Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 9/3, thông tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết theo dự kiến, phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 10/3/2022 và bế mạc vào ngày 25/3/2022.
Phiên họp được tổ chức làm 2 đợt: Đợt 1 diễn ra từ ngày 10-16/3/2022, trong đó lần đầu tiên hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 16/3. Đợt 2 diễn ra từ ngày 22-25/3/2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên họp này, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua: dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động; xem xét đề nghị của Chính phủ về bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến các nội dung: việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Đối với vấn đề kinh tế-xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Về công tác giám sát, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn vào ngày 16/3/2022.
Theo Kế hoạch số 124/KH-UBTVQH15 ngày 8/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên chất vấn sẽ được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phiên chất vấn được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn đối với các nhóm vấn đề và người trả lời chất vấn như sau:
Nhóm vấn đề thứ nhất (lĩnh vực công thương), gồm: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; Việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.
Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)
Nhóm vấn đề thứ 2 (lĩnh vực tài nguyên và môi trường), gồm: Việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân, việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này; việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy, xử lý chất thải công nghiệp, vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học Công nghệ, Xây dựng, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề về: “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2022 của Quốc hội./.
Theo TTXVN