Các doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng, điều kiện làm việc của người lao động
Nêu cao trách nhiệm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động
Luật ATVSLĐ năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Các cấp CĐ trong tỉnh triển khai, thực hiện hiệu quả, góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định của doanh nghiệp (DN), bảo vệ sức khỏe, tái tạo sức lao động cho người lao động. Đây cũng là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng để các cấp CĐ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN.
Hàng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cụ thể hóa nội dung công tác ATVSLĐ, đưa vào thang điểm thi đua của các cấp CĐ. Các cấp CĐ phối hợp người sử dụng lao động đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ; củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác ATVSLĐ; khám sức khỏe định kỳ; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; tham gia điều tra xử lý, khắc phục nguyên nhân các vụ tai nạn lao động xảy ra,... CĐ cơ sở tham gia, phối hợp người sử dụng lao động thực hiện việc rà soát, bổ sung kế hoạch, nội quy, quy trình vận hành máy, thiết bị và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nhà xưởng, khu vực sản xuất.
Việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ ở CĐ cơ sở trong DN có nhiều chuyển biến tích cực và được thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Như bữa ăn giữa ca (giá trị từ 15.000-35.000 đồng), thời gian làm việc giảm từ 30 phút đến 2 giờ trong tuần; chế độ, chính sách về thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người lao động khi rủi ro bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông (cao hơn quy định từ 5-20%); xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm đúng, đủ các nội dung theo quy định. Đồng thời, CĐCS giám sát thỏa ước lao động tập thể về các điều, khoản về ATVSLĐ tại DN.
Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp - Bùi Thị Ngọc Trang cho biết, định kỳ hàng năm, các CĐCS phối hợp người sử dụng lao động tổ chức đối thoại tại DN về các vấn đề liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, tiền chuyên cần, phép năm, bữa ăn giữa ca, cải thiện điều kiện làm việc, ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ,... Qua đối thoại, người sử dụng lao động kịp thời khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong sản xuất.
Thông tin từ LĐLĐ tỉnh, 5 năm qua, các cấp CĐ tổ chức tuyên truyền về pháp luật lao động, ATVSLĐ trong đoàn viên CĐ, công nhân, viên chức, lao động được 1.215 cuộc, có 234.000 lượt tham dự; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn công tác ATVSLĐ cho 1.600 lượt cán bộ CĐ và người lao động theo quy định về chế độ, chính sách; biện pháp kỹ thuật an toàn máy, thiết bị; kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đánh giá rủi ro, quy trình, trình tự tham gia điều tra tai nạn lao động và một số phương pháp hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
Mặt khác, 5 năm qua, có gần 80.000 lao động được khám sức khỏe định kỳ, hơn 204.000 người được khám bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, các cấp CĐ tham gia kiểm tra, giám sát trên 600 đơn vị, DN có nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATLĐ, cháy, nổ. Qua kiểm tra cho thấy, công tác ATVSLĐ ở các DN được người sử dụng lao động quan tâm thực hiện. Các giải pháp chống ồn, chống nóng, chống bụi, ánh sáng, nước sinh hoạt, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, trồng cây xanh, các thiết bị, máy có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn cũng được chủ DN thực hiện kiểm định theo quy định; vấn đề che chắn các máy, thiết bị cũng được cải thiện; việc bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại được người sử dụng lao động thực hiện.
Khơi mở sáng tạo, cải tiến chất lượng làm việc
Hàng năm, LĐLĐ tỉnh tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ gắn với Tháng Công nhân tại các khu, cụm công nghiệp có đông người lao động trên địa bàn huyện Thủ Thừa, Đức Hòa, Bến Lức và TP.Tân An; hướng dẫn các cấp CĐ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động tại cơ sở, DN bằng nhiều hoạt động thiết thực, đa dạng hình thức, phong phú về nội dung như hội thảo, hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi bằng hình thức sân khấu hóa hoặc trực tuyến.
“Qua những hoạt động này, công nhân, lao động hiểu hơn các quy định về ATVSLĐ để chấp hành và thực hiện tốt. Việc thực hiện tốt pháp luật về lao động là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân và sự phát triển ổn định, bền vững của DN” - công nhân Nguyễn Thị Hải Lý, làm việc tại Công ty TNHH Giầy ChingLuh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức), bày tỏ.
Cải tiến môi trường, điều kiện làm việc là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động và vì sự phát triển an toàn, bền vững của doanh nghiệp
Bên cạnh đó, các cấp CĐ trong tỉnh cũng quan tâm khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về ATVSLĐ, nổi bật là phát động phong trào thi đua Lao động giỏi - Lao động sáng tạo. 5 năm qua, có hơn 2.300 sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả cao và làm lợi cho cơ quan, đơn vị, DN.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc cho biết: “Năm 2021, LĐLĐ tỉnh triển khai, phát động đến các cấp CĐ chương trình “75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, qua đó có 5.767 sáng kiến của công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên CĐ đăng ký tham gia. Các sáng kiến được đánh giá cao khi tập trung vào lĩnh vực sản xuất có giá trị làm lợi cao, tạo ra sản phẩm mới, bảo đảm ATVSLĐ, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính”.
Nhìn chung, qua thực hiện Luật ATVSLĐ năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 cho thấy, sự tuân thủ pháp luật của các đơn vị DN từng bước được nâng cao về nhận thức, trách nhiệm, góp phần ổn định sản xuất, phát triển bền vững. Đặc biệt, đã quy định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động, làm cơ sở quan trọng để thực hiện tốt văn hóa ATVSLĐ tại DN, mang lại lợi ích cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các hoạt động cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực kiểm định, tư vấn, huấn luyện an toàn lao động cũng được đẩy mạnh, góp phần cải thiện điều kiện, môi trường làm việc của người lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc, thời gian tới, các cấp CĐ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ nhằm nâng cao ý thức về công tác ATVSLĐ ở cơ sở và thực hiện tốt văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, các DN. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp CĐ kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác ATVSLĐ từ tỉnh đến cơ sở như củng cố thành lập hội đồng an toàn lao động, mạng lưới an toàn vệ sinh viên, cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại DN và phân công cán bộ CĐ phụ trách công tác ATVSLĐ./.
Lê Đức