Hạnh phúc từ những điều bình dị
Với lòng căm thù giặc sâu sắc, không chịu được cảnh quê hương bị giày xéo bởi chiến tranh, bà Châu Thị Bé (SN 1950, ngụ xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) tham gia cách mạng từ năm 1968, khi vừa tròn 18 tuổi. Trong khoảng thời gian đó, bà Bé làm giao liên, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn, dược.
Năm 1970, khi đang chở gạo và lương thực trên xuồng, bà bị địch bắt vì có người chỉ điểm. Bị tra tấn dã man, đánh đập và kẹp dây điện vào người suốt gần 6 tháng, bà vẫn không khai một lời.
Dù đã ở tuổi xế chiều, vợ chồng ông Đặng Văn Thuấn, bà Châu Thị Bé (xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) vẫn rất vui vẻ, chia sẻ nhiều câu chuyện buồn, vui hàng ngày
Sau khi được thả ra một thời gian ngắn, bà tiếp tục bị địch bắt và tra tấn đến mức gãy xương sườn bên trái. Bà Bé được trả tự do lần hai vào năm 1973, dù bị thương nhưng vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, bà trở lại cuộc sống đời thường, chăm lo phát triển kinh tế gia đình và phụng dưỡng cha mẹ đã lớn tuổi.
Năm 1976, bà Bé kết hôn với ông Đặng Văn Thuấn (SN 1942). Ông Thuấn cũng là thương binh, tham gia cách mạng từ năm 1961 và bị thương do địch thả bom.
Bà Bé nhớ lại: “Chồng tôi quê huyện Mộc Hóa nhưng từng tham gia du kích xã ở đây (trước là xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng). Chúng tôi hoạt động trong cùng khu vực nhưng thời điểm đó, chỉ thoáng gặp nhau chứ không để lại ấn tượng gì đặc biệt. Mãi đến sau này, khi chiến tranh đã lùi xa, nhờ một người họ hàng mà chúng tôi mới có cơ hội gặp gỡ và cưới nhau”.
Nên duyên vợ chồng nhờ mai mối nhưng họ tìm thấy sự đồng cảm và thấu hiểu bởi những năm tháng gian khổ cùng nhau chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cả hai đều là thương binh hạng 4/4. Cuộc sống sau chiến tranh còn nhiều khó khăn nhưng với tình yêu thương, vợ chồng ông Thuấn, bà Bé cùng nhau vun đắp tổ ấm, xây dựng gia đình hạnh phúc. Mọi khó khăn đều là thử thách, họ miệt mài lao động, nuôi dạy con nên người. Với ông bà, hạnh phúc không phải là những điều xa hoa, lộng lẫy mà là những điều bình dị, giản đơn trong cuộc sống hàng ngày.
Ông Thuấn nói: “Bí quyết để giữ lửa hạnh phúc gia đình của chúng tôi chính là sự thấu hiểu, tôn trọng và chia sẻ cùng nhau. Vợ chồng tôi dành thời gian để trò chuyện, tâm sự với nhau, cùng nhau giải quyết mọi chuyện. Chúng tôi quan tâm, chăm sóc lẫn nhau và chia sẻ công việc nhà cửa, con cái. Gia tài lớn nhất của vợ chồng tôi là 9 người con và 15 người cháu sống hòa thuận, yêu thương nhau”.
Hiện tại, vợ chồng ông Thuấn và bà Bé sống cùng người con út. Niềm vui của ông bà là được sum vầy bên gia đình, chứng kiến con cháu trưởng thành từng ngày. Dù đã ở tuổi xế chiều, ông bà vẫn lạc quan, luôn nở nụ cười trên môi. Nụ cười hạnh phúc ấy xuất phát từ những điều bình dị nhưng vô cùng ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày.
Nên duyên từ sự đồng cảm
Dù được gia đình khuyên ngăn do lo sợ nguy hiểm nhưng ông Phạm Văn Liền (SN 1945, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) khi chứng kiến cảnh bọn lính ngụy lê máy chém giết đồng bào đã quyết tâm tham gia cách mạng, bảo vệ quê hương khi vừa tròn 18 tuổi.
Ban đầu, ông tham gia du kích ở xã (tại quê của ông là xã Long Định, huyện Cần Đước). Năm 1964, ông được điều lên lực lượng vũ trang tập trung của huyện (C315) và sau tham gia Tiểu đoàn 267. Trong những năm tháng chiến đấu, ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào nhiều chiến thắng của đơn vị.
Vợ chồng ông Phạm Văn Liền, bà Hồ Thị Ánh (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) xây mái ấm từ sự đồng cảm và sẻ chia
Ông Liền kể lại: “Có hai lần tôi bị thương nặng. Lần đầu là năm 1966, trong một trận chiến ác liệt, tôi bị máy bay địch bắn trúng. May mắn thoát chết, dù bị vết thương hành hạ suốt khoảng thời gian dài nhưng không thể dập tắt ý chí chiến đấu trong tôi. Lần hai vào tháng 3/1975, khi chiến tranh đang đến giai đoạn cuối cùng, tôi bị đạn của địch bắn xuyên qua bẹ sườn, đứt cả hai chi”.
Sau khoảng thời gian điều trị, năm 1981, ông Liền về sinh sống tại “xóm thương binh” (ấp 1 Tam Hiệp, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa). Tại đây, ông gặp và bén duyên với “nửa kia” của mình là bà Hồ Thị Ánh (SN 1945, quê xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa).
Bà Ánh cũng là thương binh, tham gia cách mạng năm 17 tuổi với vai trò giao liên. Trước đó, bà Ánh từng nên duyên với một người chiến sĩ khi bà 19 tuổi. Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn ngủi, người chồng không may hy sinh khi về thăm gia đình do bị địch phục kích. Nỗi đau mất mát tưởng chừng làm bà gục ngã nhưng với ý chí kiên cường và lòng căm thù giặc, bà đứng dậy, tiếp tục hoạt động cách mạng. Bà Ánh bị thương do bom bi nổ, dẫn đến hạn chế về vận động. Sau khi được đưa ra miền Bắc điều trị, bà trở về miền Nam vào năm 1978 và sinh sống tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Long An. Và sau, bà sinh sống tại “xóm thương binh” ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa.
“Tôi và chồng gặp nhau tại “xóm thương binh”. Lúc đầu, gia đình hai bên đều không ủng hộ chuyện này vì lúc đó ai cũng gần 40 tuổi. Nhiều người cũng lo lắng là hai thương binh, một người không đi được, một người hạn chế vận động, về sống chung làm sao sinh sống, làm sao chăm sóc nhau? Thế nhưng, chúng tôi quyết định gắn bó với nhau bằng tình yêu thương và sự đồng cảm” - bà Ánh tâm sự.
Bỏ qua mọi lời ra tiếng vào, ông Liền và bà Ánh kết hôn vào năm 1984. Sau này, ông bà sống với nhau trong căn nhà do Nhà nước hỗ trợ. Dù không lành lặn như những cặp đôi khác nhưng họ vẫn cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình, san sẻ mọi buồn, vui trong cuộc sống.
Được biết, ông bà từng có với nhau một người con trai nhưng không may đã qua đời cách đây 5 năm do đột quỵ. Ông bà còn một người con gái nuôi, dù làm dâu ở Tiền Giang nhưng đều đặn mỗi ngày, chị vẫn sắp xếp thời gian để lên thăm và chăm sóc ông bà.
Hàng năm, tỉnh đều tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà, góp phần mang đến niềm vui cho các thương binh (Trong ảnh: Vợ chồng ông Phạm Văn Liền ngồi ở hàng đầu, bìa trái) Ảnh: MỘNG ĐÀO
Ông Liền chia sẻ: “Hạnh phúc là điều không dễ dàng có được và để giữ gìn được hạnh phúc cần có sự nỗ lực của cả hai người. Hơn 30 năm qua, vợ chồng tôi cùng nhau san sẻ mọi buồn, vui trong cuộc sống. Chúng tôi luôn tôn trọng ý kiến của nhau, cùng nhau giải quyết mọi mâu thuẫn và dành cho nhau những lời động viên, an ủi mỗi khi gặp khó khăn. Dù cuộc sống không dư dả, thiếu thốn nhưng chúng tôi luôn trân trọng từng khoảnh khắc bên nhau”.
Đến với nhau bằng sự chân thành, chuyện tình yêu thời bình của những thương binh thật cảm động. Câu chuyện của vợ chồng ông Thuấn, bà Bé và vợ chồng ông Liền, bà Ánh chính là minh chứng cho việc khi tình yêu thương, sự chân thành đủ lớn thì mỗi người có thể vượt qua mọi thứ, kể cả tự ti, mặc cảm, mất mát, khiếm khuyết cơ thể để đi đến hạnh phúc./.
Minh An