Không khí xây dựng quê hương không vì khó khăn trước mắt mà “giảm nhiệt” (Trong ảnh: Một công trình trải bêtông đường được thực hiện tại xã Phước Tân Hưng)
Từ xã đến huyện
Những ngày này, Trưởng ấp Song Tân, xã An Lục Long - Trần Văn Chiến đang ráo riết cùng ban vận động đi vận động kinh phí tráng bêtông tuyến đường giao thông nông thôn trong ấp. Được biết, đó là tuyến đường cuối cùng ở Song Tân chưa được bêtông hóa. Ngay sau ĐH đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, công trình được triển khai thực hiện, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM) nâng cao của An Lục Long. An Lục Long có kế hoạch xây dựng xã NTM nâng cao vào năm 2018. Hiện xã tích cực hoàn thành hồ sơ đề nghị phúc tra công nhận, kỳ vọng sẽ trở thành xã NTM nâng cao tiếp theo của huyện vào cuối năm 2020, góp phần thực hiện chương trình đột phá đã đề ra.
ĐH đại biểu Đảng bộ huyện Châu Thành lần thứ XI đề ra 2 chương trình đột phá: Xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và Sản xuất thanh long phát triển bền vững; 3 công trình trọng điểm: Xây dựng công viên văn hóa thị trấn Tầm Vu, Nâng cấp mở rộng đường vành đai thị trấn, Xây dựng mới cầu Phú Tâm xã Hòa Phú. Để hoàn thành 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm trên đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh, ban hành NQĐH Đảng bộ huyện lần thứ XI và thông qua chương trình hành động cụ thể. Trong đó, đặc biệt chú trọng 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm và các chỉ tiêu chủ yếu. Mục đích cuối cùng hướng đến là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh và xây dựng NTM theo hướng nâng cao. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã vạch ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần thực hiện nhằm đưa NQ vào cuộc sống: Tập trung khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng con người phát triển toàn diện; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nội chính, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác dân vận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả NQ Trung ương 4 (khóa XII), xây dựng tổ chức hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Xác định được việc thực hiện NQĐH là một lộ trình dài 5 năm, phải thực hiện có kế hoạch, các địa phương nhanh chóng triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ nhằm tránh tình trạng “đổ dồn” vào những năm cuối. Ngay sau ĐH, các cấp ủy, chính quyền tại Châu Thành ráo riết triển khai “đưa NQ vào cuộc sống”. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và giá thành trái thanh long không cao như trước, Đảng bộ và nhân dân Châu Thành vẫn quyết tâm cùng nhau phấn đấu. Không khí xây dựng quê hương không vì khó khăn trước mắt mà “giảm nhiệt”.
Quyết tâm của toàn Đảng bộ
Những công trình giao thông nông thôn tiếp tục được thực hiện. Đường nào chưa mở rộng, trải bêtông thì nay bắt đầu khởi động, hoàn thành. Tuyến đường nào đã làm nhưng chưa đạt yêu cầu tiêu chí NTM nâng cao thì tiếp tục nâng cấp, mở rộng,… Tại các xã, chính quyền tiếp tục khuyến khích người dân tham gia sản xuất thanh long theo hướng bền vững. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thuận Mỹ - Đỗ Thành Hải cho biết: “Ngay khi nhận chỉ tiêu mới về sản xuất thanh long theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, UBND xã đã tổ chức triển khai cho tất cả các ngành, Mặt trận, đoàn thể và ấp thực hiện”. Tại Thuận Mỹ, các ấp: Bình Trị 1, Bình Trị 2 và Bình An được chọn làm điểm. Hiện xã phối hợp các cơ quan chức năng để tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân.
Ban vận động tại các địa phương nhanh chóng vào cuộc vận động người dân đóng góp xây dựng các công trình, tham gia sản xuất thanh long theo hướng công nghệ cao nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững. Ông Chiến chia sẻ, ĐH đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI vừa kết thúc, ông đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động và ông rất vui khi được làm điều đó. Ông nói: “Những gì có lợi cho dân thì tôi cố gắng làm. Dù vất vả một chút nhưng khi công trình hoàn tất thì cảm thấy rất vui vì mình đã góp một chút công sức xây dựng quê hương. Muốn có đường đẹp, nước sạch và nhiều thứ nữa thì trước hết, dân mình phải xông xáo tham gia, nhiệt tình ủng hộ, vì lợi ích của mình mà!”.
Một trong 2 chương trình đột phá của Châu Thành là Chương trình Sản xuất thanh long phát triển bền vững (Trong ảnh: Vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao và đã ký được hợp đồng bao tiêu với mức giá 30.000 đồng/kg)
Ngay sau ĐH, Châu Thành đã nhanh chóng bắt tay “vào cuộc” từng bước hiện thực hóa các chỉ tiêu NQ. Muốn có được sự quyết tâm, quyết liệt ngay từ đầu thì yếu tố con người, đặc biệt là người đứng đầu là hết sức quan trọng. Chính vì thế, nguồn nhân lực phải được bố trí một cách hiệu quả để ngọn lửa quyết tâm được duy trì trong suốt nhiệm kỳ. Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Võ Thanh Phong cho biết: “Điều quan trọng trong thực hiện NQ chính là bố trí nguồn nhân lực thực hiện. Hàng năm, công tác sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời cần được thực hiện đầy đủ để khi cần thiết có thể sắp xếp lại cán bộ, nhất là khi người đứng đầu không quyết liệt”. Điều đó sẽ giúp tinh thần tự lực, tự cường, tận dụng sức mạnh nguồn lực tại chỗ ở Châu Thành được phát huy bên cạnh tranh thủ các nguồn lực từ cấp trên.
Có được sự quyết tâm của các cấp chính quyền, quyết liệt của những người đứng đầu và sự đồng tình, ủng hộ của người dân, đảng viên trong toàn Đảng bộ, tin rằng Châu Thành sẽ từng bước hoàn thành các chỉ tiêu NQĐH đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025./.
Quế Lâm - Hà Lan