Tiếng Việt | English

17/03/2022 - 03:08

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An chất vấn về tình trạng mất cân đối trong việc sử dụng đất

Chiều 16/3, tiếp tục chương trình phiên chất vấn tại phiên họp lần thứ 9, Quốc hội tiến hành chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Hoạt động chất vấn được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà giải trình tại phiên chất vấn. Ảnh chụp màn hình

Nội dung chất vấn gồm việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà cũng giải trình việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

Liên quan đến vấn đề đất đai, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An – Lê Thị Song An chất vấn: “Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, trước các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, tôi cho rằng vẫn còn tình trạng mất cân đối trong việc sử dụng đất, nhất là quỹ đất dành cho các công trình công cộng như giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, sinh hoạt cộng đồng,… Với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp gì để giải quyết tốt thực trạng này trong kỳ quy hoạch vừa được Quốc hội thông qua”.

Trả lời những vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó có vấn đề đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Trần Hồng Hà thông tin, việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã hạn chế được tiêu cực, lợi dụng cơ chế xin - cho, chỉ định đối tượng được giao đất, thuê đất để mưu lợi cá nhân, làm thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Hoạt động này ngày càng được thực hiện phổ biến và mở rộng hơn về quy mô, tăng giá trị thu được qua các năm và có đóng góp tích cực trong việc phát triển KT - XH của các địa phương.

Về vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai, ông Trần Hồng Hà thừa nhận, “đây là hiện tượng rõ ràng có thật”. Trong điều kiện dịch Covid-19, người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất, và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công. Nhưng ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả và đấy là điều rất không tốt với nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, trong vấn đề này, nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề “thổi” giá. Không để xảy ra tình trạng đất chưa sử dụng mà đã tham gia đấu giá để giữ đất. Không để tình trạng đất không sử dụng, không đầu tư nhưng để càng lâu vẫn lên giá. “Về chính sách, chúng ta phải làm sao để kiểm soát được các dự án đầu tư phải khả thi. Phải xác định được lộ trình dự án này để đưa vào phục vụ cho phát triển kinh tế” – ông Trần Hồng Hà nêu quan điểm.

Về giải pháp khắc phục hiện tượng các dự án trong lĩnh vực bất động sản chưa được phép mở bán theo luật định nhưng một số doanh nghiệp đã tiến hành huy động vốn thông qua ký kết các loại hợp đồng như là hợp đồng hứa mua, hứa bán, hợp đồng góp vốn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà cho rằng, các hợp đồng hứa mua, hứa bán chính là đang lách Luật Đất đai.

Trong Luật Đất đai không quy định về vấn đề hứa bán, hứa mua và hợp đồng. Trong Luật Dân sự không cấm, mà đã không cấm thì để hạn chế rủi ro thì phải tìm căn cứ để giải quyết. Theo Bộ trưởng, để giải quyết căn cơ vấn đề này phải công khai tất cả quy hoạch. Còn việc thu hút đầu tư sau khi người ta biết chắc chắn là sẽ không có rủi ro, dự án là có thật thì những thỏa thuận mang tính chất thỏa thuận dân sự thì hoàn toàn có thể.

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An - Lê Thị Song An chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề đất đai

Tại phiên chất vấn, trả lời nội dung của đại biểu nêu về xử lý chất thải y tế có Covid-19 và chất thải y tế nói chung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Đây là chất thải nguy hại, được quản lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại và quản lý chất thải y tế”. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý chất thải y tế này trong cả nước để cung cấp cho ngành Y tế thời gian qua. Với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp các địa phương trong vấn đề lựa chọn, đánh giá các công nghệ để xử lý.

Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải, nước thải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, trong năm 2022 sẽ tiến hành tổng kết toàn bộ hoạt động các trung tâm xử lý chất thải, tình trạng môi trường và công nghệ. Bộ sẽ có công bố các công nghệ xử lý rác thải phù hợp để các địa phương lựa chọn. Trong đó, công nghệ được lựa chọn phải theo hướng tái chế, tái sử dụng, biến chất thải thành năng lượng. Trong năm 2022, Bộ sẽ hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn và công nghệ, có hướng dẫn để các địa phương lựa chọn cách thức xử lý phù hợp./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết