Tiếng Việt | English

10/03/2016 - 11:07

Thị xã Kiến Tường-Long An

Lựa chọn nghề phù hợp - yếu tố quyết định trong công tác giảm nghèo

Thời gian qua, thị xã Kiến Tường tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tùy tình hình, điều kiện của mỗi địa phương sẽ có những nghề thích hợp cho người lao động.

Nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các xã biên giới

Theo Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Kiến Tường - Võ Thị Kim Phượng, hiện tại, thị xã có 473 hộ nghèo, 685 hộ cận nghèo. Năm qua, thị xã tổ chức được 9 lớp dạy nghề với 236 học viên. Trước tình hình khó khăn chung, nhiều nghề đào tạo chưa thực sự ổn định và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, một số lớp dạy nghề như: Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; kỹ thuật nuôi ong lấy mật; kỹ thuật nuôi heo,... phù hợp với điều kiện địa phương, giúp người dân trang bị thêm các kiến thức cần trong lao động, sản xuất, góp phần giảm nghèo hiệu quả.

Điều kiện tự nhiên một số xã khu vực biên giới Kiến Tường khá phù hợp với việc chăn nuôi bò nên nhiều hộ dân tại các xã Bình Hiệp, Bình Tân lựa chọn chăn nuôi bò để phát triển kinh tế, nhiều người dân khá lên nhờ nuôi bò. Một số hộ nghèo được hỗ trợ bò để phát triển kinh tế, thoát nghèo, ổn định cuộc sống từ Chương trình 160. Các lớp đào tạo về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò phát huy được hiệu quả.

Hiện tại, đàn bò của xã Bình Tân có trên 1.000 con. Bên cạnh nguồn lợi từ chăn nuôi bò, người dân còn có thêm thu nhập từ việc trồng cỏ và bán phân bò với giá khá cao. Chị Ngô Thị Nơi (ấp Gò Tranh, xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường) cho biết, chị từng tham gia lớp đào tạo nghề đan lục bình, đan nhựa nhưng thu nhập bấp bênh. Hiện tại, chị nuôi 8 con bò, trong đó có 5 con bò đẻ. Chị còn tận dụng đất trống để trồng cỏ, nuôi thêm gà, vịt, thu nhập ổn định hơn so với trước.

Còn ông Lê Văn Thu, cùng ngụ ấp Gò Tranh, nhờ tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò nên rất an tâm về cách chăm sóc, nuôi dưỡng bò. “Bò biên giới dễ mắc bệnh lở mồm, long móng. Vì vậy, tôi luôn cẩn trọng, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo khuyến cáo để phòng bệnh cho bò. Gia đình tôi hiện có 12 con bò (trong đó có 10 con bò đẻ). Ngoài thu nhập từ việc bán bò, mỗi tháng, tôi còn kiếm thêm khoảng 1 triệu đồng nhờ bán phân bò” - ông Thu cho biết.

Bên cạnh một số nghề hữu ích, gắn với sản xuất, cuộc sống của người dân, vẫn còn một số nghề chưa mang lại hiệu quả, nhất là ở các nhóm nghề phi nông nghiệp vì đầu ra chưa ổn định. Chính quyền địa phương và ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững./.

Quang Nguyên-Cát Tường

Chia sẻ bài viết