Mai trắng chịu buốt giá, nở vào mùa đông ở các tỉnh phía Bắc. Mai vàng chịu khí hậu nhiệt đới, nở vào mùa xuân ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, ngày nay qua kỹ thuật thuần giống và ghép cành, mai trắng, mai vàng đều có thể sống chung một gốc. Ở Bến Lức có người trồng cây mai trắng, tết năm nào cũng nở hoa đua với mai vàng. Ở Bến Tre có gốc mai trắng cổ thụ chết, để lại một chùm chồi mai con lớn rất nhanh khiến cư dân sở tại sùng tín, coi là “cây thiêng”, “mai thần” cứ vào xuân
là nở hoa trắng tinh khôi, được xếp hạng Cây di sản Việt Nam (DSVN). Tại TP.HCM, di tích chùa Gò Cây Mai Phú Lâm cũng là mai trắng - Cây DSVN xấp xỉ 300 năm, là nơi Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản từng lập tao đàn xướng họa thi ca; về sau là Bạch Mai thi xã của một nhóm nho sĩ, trong đó có Nguyễn Thông. Ở Hà Tiên, cây mai trắng Mạc Cữu trồng trên núi Bình San thời “mở cõi”, và thi sĩ Đông Hồ từng đến đây ngoạn cảnh, để lại bài thơ rất đẹp: “...Xuân năm trước cũng vừa năm trước/ Tình năm nay đã khác năm xưa/ Này trăng này núi này hồ/ Mà người cùng ngắm bây giờ là đâu?/ Chợt nhớ thuở trăng nhô đầu núi/ Dưới bóng trăng thui thủi bóng ai/ Bóng ai tha thướt cành mai/ Cành mai tuyết điểm cành mai trăng lồng”. Đời Trần, Tể tướng Trần Quang Khải (1241-1294) cũng là thi sĩ yêu mai trắng: “Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên” (Hoa mai như tuyết chiếu xuống dòng sông lúc nắng lên) và “Vũ bạch phi mai tế nhược ti” (Lâm râm mưa bụi gội hoa mai). Thiền sư Hoàng Bá cảm nhận ở mai trắng “Chẳng phải một phen xương lạnh buốt/ Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”. Vua Lê Thánh Tông “Vịnh cây mai già” thì “Xuân thêm cốt cách hương càng bội/ Tuyết giúp tinh thần ngọc hãy còn”. Đại thi hào Nguyễn Du lấy mai tạc bóng Kiều: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”; “Điệu buồn như cúc, nét gầy như mai”; “Rụng rời lộc liễu tan tành gốc mai”; “Thờ ơ gió trúc mưa mai”; “Nàng thì chiếc bóng song mai”...
Sử ghi sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, vừa quét sạch 29 vạn quân Thanh ra khỏi cõi bờ nước ta, vua Quang Trung vào thành Thăng Long vang khúc khải hoàn. Người dừng lại, chọn một cành hoa đào đẹp nhất, sai kỵ binh phi ngựa về Phú Xuân trao cho Ngọc Hân công chúa thay lời báo tiệp... Cành đào Thăng Long giao thoa cùng cành mai vàng Huế, tạo sắc xuân huy hoàng cho mùa xuân chiến thắng - mùa xuân thái bình!
Ở miền Nam, mai vàng là “sứ giả” mùa xuân. Ở Long An có rất nhiều nhà trồng mai. Có những “lão” mai cổ kính, cành nhánh khẳng khiu, có những cây mai theo gót lưu dân thời khẩn hoang vẫn sống trên đất Đồng Tháp Mười; con cháu coi như báu vật thiêng liêng - lưu hồn tiên tổ.
Hoa mai là một phần không thể thiếu bên bàn thờ ngày Tết Cổ truyền ở Nam bộ. Để mai nở kịp đón chúa xuân về trong khi mới tháng 10 âm lịch mà trời cứ se lạnh, mưa áp thấp nhiệt đới cứ bất chợt ập đến, giục mai hối hả nở hoa không mong muốn. Lúc này (tháng Chạp âm lịch) nếu lá mai còn xanh, nụ li ti thì bón thúc NPK 15-30-15 (pha gói 10g với 8 lít nước tưới từ ngọn tới gốc 1 lần/tuần). Nếu lá vàng, nụ to, tưới NPK 30-10-10 (1 gói 10g với 8 lít nước tưới từ gốc tới ngọn). Nếu lá già còn xanh, nụ lớn bằng hạt lúa, chỉ cần tưới nước đều để giữ lá không vàng úa vì thiếu nước, là được.
Nếu lá còn xanh, nụ còn nhỏ, từ 10-13 tháng Chạp tưới NPK 6-30-30 hay 10-55-10 (10g cho 8 lít nước). Lá hơi vàng, nụ hơi to, lảy lá từ rằm tháng Chạp; tưới nước đều. Lá đã vàng sắp rụng, nụ khá to, đến 23 đưa ông Táo về trời thì lảy lá. Tưới thêm KPK 5.0.2 hoặc ure loãng. Muốn thúc mai nở sớm: Phơi mai ngoài nắng, tưới nước vào giữa trưa; ban đêm thắp đèn tròn kế gốc mai cho nóng. Muốn mai nở chậm, dằn đá lạnh quanh gốc mai.
Ngày 30 tết, từ sáng sớm bắt đầu tưới nước cho tới gần chiều; để nước rút hết mới đem chậu mai vào chưng trong nhà mới mong mai nở vào đêm trừ tịch.
Mong tết đến, nhà nào cũng rực sắc mai vàng kịp đón chúa xuân về!
Tản bút của Quang Hảo