Tiếng Việt | English

24/08/2015 - 14:23

Ký ức không phai về ngày 2/9/1945 ở Sài Gòn - Gia Định

Lời thề của các thế hệ ông cha trong ngày Tết Độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn - Gia Định đã trở thành động lực, tiếp lửa cho những thế hệ thanh niên hôm nay tiếp tục xây dựng đất nước.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngay trong thời khắc lịch sử đó, hàng chục ngàn người dân Sài Gòn – Gia Định cũng tập trung về Quảng trường Norodom (nay là công viên 30/4) để tham gia cuộc mít tinh và diễu hành lớn, trong niềm vui nước nhà độc lập.

Đã 70 năm trôi qua, giây phút lịch sử ấy vẫn mãi khắc ghi trong lòng người dân Sài Gòn, Nam Bộ. Niềm tự hào, lời thề quyết giữ vững nền độc lập đã đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, trở thành lời hứa quyết dựng xây và phát triển đất nước giàu đẹp, văn minh trong thời đại ngày nay.

Tấm ảnh ghi lại quang cảnh nhân dân Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) mít tinh chào mừng ngày Độc lập tại Quảng trường Nam Bộ Phủ ngày 2/9/1945

Cùng hàng chục ngàn người dân Sài Gòn có mặt tại Quảng trường Norodom trong ngày 2/9/1945 lịch sử, ông Nguyễn Trọng Xuất, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến TP HCM lúc bấy giờ chỉ là một cậu thiếu niên 14 tuổi. Thế nhưng, với ông, không khí ấy, tinh thần ấy đã tạo nên thời khắc thiêng liêng.

Ông Nguyễn Trọng Xuất kể, lúc đó đường phố Sài Gòn ngập cờ hoa, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, những khẩu hiệu như “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Độc lập hay là chết”…giăng đầy các con đường lớn.

14h buổi lễ mới bắt đầu, nhưng từ 12h trưa, đông đảo nhân dân đã có mặt tham gia lễ mít tinh, diễu hành. Tuy không được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, do việc tiếp sóng gặp trục trặc, nhưng ông Xuất cùng đông đảo người dân vẫn thấy an lòng vì Cách mạng tháng Tám đã thành công.

Mọi cảm xúc trong ông vỡ òa khi Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi “Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.

Ông Nguyễn Trọng Xuất bày tỏ, từ thân phận một người dân nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, sự chuyển đổi này tạo ra trong tâm lý mỗi người dân sự hồ hởi, sự phấn khởi rất lớn. Chính vì vậy, ngày Độc lập là một ngày rất đặc biệt đối với người dân Sài Gòn nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung.

Ngày hàng triệu người dân cả nước mừng Tết Độc lập, ông Nguyễn Thọ Chân, lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy Hà Nội, đang chịu án tù khổ sai cùng nhiều đồng chí khác ở Côn Đảo. Mấy ngày sau, nghe báo tin Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước độc lập, hừng hực khí thế, ông cùng những tù cách mạng khác đứng dậy đòi trả tự do. Đến ngày 21/9, ông cùng nhiều tù chính trị Côn Đảo khác lên tàu trở về đất liền trong niềm tự hào vô bờ bến.

Ngày trở về thấy cờ đỏ sao vàng treo đầy các xóm, ngõ, đông đảo người dân ra đón khiến ông Chân mừng rơi nước mắt. Ông xúc động: “Bản thân tôi mấy lần ở tù đều do Cách mạng cứu ra, không gì hạnh ngộ bằng”.

Cũng như nhiều tù chính trị Côn Đảo khác, ngay sau khi về đất liền, biết Sài Gòn đang bị kẻ thù đe dọa, ông Nguyễn Thọ Chân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau ngày đất nước giành lại độc lập, tiếp tục những năm tháng chống Pháp, đánh Mỹ, Sài Gòn ngày ấy vẫn mạnh mẽ, kiên cường và có nhiều bước chuyển mình để TP HCM hôm nay tự hào là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.

Lời thề của các thế hệ ông cha trong thời khắc lịch sử 2/9 đã trở thành động lực để bao lớp thanh niên vững bước trên con đường dựng xây thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Những công trình mới, chính sách mới, cách làm mới đưa thành phố thay da đổi thịt từng ngày, hội nhập cùng khu vực và thế giới. Trong những thành tựu đáng tự hào đó có một phần công sức và trí tuệ của thế hệ trẻ hôm nay.

Anh Dương Trọng Phúc, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM cho biết: “Những thành tích mà các bạn sinh viên, học sinh, các bạn trẻ, các đoàn viên, thanh niên TP HCM đã đạt được, khẳng định rằng: tuổi trẻ TP HCM nói riêng và tuổi trẻ cả nước nói chung đang tiếp nối truyền thống, đang có sự tự định hướng của bản thân, luôn giữ cho mình tâm trong, trí sáng để thể thực hiện đúng lời hứa của các thế hệ đi trước cũng như lời hứa của chính thế hệ trẻ ngày hôm nay cho sự phát triển chung của đất nước”.

70 năm đã trôi qua, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của bao lớp cha anh ngày ấy vẫn sống mãi và tiếp thêm lửa để những thế hệ thanh niên thành phố ngày nay tiếp tục cống hiến trên con đường dựng xây đất nước đẹp giàu./.

Mỹ Dung/VOV - TP HCM
 

Chia sẻ bài viết