Tiếng Việt | English

02/04/2023 - 10:00

Du lịch Nam Bộ vững nhịp phục hồi, sẵn sàng bứt phá

Trong quý đầu tiên của năm 2023, tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng trọng điểm du lịch Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động du lịch khá sôi động.


Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế trong quý 1 năm 2023. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch, đặc trưng khí hậu, tiếp đà phục hồi, trong quý 1 năm 2023, hoạt động du lịch tại nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục khởi sắc.

Thêm nhiều kết quả ấn tượng

Trong quý đầu tiên của năm 2023, tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng trọng điểm du lịch Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động du lịch khá sôi động với những chuỗi sản phẩm, hành trình đa dạng, các sự kiện văn hóa, thể thao, ẩm thực, du lịch mang đậm nét văn hóa đặc thù, thu hút đông đảo du khách. 

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, quý 1 năm nay, lượng du khách nội địa đến thành phố đạt khoảng trên 7,5 triệu lượt, tăng gần 60% so cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt khoảng trên 1 triệu lượt, tăng 100% so cùng kỳ năm 2022.

Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống trên địa bàn thành phố tăng trên 37,%, doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 84,5% so cùng kỳ năm 2022.

Kết quả này có được là do thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo hướng phát triển “Mỗi quận huyện ít nhất một sản phẩm du lịch” như giới thiệu hành trình đến các di tích lịch sử văn hóa ở Quận 1, Quận 8 - vùng đất của những câu chuyện hay hành trình “Nghe kể chuyện đông y” và “Lịch sử ghi dấu” tại Quận 10…

Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của điểm đến du lịch sôi động, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tổ chức các sự kiện, tạo điểm nhấn văn hóa, du lịch để thu hút du khách trong những tháng đầu năm như lễ hội Tết Việt, lễ hội đường hoa Xuân Nguyễn Huệ, lễ hội đường sách, lễ hội du lịch golf, lễ hội áo dài, lễ hội bánh mỳ...

Cùng ở khu vực Đông Nam Bộ, trong quý 1 năm 2023, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đón trên 3,4 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế lưu trú đạt trên 48.000 lượt tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm 2022.

Các điểm đến gắn với thế mạnh du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, tham quan di tích lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái tiếp tục hấp dẫn du khách, đặc biệt trong dịp cuối tuần, nghỉ lễ.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang đón gần 2,3 triệu lượt du khách trong quý 1. Trong đó, thành phố Phú Quốc - điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế đón hơn 1,5 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, tăng trên 43% so với cùng kỳ năm 2022.

Tạo được sức hút này, trong những tháng đầu năm, các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp liên kết, hợp tác, quảng bá gắn với phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu du khách.

Theo Cục Thống kê Cần Thơ, quý 1 năm nay, doanh thu từ dịch vụ lưu trú của thành phố đạt gần 410 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu từ du lịch lữ hành đạt trên 52 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, các khu, điểm du lịch đặc biệt quan tâm đến công tác cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng các sản phẩm mới, tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện thu hút khách du lịch đến với vùng đất Tây Đô như hội chợ Xuân, ngày hội du lịch - đêm hoa đăng Ninh Kiều, vườn hoa nghệ thuật năm 2023...

Phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu

Phát huy những kết quả đạt được trong quý 1, ngành du lịch các địa phương đề ra nhiều giải pháp tiếp tục đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường thu hút du khách trong thời gian tới.

Cáp treo Hòn Thơm Phú Quốc phục vụ khách du lịch. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển du lịch với các nội dung nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng cường truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch, điểm đến và thương hiệu du lịch của thành phố.

Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp nhiều phân khúc du khách, tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch y tế, du lịch văn hóa, ẩm thực, du lịch kết hợp sự kiện...

Đối với hoạt động quảng bá, thành phố giới thiệu những hoạt động, điểm đến không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn kết nối với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Đông Bắc Bộ nhằm tạo nên nhiều hành trình hấp dẫn du khách.

Thành phố cũng tăng cường phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong công tác chuyển đổi số nhằm gia tăng hiệu quả quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu chung giữa các địa phương, giúp doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm liên tuyến, liên vùng và kêu gọi đầu tư hiệu quả.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2023, ngành du lịch tỉnh phấn đấu đón khoảng khoảng 13,9 triệu lượt du khách, các mức doanh thu từ dịch vụ lữ hành, lưu trú tăng từ 8 % trở lên so với năm 2022.

Đặc biệt, thực hiện định hướng xây dựng, phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, tỉnh tiếp tục phát triển, hoàn thiện các loại hình, sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, du lịch sinh thái trở thành những sản phẩm mang tính đặc trưng, tạo sự đa dạng về điểm đến, tăng trải nghiệm cho du khách theo hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường.

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết để tiếp tục thu hút du khách, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về các điểm đến như đảo Ngọc Phú Quốc, thành phố Hà Tiên, thành phố Rạch Giá, các huyện U Minh Thượng, Kiên Lương, Kiên Hải, Hòn Đất...

Phát triển đa dạng sản phẩm, ngành du lịch Kiên Giang phối hợp với các ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, các huyện, thành phố của tỉnh đẩy mạnh khai thác các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản, các làng nghề gắn với hoạt động du lịch.

Cùng quan tâm đến phát triển sản phẩm du lịch trong giai đoạn phục hồi và phát triển, đối với các địa phương trong đó có vùng trọng điểm du lịch Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đề xuất để thu hút du khách trong nước và quốc tế được nhiều hơn, mức chi tiêu cao hơn các địa phương cần cải thiện, làm mới sản phẩm, nhất là các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm và cần có sự đầu tư đúng mức để thực sự tạo được những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

Các địa phương có thể tập trung phát triển sản phẩm du lịch, kinh tế đêm theo các nhóm như sản phẩm gắn với văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí, ẩm thực, sản phẩm gắn với các chương trình văn hóa nghệ thuật.

Bên cạnh đó, cần xác định nguồn khách du lịch đến địa phương để có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp, hấp dẫn hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết