Tiếng Việt | English

04/01/2016 - 15:10

Hồn tết

Ảnh: Duy Bằng

1.Tiết trời Nam bộ se se lạnh vào mỗi sớm mai, báo hiệu mùa xuân đang dần đến. Những cây mai già nhẫn nại lần hồi đâm nụ, trút lá để vào mùa tết kịp mãn khai. Người dân Nam bộ coi hoa mai như biểu tượng mùa xuân.

Đón Tết Cổ truyền, nhà khá thì một gốc mai cổ thụ trong chậu to, không thì vài cành cắm vào lọ nhỏ với mong muốn mai nở hoa kịp tết. Đón giao thừa vừa xong mà thấy chậu mai lớn chưng giữa nhà hay mấy cành mai trong độc bình đặt trên bàn thờ rực cánh hoa vàng với dây đèn màu nhấp nháy và các thiệp chúc tết treo lủng lẳng thì niềm vui như vỡ òa khiến ai nấy phấn chấn tinh thần đón mừng năm mới đầy hứa hẹn. Nếu không có hoa mai chưng tết xem như tết chưa trọn vẹn.

Ngày nay, giao thông thuận tiện, người ở phía Bắc thích có hoa mai đặt bên hoa đào và người ở phía Nam cũng thích có hoa đào bên hoa mai. Vậy là đào vô Nam, mai vàng ra Bắc qua những chuyến tàu hỏa, máy bay hay ôtô… Miền Trung thì mai vàng rất nhiều trên rừng, trên núi, cũng đưa mai vàng ra Bắc vào Nam góp cánh hoa xuân.

2. Ông Trần Trung Du - một lão thành cách mạng - có một chậu mai cổ thụ ở giữa sân nhà bên bờ kinh Bắc Chang (Mộc Hóa). Ông bảo đó là di sản thiêng liêng mà ông cố ông từ xứ Huế đi khẩn đất vùng này từ nửa cuối thế kỷ XIX mang theo. Tôi thấy ông bắc thang lên tuốt lá "cụ" mai này để đón mùa tết năm no. Thế mới biết cây mai theo chân người đi mở cõi đất phương Nam như có hồn tổ tiên đi theo khiến người con xa xứ cũng ấm lòng mỗi khi nhìn vào gốc mai ấy mà tâm thức cồn cào một nỗi nhớ da diết về quê cha đất tổ. Và tết năm nào, người nhà ông cũng buộc một rẻo vải đỏ, thắp một cây nhang dưới gốc để mừng tuổi lão mai và cũng để tưởng nhớ cội nguồn!

Ảnh: Hữu Phương

3. Trồng mai tưởng dễ mà khó. Ông nọ ở xóm tôi rất mê sưu tầm các giống mai đem về trồng. Kết quả 10 năm công khó, ông có một đống… gốc mai khô để làm củi đun nấu vài nồi bánh tét cũng chưa hết! Trong khi có ông già cựu chiến binh ở cùng khu phố, tuổi ngoài 80, hơn 10 năm trước đây ông đi tìm hạt của nhiều giống mai nổi tiếng ở các vùng Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Dương,… đem về gieo, chọn lấy những cây mai con tốt nhất mà trồng.

Nay ông có một vườn mai mấy trăm gốc, gốc nào cũng to bằng bắp tay, cành lá xum xuê. Ông bảo, mai này mỗi chậu phải trên 10 triệu đồng mới bán. Tôi trồng mai từ hạt giống tốt, có sức sống lâu, ra bông nhiều. Chớ mai mua ngoài chợ dễ bị nhiễm độc do hóa chất kích thích ra bông, sau tết không biết cách xả độc, mầm bệnh trong bộ rễ làm mai không chết ngay cũng èo uột rồi chết dần. Trồng mai phải biết chọn đất, bón phân hợp lý.

Theo kinh nghiệm, mùa nắng, cây mai cần tưới nhiều nước (tưới cho tới chảy ra lỗ thoát nước dưới đáy chậu). Nếu để khô nước, cây xuống sức, vàng lá và chết. Tưới nhiều mà nước không thoát ra đáy chậu là lỗ thoát nước bị bít, nước ứ làm úng rễ, chết cây. Mai dễ bị sâu đục thân. Tạo dáng thế cho cây mai bon sai hoan chỉnh mà bị sâu đục thân làm đứt nhánh kể như "công cốc".

Theo chuyên gia hoa cảnh - Huỳnh Văn Thới, các tháng 1, 2 và 3 âm lịch nên tưới nước vào sáng sớm còn sương để giải độc sương muối hại cây. Giữa tháng 4 đến thang 8, tưới lúc chiều mát để cây dẫn nước về đêm được nhiều. Tránh tưới khi có ánh nắng vì nước đọng trên lá như thấu kính hội tụ tia nắng làm cho lá cháy, quăn đọt. Vào mùa mưa nên giảm hoặc không tưới nước nếu mưa nhiều. Bón phân đừng quá liều lượng làm cây chết.

Để có cây mai đẹp suốt mùa tết, tới 23 tháng Chạp đưa ông táo về trời xem nụ mai bung vỏ lụa chưa. Nếu đã bung vỏ lụa cầm chắc hoa sẽ nở đúng 30 tết. Nếu nụ mai bung vỏ lụa sớm hơn thì để qua 25, 26 mới trảy lá. Nếu qua rằm tháng Chạp mà nụ mai quá nhỏ thì lặt lá ngay và để chậu mai ở chỗ nhiều nắng nóng, hoa mai sẽ nở kịp tết./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích