Vừa từ chỗ đo nhịp tim, nhiệt độ, huyết áp về tới phòng, Thương bỗng nghe tiếng chuông điện thoại réo rắt. Một cuộc gọi qua Zalo, Thương sốt sắng chạy đến bên chiếc bàn còn ngổn ngang phần thuốc hạ sốt để phòng khi nhiệt độ cơ thể tăng cao.
“Alo, mẹ nghe đây con gái yêu!”, “Công chúa nhỏ đã ăn cơm hay chưa, ngoại vẫn khỏe chứ? Ráng ăn cho khỏe con nhé, chừng nào bác sĩ bắt hết đám virút trong người ba mẹ ra thì ba mẹ sẽ về với con”.
Những câu hỏi như thế cứ dồn dập khiến cô công chúa nhỏ không kịp trả lời. Mà Thương cũng không cần con gái trả lời, tính nết, cách ăn uống, sở thích và cả cách làm nũng của con gái, Thương đều quen, đoán định được hết. Thương chỉ cần nghe được tiếng nói nhỏ nhẹ của con gái, nhìn thấy khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt hồn nhiên của con qua màn hình điện thoại là cũng thỏa mãn lòng mình. Thương cố kìm nén không để nước mắt rơi. Thương không muốn con gái thấy mình đang khóc vì nhớ con.
- Cố lên em! Vợ chồng mình ráng ăn uống cho mau khỏe, tập thể dục, điều trị theo phác đồ của bác sĩ, sớm muộn gì cũng sẽ về với con gái, với khu vườn nhỏ của mình.
Huy - chồng Thương, vừa khuyên vợ, vừa kéo đầu vợ ngả vào bờ vai của mình. Bờ vai rắn chắc và đầy tin tưởng, nơi Thương lựa chọn làm chỗ tựa trong cuộc sống, kể cả những lúc bệnh tật, ốm đau.
Ảnh internet
Anh hôn vợ, chỉ là cái hôn qua hai chiếc khẩu trang nhưng cũng đủ để Thương cảm nhận được tình yêu thương và sự lo lắng của Huy. Một cảm giác ấm áp tràn ngập trong lòng, đủ để Thương cảm nhận rằng, đời Thương thật hạnh phúc khi có Huy bên cạnh. Anh là người chồng biết nhường nhịn, sẻ chia. Biết Thương yêu cây xanh nên Huy nỗ lực làm việc, chắt mót từng đồng lương ít ỏi cho đến khi mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố, có ban công để Thương ngồi uống trà mỗi sớm, có khu vườn nhỏ để mỗi chiều hay những ngày chủ nhật, Thương cặm cụi chăm sóc cây xanh, trồng rau, trồng hoa.
Những ngày Covid-19 tràn vào thành phố làm ảnh hưởng đến nhịp sống vốn vội vàng, nhộn nhịp thường ngày, vợ chồng Thương quyết định gửi cô công chúa nhỏ về quê ngoại cho an toàn. Ở quê dẫu sao cũng an toàn hơn ở cái nơi chộn rộn, đông đúc này. Hai vợ chồng ở yên trong nhà, rau trong vườn, thịt, cá Thương gửi mấy chú bộ đội tốt bụng mua trong siêu thị, thi thoảng Thương còn nhận được túi rau, túi gạo của những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ người dân “kẹt” giữa lòng đô thị trong đại dịch. Những túi đồ cứu trợ khiến Thương cảm thấy lòng mình ấm áp, rồi đại dịch sẽ đi qua, nhưng chắc chắn rằng, năm năm, mười năm, mấy mươi năm sau, Thương vẫn sẽ kể cho con nghe về những tấm lòng tử tế trong mùa dịch.
Chưa bao giờ Thương xa con lâu như thế. Từ ngày cô công chúa nhỏ về quê ngoại, mỗi ngày, hai mẹ con chỉ được nhìn nhau qua màn hình điện thoại. Giá mà có thể đưa tay qua màn hình để chạm vào bầu má phúng phính của con gái, hoặc có đôi cánh, Thương sẽ bay ngay về quê để thăm con. Ngày cô công chúa nhỏ ở nhà, nhiều lúc Thương la rầy, nhất là khi Thương đang ngồi soạn giáo án mà con gái cứ ngồi cạnh bên kể chuyện ở lớp, ở trường, chuyện có con bướm đang bay tự nhiên rơi xuống vạt cỏ ngoài vườn rồi chết rũ khiến cô nàng rưng rưng nước mắt.
Giờ đây, Thương lại ước gì có con gái bên cạnh chắc sẽ đỡ cô đơn hơn, sẽ nô đùa với con suốt ngày không biết chán. Hai mẹ con sẽ xách cây xẻng nhỏ xíu của Huy ra vườn, mẹ xới đất, con đặt hạt mầm xuống cái hố đất mềm. Rồi năm ba hôm, cây sẽ mọc lên, sẽ nở từng chùm hoa đẹp.
Mùa thu, gió thổi từng cơn mát rượi vào khu cách ly. Thương nhớ lại ngày mình nhận được cuộc gọi từ nhân viên y tế, bảo rằng vợ chồng Thương dương tính với Covid-19, ngay lập tức sửa soạn đồ đạc, áo quần để đi vào khu cách ly, điều trị. Thương điếng người. Từ khi dịch bùng phát, vợ chồng Thương thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thương cũng không đến trường, chỉ quanh quẩn ở nhà. Vậy mà hai vợ chồng lại dương tính với Covid-19, thật nghiệt ngã! Thương bật khóc.
