Nội dung khiếu nại của người dân đối với dự án 773 không có cơ sở để xem xét
Khoảng cuối năm 2017, trên địa bàn ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có một nhóm đối tượng tụ tập tại đường D1, đoạn từ Quốc lộ N2 đến xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, mang theo dao, phảng,... tự đốn chặt cây, phun xịt sơn để phân chia đất, dựng lều dọc theo kênh Bà Kiểng nhằm mục đích chiếm dụng đất công, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Bằng các biện pháp nghiệp vụ cũng như đối thoại, lực lượng chức năng đã giải tỏa các chòi lá do các đối tượng dựng trái pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua, các đối tượng vẫn tiếp tục lôi kéo người dân, kể cả những người dân ngoài tỉnh như An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang,… gửi đơn khiếu nại nhiều nơi để tố cáo cũng như đề nghị được cấp đất. Qua quá trình giải quyết khiếu nại, UBND tỉnh Long An khẳng định, các chủ trương, chính sách khi thực hiện DA 773 tại huyện Bến Lức được thực hiện theo đúng quy định, những nội dung khiếu nại của các hộ dân không có cơ sở để xem xét cũng như không thể thực hiện việc giao đất cho các hộ dân vì DA đã kết thúc, không còn quỹ đất nông nghiệp hoang hóa để giao theo kiến nghị của các hộ dân.
Ngày 11/9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần có văn bản trả lời đối với Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo Việt Nam tại TP.HCM là đại diện cho các hộ dân khiếu nại. Trong đó, UBND tỉnh khẳng định, đối với Khu A và Khu B, Khu C và Khu D vùng DA, UBND huyện Bến Lức có giao đất cho hộ gia đình cán bộ, công nhân viên huyện, tỉnh xuất phát từ phong trào kêu gọi cơ quan, đơn vị, mọi người, mọi thành phần kinh tế khai khẩn đất hoang để sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn khó khăn trước khi có quyết định phê duyệt DA. Các tổ chức, cá nhân khai hoang đã tự bỏ kinh phí thi công kênh, đê để khai hoang. Đối với những trường hợp cấp đất sau khi có quyết định phê duyệt DA đều được thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định 734/UB.QĐ.87, ngày 04/7/1987 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định tạm thời một số chế độ, chính sách phát triển kinh tế tập thể, cá thể và kinh tế gia đình. Riêng đối với diện tích đất chưa giao cấp trước đây, do người dân tự khai hoang, ổn định sản xuất và các hộ dân có nhu cầu sử dụng đất trong vùng DA, UBND huyện Bến Lức đã xem xét giao đất theo đúng nội dung DA và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các nội dung khiếu nại liên quan đến việc bao che trong xử lý đơn, thư, UBND tỉnh cũng khẳng định từ năm 2003 đến 2016, UBND huyện Bến Lức tiếp nhận tổng cộng 25 đơn của người dân liên quan đến DA và những đơn, thư này của các hộ dân đều được UBND huyện tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền và quy định hiện hành. Sau vụ việc người dân cố tình bao chiếm đất công, tự ý phân lô, dựng lều bạt ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, UBND tỉnh thành lập Tổ công tác do Ban Nội chính - Tiếp công dân tỉnh chủ trì để xử lý các vụ việc liên quan. Đối với số đơn, thư phản ánh của người dân, Ban Nội chính - Tiếp công dân tỉnh đã giao cho các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra nội dung đơn và xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Riêng đối với những đơn của người dân về việc xin được cấp đất DA 773, Ban Tiếp công dân tỉnh đã chuyển cho UBND huyện Bến Lức xem xét, giải quyết. Đồng thời, UBND tỉnh cũng khẳng định, hiện nay quỹ đất để giao sản xuất nông nghiệp trong vùng DA 773 không còn nên việc người dân đề nghị được giao cấp đất là không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, quan điểm của UBND tỉnh và UBND huyện Bến Lức đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong đó, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chức năng tỉnh và UBND huyện Bến Lức làm rõ để trả lời cho người dân theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện trong quá trình thực hiện DA có sai sót hoặc tiêu cực, vi phạm pháp luật thì sẽ kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cẩn trọng trước thông tin dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng
Mặc dù DA 773 đã kết thúc, quỹ đất để giao sản xuất nông nghiệp trong DA 773 không còn nhưng vẫn có một số đối tượng lôi kéo, dụ dỗ người dân nộp tiền từ 10-70 triệu đồng để được xem xét cấp đất. Đây là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải được xử lý nghiêm. Đã có những đối tượng bị khởi tố hình sự, song một số đối tượng khác vẫn âm thầm lôi kéo người dân đóng tiền để hưởng lợi cá nhân.
Trước đó, đầu tháng 4/2018, lực lượng chức năng huyện Bến Lức và chính quyền địa phương đã cho tháo dỡ hơn 200 chòi lá dựng trái phép trên phần diện tích đất công do Nhà nước quản lý dọc theo kênh Bà Kiểng, ấp 4, xã Thạnh Lợi. Quá trình điều tra, cơ quan Công an huyện Bến Lức làm rõ một số đối tượng cố tình xuyên tạc, tuyên truyền khu đất này dùng để cấp cho người nghèo và huy động tiền để khiếu kiện. Trong số đó, người đưa ít nhất là 10 triệu đồng, có người phải đưa đến 70 triệu đồng. Quá trình điều tra, cơ quan Công an huyện Bến Lức nhận được nhiều đơn tố giác của người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc phải đóng tiền cho các đối tượng với lời hứa sẽ được chia đất.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bến Lức xác định đối tượng Nguyễn Thị Lê, ngụ huyện Vĩnh Hưng và đối tượng Nguyễn Văn Xem, ngụ huyện Thạnh Hóa, là những người trực tiếp nhận tiền của người dân với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Đồng thời, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bến Lức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng này về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Lê khai nhận đã thu tiền của nhiều người, còn đối tượng Xem thu khoảng 1,3 tỉ đồng của 30 người, giao cho Lê.
Đây là những hành vi sai trái phải được xử lý nghiêm, tuy nhiên, người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác không để bị các đối tượng lôi kéo, lợi dụng, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”./.
Kiên Định