm, bà lão không có con nên coi cô như con ruột của mình. Tầm được đi học và học rất giỏi. Lớn lên, Tầm trở thành cô y tá giỏi giúp đỡ biết bao nhiêu người khó khăn, nghèo khổ. Một hôm, tình cờ, mẹ kế của Tầm vào bệnh viện khám, nhìn bà có vẻ tiều tụy đi nhiều. Mẹ kế nhận ra Tầm vì cái sẹo lồi trên tay phải do bà gây ra lúc Tầm còn nhỏ. Tầm là người nhân hậu nên cô chữa lành bệnh cho mẹ kế và đưa mẹ kế về nhà. Xấu hổ với những việc làm của mình khi xưa, mẹ kế ôm mặt khóc, quỳ trước bàn thờ của ba Tầm. Tầm đỡ mẹ kế lên và nói, con tha thứ cho dì...

Giọng đọc của nó cứ tràn trề niềm tin, đôi mắt lim dim, tay thì không ngừng chém vào không khí. Tự nhiên lúc đó, tôi không còn muốn làm mất hứng “con đường” văn chương của nó.

- Anh Mạnh thấy em viết có hay không? Chắc chẳng bao lâu nữa thôi, em sẽ thành nhà văn. Mấy đứa trong xóm sẽ sắp hàng dài dài để được nghe đọc truyện của em. Nghĩ tới lúc đó, chắc em không có thời gian rảnh qua chơi với anh đâu. Anh đừng giận em nghen!

- Ờ, em viết hay lắm! Giờ thì phụ anh ôm củi vô nhà, trời chuyển mưa rồi nè.

*

*    *

Bé An chấm dứt sự nghiệp văn chương còn dang dở của mình vì mấy đứa trong xóm bận đi thả diều, tắm sông, đánh trận giả, không có thời gian nghe những câu chuyện “sến rện” của nó. Mà theo lời của bé An thì tụi nó không có đủ trình độ cảm thụ giá trị nhân văn sâu sắc của nó gởi gắm vào.

Hôm đó, bé An ngồi coi ké tivi, tivi đang chiếu chương trình giải mã ảo thuật. Màn ảo thuật thật ly kỳ. Chốc chốc, nó lại hít hà, ngộ quá hén anh Mạnh, ông này chắc có phép thuật nè anh Mạnh. Cô đó bị chặt mấy khúc mà hổng sao hết trơn hết trọi.

- Em chờ đi. Một chút người ta giải mã cho em coi. Đấy chỉ là một trò lường gạt! - Tôi vỗ vai nó.

- Thôi, em không coi chương trình này nữa. Anh bắt đài khác đi.

- Ủa, em không muốn biết làm thế nào mà ông đó chặt bà kia làm mấy khúc mà hổng chết sao?

- Em không muốn biết - Nước mắt bé An chảy dài trên đôi má lấm lem.

- Anh Mạnh để em tin trên đời này có phép thuật đi, để má em được sống lại. Rồi một ngày nào đó, bà tiên sẽ nghe được lời cầu nguyện của em. Má sẽ không bỏ em đi nữa. Hồi đó, má hứa chải tóc cho em mỗi ngày, hứa dắt em đi học kìa, má còn nói sau này em lớn, má gả em cho Việt kiều. Vậy mà má bỏ em đi luôn...

Lần đầu tiên tôi thấy nó khóc sau cái lần má nó mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Kéo nó vào lòng mà khóe mắt cay xè. Chưa bao giờ tôi thấy mình yếu đuối như lúc này. Ngoài kia, những ngọn gió đuổi dồn trên hàng cây luống tuổi, chiếc tivi vẫn đổ những tràng âm thanh hỗn tạp của một chương trình bị lãng quên. Tôi quẹt nước mắt cho nó, lúc này nhìn nó con nít hơn bao giờ hết. Chẳng còn là đứa trẻ lanh lợi với những suy nghĩ của người lớn được đặt vào đầu của một đứa trẻ. Tôi khẽ cười:

- Chẳng phải là bà tiên chỉ giúp đỡ những đứa trẻ ngoan và học giỏi hay sao? Bé An cố gắng học thiệt giỏi và vâng lời thì bà tiên mới giúp được. Má bé An ở trên trời cũng nhìn thấy bé An đó. An mà hư là má buồn lắm đó!

- Thiệt không anh Mạnh? Vậy An sẽ học giỏi, nghe lời ba và cô giáo. Mỗi ngày, An sẽ ngước mặt lên nhìn má ở trên trời. Má thấy em, đúng hong anh Mạnh?

Tôi thấy bé An mấp máy đôi môi nhỏ xinh của mình lúc ngước lên nhìn bầu trời cao rộng. Hình như An nói với má điều gì đó. Nó cười. Nụ cười trong vắt. Ngay lúc đó, tôi chỉ muốn tin cổ tích trên đời này là có thật. Đừng ai bắt tôi xa rời cổ tích, khi cổ tích còn quá đỗi nhiệm màu...

Nguyễn Chí Ngoan

Chia sẻ bài viết