Tiếng Việt | English

21/10/2021 - 08:41

Khởi nghiệp với sự đam mê

Với sự khéo léo, sáng tạo, anh Phạm Hoài Thanh (SN 1991, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề sản xuất đồ gỗ. Gia đình có truyền thống làm đồ gỗ nên từ nhỏ, anh đã phụ giúp những việc vặt trong xưởng. Lớn lên, ngoài công việc chính ở công ty, anh Thanh còn tranh thủ thời gian nhận làm thêm đồ gỗ tại nhà và đam mê với nghề này lúc nào không hay.

Để có thể điêu khắc một họa tiết, anh vẽ trước trên giấy, sau đó vẽ lại trên gỗ và đục theo nét vẽ

Mỗi ngày phụ cha làm ra những cái bàn, cái ghế mà khách hàng đặt, anh Thanh như tìm được niềm vui. Và khi dịch Covid-19 bùng phát tại Long An, anh mạnh dạn dừng công việc ở công ty và tập trung theo đuổi đam mê, khởi nghiệp với nghề sản xuất đồ gỗ.

Với xưởng làm gỗ có sẵn của gia đình, anh Thanh đầu tư hơn 50 triệu đồng mua thêm một số máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ nhu cầu sản xuất. Trong quá trình làm việc, anh không ngừng tìm tòi, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều mẫu mã mới thu hút khách hàng. Công việc thuận lợi nên anh cũng có nguồn thu nhập ổn định.

Sản phẩm anh Thanh làm ra chủ yếu theo đơn đặt hàng. Đôi bàn tay tuy khiếm khuyết nhưng không làm khó được anh. Với tính cần cù, chịu khó và sự khéo léo, anh Thanh làm ra nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng như bàn, ghế, giường, tủ và các đồ dùng phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Các sản phẩm gỗ do anh làm ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường bởi chất lượng và mẫu mã đa dạng.

Anh Phạm Hoài Thanh bên sản phẩm gỗ do mình làm ra

Một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn gỗ, bào, đục, điêu khắc họa tiết, chà nhám, phun sơn, thổi PU,... Thông thường, một cái bàn đơn giản, anh có thể hoàn thành trong 1 ngày. Tùy theo kiểu mẫu, chi tiết, có những sản phẩm đến 3 tuần mới hoàn thành. Không chỉ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ cha, anh Thanh còn thường xuyên tìm hiểu, học tập qua sách, báo, tivi để nâng cao tay nghề.

Anh chia sẻ, nghề sản xuất đồ gỗ phải tỉ mỉ và chính xác. Để làm ra một sản phẩm họa tiết đẹp, có hồn, đòi hỏi người làm phải thật kiên nhẫn trong từng động tác. Ví dụ để điêu khắc hình rồng trên gỗ, phải nghiên cứu thật kỹ từng chi tiết như vảy rồng, râu, móng, mắt,... sau đó vẽ lại trên giấy, cắt, đồ theo trên nền gỗ và đục thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Nhờ sự đầu tư đúng hướng và chăm chỉ làm việc, đến nay, xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Thanh đã đi vào hoạt động ổn định. Nghề sản xuất đồ gỗ không chỉ giúp anh có nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của gia đình./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết