Tiếng Việt | English

14/05/2022 - 14:41

Đưa quan hệ song phương Việt Nam - Hy Lạp đi vào thực chất, hiệu quả hơn

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou sẽ thăm chính thức Việt Nam từ 15-19/5/2022.


Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou (Ảnh: Getty Image)

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đến Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Việt Nam và Hy Lạp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/4/1975. Hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa lâu đời, có vị trí địa chính trị quan trọng, đều là nước nhỏ, trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Nhân dân Hy Lạp và Đảng Cộng sản Hy Lạp có thiện cảm với nhân dân Việt Nam.

Việt Nam coi trọng thúc đẩy, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước EU, trong đó có Hy Lạp, tạo bước phát triển sâu rộng trong quan hệ giữa Việt Nam với từng nước thành viên; coi trọng phát triển quan hệ với Hy Lạp, nhất là trong những lĩnh vực Hy Lạp có thế mạnh như vận tải biển, đóng tàu, du lịch, bảo tồn…

Thời gian qua, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, lãnh đạo hai bên vẫn duy trì các cuộc trao đổi, tiếp xúc. Gần đây nhất vào tháng 11/2021, trong chuyến thăm chính thức Hy Lạp của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, hai bên đã thống nhất thúc đẩy trao đổi đoàn và các hoạt động hợp tác song phương. Trong dịp này, Hy Lạp đã trao tặng 250.000 liều vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam.


Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou. Ảnh: TTXVN

Trao đổi thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng khá nhanh, đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (tháng 8/2020), xuất khẩu của Việt Nam sang Hy Lạp tăng mạnh.

Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hy Lạp đạt 447 triệu USD, tăng 33% so với năm 2020.

Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Hy Lạp bao gồm giày dép (18 triệu USD), dệt may (3,6 triệu USD), thủy sản (5,8 triệu USD) và đồ gỗ (2,6 triệu USD).

Về đầu tư, Hy Lạp hiện có 5 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 110.000 USD, tập trung vào các lĩnh vực: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy, khoa học công nghệ và truyền thông. Năm 2013, Hy Lạp đặt đặt hàng đóng mới 6 tàu biển tại Việt Nam với trị giá 200 triệu USD.

Hy Lạp cũng tham gia một số hoạt động như hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào lũ lụt, người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam... của Việt Nam.

Hy Lạp là một trong những nước EU phê chuẩn Hiệp định đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm nhất và ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Hai nước đã ký Hiệp định miễn thị thực cho hộ hiếu ngoại giao (năm 2018) và đang đàm phán ký các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định hợp tác hàng hải.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt như chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch…, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn./.

PV/VOV.VN

Chia sẻ bài viết