Tiếng Việt | English

10/01/2016 - 15:03

Hứa hẹn mở ra trang mới khởi sắc hơn

Thành lập năm 2010, Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Long An vừa tròn 5 tuổi. Từ một sân chơi nhỏ, đến nay, hội quy tụ ngày càng nhiều người chơi với đa dạng các bộ môn: Hoa lan, kiểng cổ, bonsai, chưng nghi, chim - cá cảnh, tiểu cảnh - non bộ,...

Nghệ nhân Hồ Tấn Tùng (ngồi) - Phó Chủ tịch Hội SVC tỉnh Long An, đang tạo dáng kiểng bonsai

Hội SVC Long An hiện có 600 hội viên chính thức. Một số huyện thành lập được Hội SVC. Riêng tại TP.Tân An, ngoài Hội SVC thành phố là chủ lực, còn thành lập chi hội tại một số phường, xã và vận động thành lập bước đầu một số hợp tác xã (HTX) SVC, trong đó, HTX gỗ mỹ nghệ hoạt động sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả.

5 năm qua, hội tạo điều kiện cho hội viên giao lưu trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chơi SVC với các hội bạn; mở các lớp tập huấn ngắn hạn để trang bị kỹ năng chế tác, tạo hình từ nguyên liệu; trang bị kỹ thuật nuôi trồng các giống cây, con SVC để người học nâng cao tay nghề, tạo được sản phẩm có chất lượng.
Hội cũng đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá dĩa bột tại tỉnh Long An”. Đề tài này được nghiệm thu, tạo cơ sở để phát triển nghề nuôi cá cảnh tại tỉnh nhà vốn còn mới mẻ và ít ỏi.

Hội SVC TP.Tân An tổ chức thành công nhiều cuộc trưng bày, triển lãm, hội thi SVC vào các ngày lễ lớn và Tết Nguyên đán.

Hội SVC còn vận động hội viên tham gia gởi tác phẩm dự thi tại các tỉnh, thành phố trong khu vực và gặt hái được nhiều thành công.

Một góc của cơ sở trồng hoa lan cắt cành ở xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa, Long An)

Tại Lễ hội SVC Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức ở TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp năm 2011, các nghệ nhân SVC Long An đoạt 1 bằng khen, 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng và 5 giải khuyến khích.

Tại Lễ hội SVC và Hội chợ Nông nghiệp - Thương mại ĐBSCL tổ chức ở TP.Vĩnh Long năm 2012, nghệ nhân SVC Long An đoạt 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng, 2 giải khuyến khích.

Các huyện hội SVC còn “đem chuông đi đánh xứ người” và tạo được tiếng vang như: Hội SVC huyện Cần Đước dự Hội thi SVC tại TP.HCM năm 2014 và đoạt 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Đồng, 9 GKK. Cùng năm này, tại Lễ hội 30-4 (tổ chức ở công viên Tao Đàn, TP.HCM), nghệ nhân SVC Cần Đước tham gia tác phẩm đá cảnh, đoạt 1 giải nhất và 2 giải khuyến khích.

Hội SVC huyện Châu Thành còn tạo được sân chơi SVC khá đa dạng vào dịp Lễ hội Làm chay ở thị trấn Tầm Vu (ngày 15 và 16 tháng Giêng âm lịch), các nghệ nhân SVC chung tay làm đẹp cho lễ hội như chưng nghi (dùng các loại trái cây đặc sản địa phương để tạo hình); trang trí ghe đăng và xe hoa mỹ thuật để thực hiện nghi thức diễu hành trên sông, trên đường.

Hội SVC huyện Châu Thành cũng mở các cuộc trưng bày SVC cho công chúng thưởng lãm; tổ chức hội thi chim, cá cảnh, trưng bày sản phẩm gỗ, sành sứ mỹ thuật tại lễ kỷ niệm 30-4 và Quốc khánh 2-9 hằng năm.
5 năm qua, do “tự thân vận động” là chính, nguồn lực hạn chế nên hoạt động của Hội SVC còn nhiều tồn tại, yếu kém. Hoạt động của hội chưa đáp ứng được yêu cầu, sở thích đa dạng của người yêu thích SVC.

Quan hệ giữa Tỉnh hội và các Huyện, Thành hội chưa thật gắn kết nhau để phát huy sức mạnh tổng hợp cho phát triển. Hội chưa tạo được mối liên hệ với các nơi cần quy hoạch-thiết kế sân vườn và xây dựng không gian văn hóa SVC để có sự đặt hàng nhằm tạo nguồn kinh phí cho hội.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của các cấp hội SVC đã góp phần tác động hướng người dân đến với cái đẹp của SVC để thêm yêu quý thiên nhiên. Qua sân chơi văn hóa-nghệ thuật SVC, con người có thể giảm căng thẳng, mệt mỏi, tránh được bệnh trầm cảm. SVC còn làm tăng vẻ mỹ quan đô thị và xanh hóa khu dân cư bao gồm các không gian kiến trúc nhà ở, cơ quan, trường học, công trình giao thông,.../.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết