Tiếng Việt | English

10/03/2019 - 10:24

Đời an yên

Luyến cứ nhớ mãi mối tình đầu của cô. Mối tình mà cô cũng đoán biết được không đi đến đâu. Người ta thường nói tình đầu thường dễ vỡ mà. Thuở ấy, Luyến không tin, cứ lao vào yêu anh, thậm chí cô ghét cả ba mẹ mình khi họ hết lòng ngăn cản. Trong đầu Luyến khát khao về một đám cưới, một gia đình nhỏ với những đứa con bụ bẫm… Luyến chìm vào mộng mơ. Cho đến khi anh nói với cô: “Anh cưới vợ”. Cô bàng hoàng. Vợ sắp cưới của anh đâu như Luyến - một cô sinh viên vừa mới ra trường, mỗi sáng đạp xe lọc cọc đi nộp đơn xin việc khắp nơi. Ở đâu họ cũng đòi kinh nghiệm, Luyến mới ra trường, biết lấy kinh nghiệm từ đâu? Luyến buồn bã xin một chân chạy bàn trong quán cà phê Hoa Sữa, lương mỗi giờ 13.000 đồng, gom góp cũng đủ đóng tiền thuê trọ, tiền ăn uống, tiêu xài.

Đôi lần nghĩ lại, Luyến thấy phục chính bản thân mình. Sao hồi đó Luyến đủ mạnh mẽ vượt qua cú sốc ấy. Đang yêu nhau, anh nói anh cưới vợ. Anh có vợ, còn cô là gì của anh? Đêm cô nằm hồi tưởng những kỷ niệm ngọt ngào đã qua, ứa nước mắt, dao lam trên tay vài milimet nữa là cắm phập vào cổ tay. Rồi cô rụt lại! “Xem như một vết nứt của tuổi thanh xuân” - cô nghĩ vậy.

Năm tháng trôi qua, ai rồi cũng kìm nén được lòng mình, kìm nén được nỗi đau bởi chuyện đã xưa, người đã cũ. Luyến mạnh mẽ sống tiếp. Mấy tháng sau, Luyến được nhận vào làm biên tập ở một công ty phát hành sách trong thành phố. Với sự năng động lẫn kiến thức mà cô học được trên giảng đường đại học, tổng biên tập rất hài lòng về cô.

Hai năm sau, Luyến lại yêu. Thành - người cô yêu là công nhân trong một xí nghiệp giày dép ở nội ô thành phố. Thành thường thủ thỉ với cô rằng anh không xứng đáng. Anh, một chàng trai chân ướt chân ráo lên thành phố làm công ăn lương, ở nhà trọ, chưa từng bước chân lên giảng đường đại học, ngày ngày chở cô trên chiếc Wave cũ kỹ, “sợ em mất mặt” như lời Thành nói. Cô rươm rướm nước mắt, vòng tay ôm lấy anh: “Em cũng dân quê, gắng gượng lắm mới bám trụ được thành phố đến bây giờ!”. Tình yêu của họ đẹp như trăng mùa hạ, ngọt ngào như bản tình ca.

Và rồi, anh cũng buông tay như nốt nhạc cuối cùng trong bản đàn da diết. Một buổi chiều, Luyến nhận được cuộc gọi từ người nhà anh báo tin, anh đột ngột ra đi trong một vụ tai nạn giao thông trên đường về quê. Luyến uất nghẹn, khóc không thành lời. Tình yêu vỡ tan như thủy tinh, hy vọng lụi tắt như nắng chiều yếu ớt.

Thời gian vẫn cứ trôi theo quy luật của nó, lá xanh rồi vàng úa, héo tàn rồi lại xanh biếc khi xuân sang. Những tưởng Luyến sẽ không đủ yêu thương để đón nhận một người đàn ông nào nữa. Trái tim cô đã dành trọn cho những mối tình thanh xuân mà cái kết là tan vỡ, chia ly…

*

*     *

Luyến ngồi trước cửa nhà, vòng tay vào nhau, mắt nhìn ra mảnh vườn nhỏ. Hồi Khánh mua nhà, Luyến nói anh chọn căn nhà có khu vườn nho nhỏ để rảnh rỗi, cô trồng hoa, trồng rau. Và Luyến tận dụng mảnh đất nhỏ trồng luống rau, dây mướp, dây bầu. Chiều, Khánh kéo ống nước ra vườn tưới rau, tưới hoa, Luyến ngồi đó nghĩ về những mối tình mà mình đã trải qua, mắt buồn buồn.

Khánh nói: “Hay là mình sinh đứa nhỏ cho vui cửa vui nhà, để sau này lớn tuổi, sinh con cực lắm!”. Ngày mới cưới, Luyến còn dùng dằng. Làm việc mấy năm, nhờ khả năng cộng thêm lòng say mê công việc, cô được bổ nhiệm lên chức phó tổng biên tập của công ty phát hành sách. Cô muốn chu toàn công việc, không muốn phụ lòng những người từng kỳ vọng vào mình. Và rồi đến bây giờ, Luyến lại muốn sinh con. “Phụ nữ lo chăm chút công việc đến độ hy sinh đôi khi cũng không tốt” - mẹ Luyến dặn vậy. Luyến sẽ sinh con cho anh, để mỗi chiều anh dắt con ra vườn tưới rau, mỗi sáng ra vườn tắm nắng. Đời an yên.

Sau khi Thành ra đi, Luyến gặp Khánh, người đàn ông có khuôn mặt giống hệt Thành và nụ cười giống như tình đầu của cô. Luyến không hận người ta đã bỏ Luyến mà đi cưới vợ, cũng không còn đau đáu chuyện Thành. Âu cũng do số trời định đoạt. Luyến mở lòng đón Khánh, lại cho phép mình rung động thêm lần nữa. Ba năm yêu nhau, một đám cưới êm đẹp diễn ra ở quê, bên dòng sông nhỏ. Luyến không thích làm đám cưới thành phố, tổ chức nhà hàng vừa rình rang, vừa tốn kém.

Ngày cưới, cô mặc áo dài, đội mấn đỏ đi bên Khánh trong lời chúc tụng của họ hàng hai bên. Khánh đưa cô về phố. Ngôi nhà nhỏ Khánh mua, khu vườn đầy hoa Khánh trồng,... mọi thứ đẹp như cổ tích. Thi thoảng, Luyến lại về quê đón mẹ lên chơi cùng. Lần nào người già cũng dặn con gái: “Mẹ thấy thằng Khánh nó thương bây quá, còn bây lo đi làm suốt, ráng mà dành thời gian cho chồng nghe con! Phụ nữ mình sống vì gia đình là điều tuyệt vời nhất!”. Quan niệm của mẹ mới nghe có vẻ truyền thống nhưng lại quá đúng. Người phụ nữ tuyệt vời nhất là người biết hy sinh vì chồng, vì con…

*

*     *

Hôm nay 08/3, Luyến dậy từ sớm, xách giỏ đi chợ. Khoảnh khắc ấy khiến Luyến nhớ đến lúc còn ở quê mon men đi chợ cùng mẹ, rồi cái thuở sinh viên, thường mua dăm ba gói mì tôm, bó rau muống để dành ăn mỗi sáng mỗi chiều, nhiều lúc đi ngang qua quán phở, khói tỏa thơm phức, thèm đến xốn xang gan ruột vẫn không dám mua.

Mẹ gọi điện lên thành phố dặn Luyến: “08/3 đừng có còng lưng ngồi xe về quê thăm mẹ. Ở dưới này, mẹ có các em rồi!”. Mẹ dặn vậy bởi lần nào 08/3, Luyến cũng về thăm mẹ ruột, mẹ chồng, thời gian dành cho Khánh vô cùng ít ỏi.

Nắng đẹp. Con đường rợp lá me. Nhìn những đôi tình nhân đưa nhau đi dạo phố, Luyến thấy mình sống lại những ngày xuân trẻ, mộng mơ và ngọt lịm. Khánh ôm Luyến từ phía sau, đóa hoa hồng đặt giữa bàn ăn và những món ngon xếp xung quanh trong tiếng nhạc du dương. Bấy giờ, Luyến chỉ thấy lòng mình bình an quá đỗi, hạnh phúc ngập tràn, bên Luyến là Khánh, là ngọt ngào thanh yên.

Luyến cười. Phụ nữ xứng đáng được nhận hoa hồng sau những trắc trở, đớn đau trên đường đời, phải vậy không?

Hoàng Khánh Duy

Chia sẻ bài viết