Quang cảnh diễn đàn - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 17-12, diễn ra hội thảo phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ năm, do Chính phủ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Hàng trăm ngàn lao động bị giảm giờ làm, mất việc
Nêu tham luận, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay từ tháng 9 đến nay đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng.
Theo ông Hiểu, số lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng 2022 tăng khá mạnh so với cùng kỳ 2021.
Trong đó TP.HCM tăng 25,88%, Bình Dương tăng 39,08%, Đồng Nai tăng 54,69% và Tiền Giang tăng 66,5%.
Tổng hợp tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9-2022 cho đến hết ngày 10-12-2022 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động.
Trong đó giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 433.908 người, chiếm 90% tổng số người bị ảnh hưởng.
Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 6.570 người, chiếm 1,36%, chấm dứt hợp đồng lao động với 41.642 người, chiếm 8,64% tổng số người bị ảnh hưởng
Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng).
Chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP.HCM (52.290 người), Long An (16.180 người), Tây Ninh (26.086 người), Đồng Nai (111.163 người), Bình Dương (87.555 người), An Giang (10.995 người)...
Tổng chung khu vực phía Nam có 341.544 người lao động bị ảnh hưởng, chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc...
Tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm, theo ông Hiểu, để lại hệ lụy rất lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần.
Đối với người lao động, giảm giờ làm là giảm tiền lương, thu nhập; mất việc làm là mất tiền lương, mất thu nhập.
Trước đó trong bài tham luận gửi đến hội thảo ông Hiểu đã dẫn hình ảnh "hàng đoàn người lao động xếp hàng rút bảo hiểm xã hội một lần trong suốt năm 2022 và đang "bùng" trở lại những tháng cuối năm ở khu vực phía Nam" là hệ lụy khó tránh khỏi khi người lao động quá khó khăn, không còn nơi "bấu víu".
Đề nghị tiếp tục có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp trả lương
Ông Hiểu nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý 1, thậm chí quý 2-2023.
Dự kiến trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.
Ông Hiểu cũng kiến nghị cần nhiều giải pháp đồng bộ, hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường.
Đồng thời hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.
Tiếp tục có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để doanh nghiệp trả lương cơ bản giữ chân người lao động, đào tạo, đào tạo lại người lao động, tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển đổi vị trí việc làm trong doanh nghiệp…
Về lâu dài, cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng để người lao động sau một thời gian làm việc phải có tích lũy ở mức cần thiết để khi gặp khó khăn, họ vẫn có tiền để duy trì cuộc sống.
Phải mở rộng chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm đủ sức để hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn...
Trước các khó khăn được dự báo cho năm 2023, đại diện UBND tỉnh Bình Dương đề nghị giữa các doanh nghiệp cần phối hợp chia sẻ để điều tiết nguồn lao động từ nơi cắt giảm đến nơi còn nhu cầu. Đồng thời cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp./.
THÀNH CHUNG - LÊ THANH (Theo Tuổi Trẻ)