Di tích Thành Cổ Loa là minh chứng cho thời kỳ đầu tiên trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam
1. Lần theo dấu vết còn sót lại của Cổ Loa thành sau những biến động dữ dội của thời cuộc, tôi đến thăm kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam. Cổ Loa từng là kinh thành của đất nước Âu Lạc từ thế kỷ 3 (trước Công Nguyên) và nhà nước của Ngô Quyền thế kỷ X (sau Công Nguyên). Di tích nằm ở vùng một ngoại ô xa xôi, cách trung tâm Hà Nội sôi động hơn 30km. Qua cầu Đuống bắc ngang con sông Đuống - chi lưu của “sông Mẹ” Hồng Hà chảy về xứ Kinh Bắc cổ kính, những cung đường rợp bóng cây xanh dẫn lối tôi vào Cổ Loa để nghe những đền đài rêu phong nhắc nhớ về những câu chuyện của ngày xưa ấy...
Trải qua thời gian dài với những thăng trầm dâu bể, qua bao cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ từng tấc đất quê hương, đất nước hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Thành Cổ Loa - vùng đất linh thiêng, nơi kinh thành đồ sộ của nhà nước Âu Lạc thuở nào nay thu lại trong một khuôn viên nhỏ giữa đồng bằng Bắc Bộ, êm đềm lưu giữ không khí trầm hùng của Tổ quốc buổi đầu tiên. Tôi đến đền Thượng đầu tiên, nằm ở giữa Thành trong, nơi thờ vua An Dương Vương - người có công xây thành, lắp nỏ đánh giặc phương Bắc, gìn giữ non nước Âu Lạc.
Vẻ đẹp và giá trị lịch sử, văn hóa của đền Thượng không chỉ ở kiến trúc, những hiện vật khảo cổ còn sót lại, biểu tượng Rồng phương Đông bằng Đá được chạm trổ theo lối kiến trúc thời nhà Lê,... mà còn bởi hình thế Tiên Rồng. Đền Thượng nằm uy nghiêm trên đầu Rồng, phía dưới là hai hố tròn trũng xuống tự nhiên được ví như mắt Rồng, trước đền Thượng là giếng Ngọc nằm ở mũi Rồng, nơi gắn liền với lời đồn thổi Trọng Thủy tự tử vì nhớ thương người vợ chết dưới lưỡi gươm của vua cha.
Lần theo lối nhỏ bình yên và mát rượi, tôi đến thăm đền thờ Cao Lỗ - vị tướng tài ba, người đã sáng chế ra nỏ thần giúp An Dương Vương đánh đuổi quân Triệu Đà xâm lăng bờ cõi. Giữa ao trước đền có tượng Cao Lỗ trong thế bắn nỏ thần. Trong đền hiện còn lưu giữ nhiều mũi tên được khai quật dưới lòng đất Cổ Loa thành, có giá trị khảo cổ cao. Ngự Triều Di Quy chính là ngôi đình Cổ Loa được xây dựng trên nền đất tương truyền là nơi vua An Dương Vương thiết triều ngày trước.
Đình đã được xây cất từ lâu, qua chiến tranh và sự biến đổi của thời gian, đình vẫn giữ được những nét đặc trưng theo lối kiến trúc đình làng Bắc bộ truyền thống. Tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp lung linh và bề thế của bức cửa võng chạm trổ tinh xảo hình tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng) và tứ quý (Đào, Cúc, Trúc, Mai).
Dưới mái đình cổ kính, phủ rêu chính là những giá trị lịch sử và văn hóa được giữ gìn hàng trăm năm nay. Những giá trị ấy, tự thuở nào, đã trở thành hồn cốt của đất nước, cội nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi mà bất cứ ai cũng muốn tìm về để được sống lại bầu không khí xưa cổ của đất nước.
2. Am Bà Chúa (am thờ công chúa Mỵ Châu) nép mình dưới bóng mát của cây đa già, nằm bên cạnh đình Ngự Triều Di Quy quy mô sừng sững. Từ thời thơ bé, tôi đã được nghe, được đọc, được học truyền thuyết về nàng Mỵ Châu vì sơ ý đã để nỏ thần rơi vào tay giặc, để đất nước rơi vào cảnh nô lệ nhiều năm dài.
Mãi sau này, nhắc đến Mỵ Châu, bên cạnh những người có trái tim quảng đại đồng cảm cho cuộc đời bi thương của nàng, vẫn còn nhiều người tỏ ra oán giận. Nhà thơ Tố Hữu có lần minh oan cho nàng bằng những dòng thơ đầy xa xót: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”. Nhưng suy cho cùng, nhân dân lập am thờ Mỵ Châu nghĩa là đã cảm thông cho người con gái có trái tim nhạy cảm và thủy chung với chồng nên đã lỡ lầm, vô tình gây ra cảnh loạn ly chinh chiến.
Bức tượng đá không đầu ở am Mỵ Châu, tương truyền đó là di thể của nàng Mỵ Châu sau khi bị vua cha chém đầu
Vào thăm am Mỵ Châu, tôi bắt gặp bức tượng đá không đầu được cho là di thể của nàng Mỵ Châu sau khi bị vua cha chém đầu trên đường chạy giặc ở biển Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Bức tượng đá cao, to, im lặng trong không gian lúp xúp của am và ánh đèn đỏ đậm màu huyền thoại. Tượng đá có dáng hình người phụ nữ ngồi khoanh chân, tay gác lên gối, được khoác tấm áo bào thêu hình rồng phượng vô cùng tinh tế.
Người làng Cổ Loa xưa kể lại sự tích diệu kỳ của bức tượng đá ấy: Tương truyền được tìm thấy ở bờ sông phía Đông thành Cổ Loa, nhân dân thương xót mang về bằng võng cán, đến gốc đa, võng đứt dây, bức tượng rơi xuống nằm yên tại đó đến tận bây giờ. Câu chuyện tình trớ trêu tan vỡ và cái kết bi thương của công chúa Mỵ Châu đã xảy ra từ lâu nhưng nay vẫn còn được khơi nhắc.
Đất nước giờ đã đổi thay, kinh đô Cổ Loa xưa giờ chỉ còn lại một khuôn viên không quá rộng và chín vòng thành cổ giờ chỉ còn là phế tích, biến đổi sau sự chuyển dịch của thời gian năm tháng và chiến tranh. Thế nhưng, lịch sử về vương triều Âu Lạc xa xưa, câu chuyện về An Dương Vương, công chúa Mỵ Châu và tinh thần dựng nước, giữ nước của nhân dân ta thời ấy vẫn vĩnh hằng trong tâm thức người dân nước Việt.
Về thăm Cổ Loa, những trang sử đau thương nhưng hào hùng, vĩ đại của Tổ quốc như sống dậy trong tôi. Tôi càng tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam, càng trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa được kết đọng qua nhiều thời đại. Cổ Loa - nơi mà mỗi công dân nước Việt nên đến thăm, dù chỉ một lần./.
Hoàng Khánh Duy