Huy vỗ về: “Không sao, em! Mình đi chữa trị. Hết bệnh, mình lại về”. Lúc Thương bước lên xe của nhân viên y tế, Thương ngoái lại nhìn căn nhà một lần nữa. Căn nhà có cái xích đu ở khoảng sân nhỏ mà mỗi chiều con gái Thương ngồi đong đưa, ca hát. Căn nhà kế bên có cô hàng xóm tốt bụng vẫy tay chào Thương sau lớp kính cửa sổ bóng loáng. Thương nức nở. Huy nắm chặt lấy tay Thương. Chiếc xe lao đi, tiến vào khu cách ly trong sự chào đón của rất nhiều người cũng đang chống chọi quyết liệt với virút.
- Chừng này của mấy năm trước, ngoài đường chắc rực rỡ lắm! Trung thu mà! Năm nay, Trung thu ngay lúc em với anh ở trong khu cách ly, chắc con mình buồn lắm!
Thương nói vậy, giọng ỉu xìu, dường như sắp tan vào trong gió.
- Không ai đưa con đi sắm lồng đèn, đi chơi phố, chắc con tủi thân lắm! - Huy nói tiếp - Nhưng con mình sẽ hiểu, em à! Nhất là khi con gái mình cũng biết rằng bạn bè con cũng chịu chung hoàn cảnh như vậy.
Thương cười. Cái cười gượng gạo. Chiều nhập nhoạng, khu cách ly đã bắt đầu lên đèn sáng rực. Đêm Trung thu trong khu cách ly, có người phụ nữ nhớ con ngồi trên ghế đá khóc thút thít khiến Thương ái ngại, có người thanh niên cũng khóc nhưng không phải vì nhớ con mà bởi vì người thân của anh vừa qua đời vì Covid-19. Một không gian không phải quá rộng nhưng hiện ra nhiều hoàn cảnh xót xa. Thương nghĩ: Ngoài kia có nhiều người còn đau khổ hơn Thương, vậy cớ gì cứ mãi ủ dột, u buồn, than vãn?
Thương nhắm mắt lại, khẽ khàng, gió nhè nhẹ thổi. Trăng đã bắt đầu lên, vầng trăng mùa thu tròn vàng, sáng rực cả một góc trời. Trăng soi xuống trần gian, xuống khoảng sân của khu cách ly để lộ mấy chiếc lá vàng nằm nghiêng ngửa. Nghĩ gì vậy, Thương ơi? Huy tự hỏi. Thương đang nghe mùi bánh trung thu, cái mùi mà mọi khi Thương phát ngán. Thương đã nghĩ về mâm cỗ sung túc, về chiếc lồng đèn và tiếng cười nô nức của cô công chúa nhỏ.
Thương nhớ lại những lần vợ chồng chở con quanh bờ hồ vào đêm Trung thu, đưa con vào khu vui chơi thiếu nhi, cùng con mua chiếc lồng đèn ông sao tặng cho cậu bé bán vé số tay chân lấm lem để mai sau cô công chúa nhỏ của Thương lớn lên và biết thương người, rộng lòng, cao thượng.
“Cứ nghĩ vậy đi, Thương ơi!” - Huy thổn thức - “Lòng em sẽ nhẹ nhàng hơn. Rồi chúng mình sẽ chiến thắng Covid, sẽ trở về trong sự háo hức, hân hoan của con gái”.
Độ chừng trăng tròn nhất, đẹp nhất, Thương lấy điện thoại gọi Zalo cho cô công chúa nhỏ của mình. Thương biết con vẫn còn thức và mong đợi một chút gì từ ba mẹ. May mắn thay là Thương, Huy và cô con gái của mình vẫn còn nhìn cùng một vầng trăng đẹp, dù họ cách nhau hàng trăm cây số, ở những nơi xa xôi. Không đợi chuông reo lâu, con gái Thương đã bắt máy và khuôn mặt hồng hào, tươi tỉnh hiện rõ trên màn hình điện thoại.
- Con gái, ba mẹ chúc con Trung thu vui vẻ! Năm nay ba mẹ không ở bên con để đón Trung thu, con ở với bà ngoại phải biết nghe lời bà, nghe con! Chừng nào hết dịch, ba mẹ sẽ về với con, chừng đó ba mẹ sẽ đưa con đi khắp phố phường, ăn đủ những món con thích và nói với nhau bao điều mà chẳng bao giờ biết chán.
Nghe mẹ nói, cô công chúa nhỏ tươi cười. Nó hát cho Thương nghe bài hát về chú Cuội, trong lời ca có “bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ”... Trước lúc tắt máy, cô công chúa còn làm hình trái tim bằng hai bàn tay gửi đến ba mẹ trong khu cách ly để ba mẹ sớm được trở về nhà, về với khu vườn, với khoảng sân, từng sớm từng chiều có hương hoa bát ngát.
Chỉ cần đơn giản vậy thôi! Nhưng Thương thấy lòng mình hạnh phúc lạ kỳ. Nhất định rồi, vợ chồng Thương sẽ chiến thắng Covid-19. Dù giá nào chúng ta vẫn sẽ chiến thắng! “Huy ơi, cố lên! Tôi ơi, cố lên!” - Thương thầm nghĩ, mắt ươn ướt.
Trời đã về khuya. Khuya trong khu cách ly yên ắng lạ thường, có gió xô lá xạc xào, có tiếng bác sĩ đi lại canh giấc ngủ của bệnh nhân và có những giấc mơ bay về ngày mai đất nước mình sẽ lại yên vui, hạnh phúc./.
Hoàng Khánh Duy