Tiếng Việt | English

01/12/2020 - 09:28

Đem giỏ đan tay ra thế giới

24 năm là khoảng thời gian mà nghệ nhân Trần Thị Lành (xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đã gắn bó cùng nghề đan giỏ nhựa. Từ những ngày đầu chập chững học đan đến lúc tự mình sáng tạo được những hoa văn mới, thử nghiệm những loại sợi mới và trở thành nghệ nhân là cả một quá trình dài.

Giờ đây nghệ nhân Trần Thị Lành có thể tự mình tạo được hoa văn mới rồi hướng dẫn người khác làm

Giờ đây nghệ nhân Trần Thị Lành có thể tự mình tạo được hoa văn mới rồi hướng dẫn người khác làm

Nghĩ là làm

Cô Lành là một phụ nữ đậm người, nụ cười hiền và giọng nói chậm rãi. Trong nhà cô từ trước sân đến sau nhà, từ dưới đất đến trên gác đều đầy ắp giỏ nhựa, cả giỏ thương phẩm đi chợ thường thấy đến giỏ hoa văn mỹ nghệ phục vụ khách nước ngoài với đủ kiểu dáng, hoa văn,... Từ khi dịch Covid-19 hoành hành, công việc của cô Lành có ít nhiều ảnh hưởng nhưng Cơ sở hàng thủ công Chị Lành vẫn ổn định vài chục nhân công làm việc thường xuyên, chủ yếu làm gia công tại nhà.

Để có được kết quả như hiện tại, ít ai biết cô Lành đã phải trải qua những ngày tháng đầy vất vả, mày mò tự học, tự bán lẻ từng chiếc giỏ ở chợ gần, chợ xa. Cô Lành kể: “Tôi vốn làm nghề đi ghe. Nhưng khi mẹ tôi lớn tuổi, muốn ở nhà chăm sóc mẹ nên tôi không đi nữa, ở nhà học nghề đan giỏ”.

Ngày đó, nghĩ là làm, cô ra chợ mua chiếc giỏ nhựa về tháo ra và tìm tòi đan lại. Biết cách đan rồi, cô lên chợ Kim Biên, TP.HCM mua nguyên liệu về tự mình làm. Được hơn 100 chiếc giỏ, cô lại tự mình lân la các khu chợ rao bán từng sản phẩm của mình. Nghe ở miền Tây có chợ nào đông đúc, đoán sẽ có tiềm năng là cô tìm tới. Người phụ nữ ấy một mình với mấy trăm chiếc giỏ nhựa cồng kềnh cứ mạnh dạn đi. Sau những nỗ lực miệt mài, cô đã “hái về trái ngọt” khi ngày càng nhiều khách hàng quan tâm đến sản phẩm của cô. Từ việc chỉ tự làm ở nhà, cô Lành kêu gọi người thân cùng làm với mình để kịp hàng giao cho khách. Tiếng lành đồn xa, số lượng hàng được đặt tăng dần, cô mở rộng việc sản xuất, dạy nghề và cho người khác nhận gia công sản phẩm cho mình.

Khi đã lành nghề, việc kinh doanh bắt đầu ổn định, cô Lành nghĩ tới việc làm sao để bán được nhiều hàng hơn. Cô mày mò thay đổi hoa văn trên giỏ. Không chỉ đan giỏ theo kiểu đan nong mốt đơn giản như trước, cô cho ra đời những chiếc giỏ với hoa văn khác hơn một chút nhằm tạo điểm nhấn cho sản phẩm của mình. Cô ví von: “Hai cái giỏ giống như là 1 cái mặc áo thường và 1 cái mặc áo bông vậy”.

Và dù có thay đổi hoa văn, kiểu dáng mới lạ thế nào thì trước khi xuất bán sản phẩm, cô Lành đều kiểm tra kỹ chất lượng, quyết không để những chiếc giỏ làm qua loa đến tay khách hàng dù là khách sỉ hay lẻ. Sự chỉn chu, cẩn thận và tâm huyết đó giúp cô có cơ hội gặp gỡ một doanh nghiệp Nhật Bản, có được hợp đồng sản xuất giỏ xuất khẩu nước ngoài đầu tiên. Cô kể: “Hồi đó, do có người giới thiệu nên họ tìm tới tôi, đưa cho tôi mẫu sản phẩm và hỏi có làm được không. Nhận sản phẩm rồi, tôi mày mò mãi mới biết cách làm, nhiều khi thức trắng cả đêm”.

“Bén duyên” cùng giỏ mỹ nghệ

Vậy là từ giỏ thương phẩm bình thường, cô Lành bắt đầu “bén duyên” với sản xuất giỏ mỹ nghệ với da dạng hoa văn, mẫu mã. Ban đầu, mẫu từ khách hàng đưa tới, cô chỉ làm theo yêu cầu, sau đó tự cô sáng tạo ra loại hoa văn của riêng mình, tự đặt tên cho sản phẩm và mang chào hàng ở nhiều nơi. Kho hàng của cô Lành đầy ắp giỏ các loại, đủ kích cỡ, màu sắc: Giỏ xách tay, giỏ đeo vai, giỏ hoa mai, giỏ con cò, giỏ lưới đi biển,... Mỗi sản phẩm mang một đặc điểm riêng không lẫn đi đâu được. Tất cả được đan thủ công hoàn toàn bởi những người thợ lành nghề mà người trực tiếp tạo mẫu và hướng dẫn chính là nữ nghệ nhân Trần Thị Lành. Cô Lành chia sẻ: “Trước đây, khi nhận mẫu của khách, tôi phải học cách đan, giờ thì nhìn qua là biết. Giờ tôi có thể tự mình tạo được hoa văn mới rồi hướng dẫn chị em làm. Tôi đang tính thử nghiệm một loại sợi mới do công ty chào hàng. Chưa biết nó thế nào nhưng có lẽ chúng tôi sẽ có sản phẩm mới từ nó”.

Một số sản phẩm giỏ mỹ nghệ tại nhà nghệ nhân Trần Thị Lành

Một số sản phẩm giỏ mỹ nghệ tại nhà nghệ nhân Trần Thị Lành

Cơ sở của cô Lành vào giai đoạn cao điểm có lúc lên đến hàng trăm nhân công. Người làm việc cho cô không chỉ ở Cần Đước mà còn ở các huyện lân cận và cả tỉnh bạn Tiền Giang. Giờ đây, Cơ sở hàng thủ công Chị Lành đã trở nên quen thuộc với tiểu thương các khu chợ ở TP.HCM và khu vực miền Tây: Chợ Bình Tây, chợ Lớn, chợ Bến Thành, chợ An Hữu,... Ngoài việc ký các hợp đồng với doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng mỹ nghệ, giao hàng cho tiểu thương tại các khu chợ, cô Lành vẫn đang tiếp tục chào hàng các sản phẩm mới mỗi ngày.

Với cô Lành, dường như chưa khi nào cô ngừng sáng tạo và nhiệt tâm với công việc của mình. Đến với nghề đan giỏ nhựa một cách hết sức tình cờ nhưng nghệ nhân Trần Thị Lành đã đặt hết tâm sức mình vào đó, kiên trì theo đuổi để giờ đây cô có thể tự hào về những chiếc giỏ đan tay của cô và những người làm cùng cô đã và đang đến với bạn bè quốc tế./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết