Nguồn vốn vay thiết thực
Thực hiện chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm giải ngân nhanh, kịp thời, đúng quy định, góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong XDNTM.
Thời gian qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạnh Hóa thực hiện tốt chương trình cho vay NS&VSMTNT, góp phần giải bài toán thiếu nước sinh hoạt, mang nguồn NS, hợp vệ sinh đến với người dân.
Nhiều công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân
Về xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa vào những ngày đầu tháng 10, niềm vui vì có NS để sử dụng hiện rõ lên trên khuôn mặt của người dân nơi đây. Bà Trần Thị Kim Thảo (ấp 1, xã Thủy Tây) chia sẻ: “Được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn chương trình NS&VSMTNT, mỗi hộ vay 20 triệu đồng đầu tư làm nhà vệ sinh, mua đường ống kéo nước về sử dụng. Giờ đây, gia đình tôi đã có NS sử dụng”.
Năm 2022, bà Trương Kim Phụng (ấp 1, xã Thủy Tây) được vay vốn chương trình NS&VSMTNT từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện 20 triệu đồng để lắp đặt đường ống, đồng hồ nước. “Trước đây, gia đình tôi thường chứa nước trong các bồn để dùng dần, chủ yếu để nấu ăn. Còn nước để tắm thường là nước giếng lóng phèn. Sợ lâu ngày không bảo đảm sức khỏe nên tôi đã làm đơn vay vốn để kéo NS về sử dụng. Vay vốn NHCSXH có lãi suất thấp, cách trả dễ dàng nên tôi rất an tâm”.
NS là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn hết, đây cũng là một chỉ tiêu quan trọng trong tiêu chí XDNTM.
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạnh Hóa - Lữ Thanh Hòa thông tin: Hiện nay, chương trình cho vay NS&VSMTNT trên địa bàn huyện có tổng dư nợ trên 88 tỉ đồng, với trên 5.280 hộ dân vay. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, có 769 hộ dân vay với tổng dư nợ trên 15 tỉ đồng. “Cho vay NS&VSMTNT là chương trình thiết thực, đặc biệt là đối với người dân các xã vùng sâu của huyện, góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, một trong các tiêu chí khó trong xây dựng xã NTM, NTM nâng cao. Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục tham mưu Ban Đại diện Hội đồng Quản trị huyện và UBND huyện ưu tiên nguồn vốn vay này cho các xã trong lộ trình XDNTM, NTM nâng cao của huyện” - ông Hòa thông tin thêm.
Trạm cấp nước ấp Long Hưng, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước
Trước đây, người dân các huyện vùng hạ (Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc) thường xuyên sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô do nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, phèn, không thể khai thác. Thế nhưng, nỗi lo thiếu nước sinh hoạt không còn nữa khi có nhiều DA, công trình cấp NS cho các xã vùng hạ đã được triển khai. Đồng thời, chương trình cho vay NS&VSMTNT cũng được thực hiện hiệu quả.
Xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn về vấn đề NS phục vụ sinh hoạt của người dân. Những năm trước, cứ vào thời điểm nắng nóng và hạn kéo dài, nguồn nước ngọt dự trữ không đủ sử dụng khiến cuộc sống của người dân nơi đây càng khó khăn khi phải đổi nước ngọt với giá khá cao hoặc sử dụng nước sông chưa qua xử lý để dùng trong sinh hoạt. Từ khi nguồn NS được kéo đến từng nhà, người dân không còn lo lắng về nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.
Ông Nguyễn Phúc Cảnh (ấp Long Hưng, xã Long Hựu Tây) bộc bạch: “Những năm trước, vào những tháng mùa khô, người dân địa phương chủ yếu sử dụng nguồn nước mưa dự trữ hoặc nước ao, sông không bảo đảm vệ sinh. Giờ tình trạng này không còn nữa, hầu hết người dân ở địa phương đều có NS, hợp vệ sinh để sử dụng”.
Chủ tịch UBND xã Long Hựu Tây - Lê Văn Tuấn chia sẻ: “Từ sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là nguồn vốn vay của chương trình NS&VSMTNT đã giúp người dân trên địa bàn xã có NS sử dụng, tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt đã được cải thiện nhiều. Đến nay, trên địa bàn xã có 95,7% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 65,16% hộ dân sử dụng NS”.
Nhiều công trình được nâng cấp
Để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân các huyện vùng hạ, tỉnh thực hiện DA cấp nước cho huyện Cần Giuộc và Cần Đước; DA cấp nước cho xã Phước Lại và Long Hậu (huyện Cần Giuộc); DA cấp nước cho 4 xã vùng hạ huyện Cần Giuộc; DA cấp nước cho 4 xã vùng hạ huyện Cần Đước;...
Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng mang tính lâu dài là đầu tư tuyến ống chính dẫn nước từ Nhà máy Cấp nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) để đưa NS về khu vực chợ Trạm (huyện Cần Đước). Từ điểm cấp nước chợ Trạm, nguồn nước tiếp tục được các đơn vị cung cấp đến các hộ dân thị trấn Cần Giuộc và các xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Nhờ đó, giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các xã vùng hạ.
Bà Trương Kim Phụng (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) vui mừng vì có nước sạch để sử dụng
Thông tin từ Trung tâm NS&VSMT nông thôn tỉnh, theo kế hoạch năm 2023, Trung tâm sửa chữa, nâng cấp lọc, khử trùng nước đạt QCĐP 01:2022/LA để nâng cấp chất lượng nước cho 197 công trình. Đồng thời, Trung tâm hoàn thành 11 danh mục công trình theo kế hoạch đầu tư công năm 2023 để bàn giao cho các đơn vị có chức năng quản lý và đấu nối nguồn nước đến các hộ dân. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH để lắp đặt bể chứa nước đủ sử dụng và các loại thiết bị lọc nước quy mô hộ gia đình.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đỗ Hữu Phương cho biết, thời gian qua, Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu NS&VSMT nông thôn năm 2023 và giai đoạn 2021-2025 được các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai, thực hiện; các chủ đầu tư cấp huyện, thị xã khẩn trương thực hiện công tác đầu tư các danh mục công trình đạt tiến độ theo kế hoạch.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng công trình cấp nước chưa đạt chất lượng NS, chưa bền vững về kỹ thuật trên địa bàn tỉnh còn khá lớn. Mặt khác, QCĐP 01:2022/LA gồm nhiều chỉ tiêu kiểm soát chất lượng nước chặt chẽ hơn, kinh phí xét nghiệm mẫu nước tăng cao nên cần phải có nguồn vốn và thời gian để nâng cấp hệ thống xử lý, khử trùng nước đạt quy chuẩn hiện hành. Do đó, có khả năng ảnh hưởng đến việc nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 60% vào cuối năm 2023.
“Để hoàn thành chỉ tiêu Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu NS&VSMT nông thôn năm 2023, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung triển khai hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp nước nông thôn giai đoạn 2021-2025 gồm các công trình có quy mô liên xã, liên huyện, từng bước xóa bỏ các công trình có quy mô nhỏ, chất lượng nước chưa đạt; đồng thời, tiếp tục kêu gọi xã hội hóa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các DA lớn đã được phê duyệt sử dụng nguồn nước mặt xử lý đạt chất lượng theo QCĐP 01:2022/LA, từng bước hoàn thiện hạ tầng cấp nước nông thôn, tiến tới cấp nước an toàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục đôn đốc các cơ sở cấp nước lập phương án giá nước theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào hợp lý, trong đó có chi phí khấu hao, tái đầu tư để công trình hoạt động bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân sử dụng nước” - ông Đỗ Hữu Phương cho biết thêm./.
Bùi Tùng