Người bệnh tăng huyết áp nên ăn giảm muối, thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà hoặc tại phòng khám. (Ảnh: TƯỜNG VY)
BS Đào Lê Phương Trang, khoa dinh dưỡng - bệnh không lây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết điều trị tăng huyết áp là quá trình lâu dài, cần sự theo dõi thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ điều trị.
Ngoài ra, để đạt được hiệu quả điều trị còn cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và các bệnh lý đi kèm.
Theo BS Trang, điều trị tăng huyết áp bao gồm điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc.
Điều trị không dùng thuốc hay thay đổi lối sống là điều trị nền tảng dù tăng huyết áp đang ở giai đoạn nào. Ở một số bệnh nhân tiền tăng huyết áp, tăng huyết áp độ 1, việc tích cực thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát tốt huyết áp mà chưa cần sử dụng đến thuốc hạ áp.
- Chế độ ăn hợp lý: Giảm ăn muối (< 5g/ngày), đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng; tăng cường rau xanh, hoa quả tươi (400g/ngày); hạn chế thức ăn nhiều cholesterol, axit béo no (các loại thịt, trứng, mỡ động vật, thức ăn nhanh, sữa và các sản phẩm từ sữa), thức ăn chế biến sẵn và đồ uống có gas.
- Duy trì cân nặng lý tưởng: BMI 18.5 - 22.9kg/m2; vòng bụng < 90cm (nam) và < 80cm (nữ). Chỉ số khối cơ thể (BMI) = cân nặng (tính bằng kg) / [chiều cao x chiều cao (tính bằng m)].
- Hạn chế tối đa rượu, bia: Uống không quá 2 đơn vị cồn/ngày (nam), 1 đơn vị cồn/ngày (nữ).
Ngoài ra, nên ngừng hút thuốc, tránh xa môi trường có khói thuốc; tăng cường hoạt động thể lực, tối thiểu 150 phút/tuần; hoạt động ít nhất ở mức độ vừa phải (đi bộ, làm việc nhà) 5 ngày/ tuần, mỗi ngày 30-60 phút; tránh căng thẳng; thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị lạnh đột ngột.
Đối với điều trị dùng thuốc, việc sử dụng thuốc được cá thể hóa dựa vào các đặc điểm của từng bệnh nhân, ưu tiên lựa chọn và phối hợp các nhóm thuốc nhằm đạt được huyết áp mục tiêu sớm, ít tác dụng phụ, có thể sử dụng lâu dài.
Trong đó, một số nhóm thuốc được khuyến cáo điều trị tăng huyết áp được chứng minh giảm nguy cơ biến cố tim mạch.
Ngoài ra, để đạt được hiệu quả điều trị lâu dài với liều lượng tối thiểu, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, uống đúng thuốc, đủ liều, không tự ý bỏ thuốc hay giảm liều khi không có chỉ định của bác sĩ, thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà hoặc tại phòng khám, tái khám đúng hẹn để được đánh giá và chỉnh thuốc định kỳ.
Duy trì mức huyết áp dưới 140/90 mmHg
ThS Nguyễn Xuân Tuấn Anh, phòng khám tim mạch - khoa khám bệnh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khi đã được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần thay đổi lối sống và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều chỉnh huyết áp về mức dưới 140/90 mmHg.
Nhiều người bệnh dù vẫn uống thuốc đều đặn nhưng vẫn duy trì thói quen ăn mặn, căng thẳng kéo dài, thiếu vận động... cũng sẽ khó duy trì huyết áp ở mức ổn định.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ điều trị lâu dài theo đúng chỉ định của bác sĩ, tái khám ngay nếu huyết áp không ổn định. Đặc biệt, người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu... cần tái khám định kỳ các chuyên khoa để duy trì các chỉ số sức khỏe.
Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ ăn nhạt, hạn chế căng thẳng, hạn chế các chất kích thích, tập thể dục đều đặn… để kiểm soát huyết áp hiệu quả, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
"Một trong những ưu tiên quan trọng giúp nâng cao hiệu quả điều trị và kiểm soát huyết áp đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tăng cường nhận thức về bệnh, hiểu về mục tiêu huyết áp trong điều trị và chia sẻ với bác sĩ khi có bất thường về chỉ số huyết áp khi tự theo dõi tại nhà", bác sĩ Tuấn Anh nhấn mạnh./.
Chuyên gia mách cách đo huyết áp đúng cách
Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 - 10 phút trước khi đo huyết áp.
Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ. Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
Người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay ngang mức với tim, chân chạm sàn, không bắt chéo chân (ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng). Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
Quấn băng quấn đủ chặt trên cánh tay, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạch cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập.
Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ.
|
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/dieu-tri-khong-dung-thuoc-cho-nguoi-benh-tang-huyet-ap-bang-cach-nao-20240528074827347.htm