Miệt vườn Cái Mơn - Miền yêu thương với vườn cây trái sum suê
Ai cũng có một miền yêu thương khắc sâu trong tâm tưởng. Cái Mơn không phải là nơi tôi “chôn nhau cắt rốn” nhưng đã lưu giữ thật nhiều nụ cười và nước mắt từ thuở hoa niên. Năm tôi lên hai tuổi, má đi lấy chồng, gửi tôi lại cho ngoại ở Thủ Thừa, Long An.
Ba dượng tôi là lính nên mỗi lần sinh em bé, má tôi lại về ở nhà ngoại. Đó là những ngày vui vẻ và hạnh phúc của tôi. Tôi được gần má, được nựng em, được làm chị đưa võng ru em bé thật ngủ chứ không phải là ru búp bê. Rồi ba dượng tôi giải ngũ, đưa má và các em tôi về Cái Mơn sống hẳn ở đó. Chín tuổi nhưng tôi đã biết gượng cười để rồi khóc thầm mỗi khi má hôn tôi rồi ẵm em đi.
Những đêm sau đó, tôi đều trằn trọc lâu lắm mới ngủ được. Tôi gối đầu bằng cái mền má cho, ôm cái gối ôm má may, ước thầm được má ôm vào lòng ru ngủ. Lâu thật lâu, nỗi buồn nhớ trong lòng tôi mới nguôi ngoai.
Tôi nhớ mãi lần đầu tiên được ngoại dẫn về quê nội của các em tôi. Nỗi háo hức, vui mừng nhiều và sâu sắc đến nỗi bây giờ tôi vẫn chưa quên những cảm xúc mãnh liệt ấy dẫu đã hơn 30 năm. Từ Long An đi xe đò tới Mỹ Tho rồi ngồi xích lô đến bến đò đối diện vườn hoa Lạc Hồng. Ngoại và tôi xuống chuyến đò duy nhất về Chợ Lách, tách bến đúng 12 giờ mỗi ngày. Con đò khá rộng, có băng ghế cho hành khách ngồi; dọc theo hai bên hông, có những ô cửa sổ nho nhỏ nhìn ra sông, còn giữa lòng tàu là nơi dành để mắc võng.
Tôi mở to mắt nhìn những người ở xứ có má tôi, có em tôi tay xách nách mang chuyện trò, cười nói. Hình như cách họ nói chuyện và những câu chuyện của họ không giống như người ở xứ ngoại tôi.
Con đò lướt trên dòng sông nước đỏ bềnh bồng những đám lục bình xanh, giữa hai bờ um tùm cây ăn trái. Đò chạy cho tới lúc nắng phai thì bắt đầu ghé từng bến cho hành khách xuống. Tên mỗi bến được người phụ đò cầm sào đứng trước mũi xướng lên bằng giọng kéo dài nghe như tiếng rao: “Bến ông Cả Tài ai xuống bước ra nghe”, “Bến Lò Gạch có ai ghé hôn?”,... Buồn ngủ lắm nhưng tôi vẫn quỳ trên băng ghế ngắm cảnh sông nước, nhà cửa hai bên bờ trôi tụt lại phía sau qua ô cửa sổ.
Không hiểu sao, khi nhìn người phụ đò chống cây sào dài tách mũi đò ra khỏi bến, nhìn hành khách vừa rời đò lẩn khuất dần trong vườn cây trái rậm rạp như rừng, lòng tôi lại nao nao buồn buồn.
Tôi với ngoại xuống ở bến Sáu Nhung nằm trong khu vườn chôm chôm đang mùa chín đỏ. Tôi ngoái nhìn theo con đò cho đến lúc không còn nhìn thấy nữa mới lúp xúp chạy sau lưng ngoại trên lối cỏ mòn. Thật thích khi được tận mắt nhìn thấy những cây cho ra trái mà tôi đã được ăn: Cây chôm chôm, sầu riêng, bòn bon, măng cụt, dâu,...
Trong lòng tôi ắp đầy cảm xúc vui sướng đến nghẹn ngào. Đây là xứ sở có má, có em tôi đang sống. Chắc cây cầu này, má tôi đã đi qua nhiều lần. Chắc con đường này, em tôi đi học mỗi ngày... Đi bộ gần mỏi chân, tôi mới tới được ngôi nhà có má. Tôi phải thưa nhiều người: Ông nội, bà nội, bác năm, cô ba,... rồi mới vô buồng trong gặp má.
Má không ôm hôn tôi mà chỉ cầm tay tôi hỏi: “Con học được hạng mấy?”, rồi má khoe với ngoại, với tôi em bé trai mới còn nhỏ xíu. Hình như má mập hơn trong trí nhớ của tôi. Tôi đứng xớ rớ nhìn má, nhìn em mà lòng những muốn đi về. Má đâu có thương, có nhớ gì tôi. Hai đứa em tôi yêu quý nhìn tôi như người lạ, rồi lo giành giỏ đồ chơi mà tôi nhịn tiền bánh mỗi ngày dành dụm đem xuống cho. Tự nhiên tôi muốn khóc quá mà sao nước mắt không chảy ra được.
Ngoại chuyện trò với má tôi một lúc rồi dẫn tôi ra nhà sau rửa tay, rửa mặt, ăn cơm chiều. Tôi ở trong nhà đó mấy ngày, vừa thân lại với em thì ngoại dẫn tôi về. Tôi không được ngủ với má đêm nào, cũng không được má ấp yêu như mấy lần má về nhà ngoại.
Sau chuyến đi đó, mãi đến 2 năm sau, vào hè cuối năm học lớp 7, tôi mới được về Cái Mơn thăm má với các em trong ngôi nhà lá phên tre giữa vườn dừa rộng mênh mông biệt lập với xóm giềng. Má tôi nói nhà thờ tự bây giờ để cho bác năm ở, còn ba má tôi được ông nội cho ra riêng.
Ba dượng tôi là con bà nội nhỏ, được ông bà cố cưới hỏi đàng hoàng vì bà nội lớn có đứa con đầu mất rồi mà lâu quá không sinh con nữa. Sau khi bà nội nhỏ sinh cô ba thì bà nội lớn sinh cô tư, bác năm; bà nội nhỏ sinh tiếp ba dượng tôi thứ sáu và chú út đã mất lúc thôi nôi. Bà nội nhỏ mất lúc ba dượng tôi lên năm, ông rớt tú tài, vào lính pháo binh hàm trung sĩ, đi tứ xứ nên gặp má tôi.
Ngoại rớt nước mắt khi thấy má tôi ở trong căn nhà trống hoác, đồ đạc sơ sài, giường ghế, tủ bàn làm từ thân cây dừa lâu năm nâu nhạt mốc cời. Má tôi cười nói với ngoại: “Nhà cửa xập xệ nhưng mà con sướng hơn hồi ở đẳng, muốn ăn chừng nào thì ăn, muốn ngủ chừng nào thì ngủ, không bị gò bó. Một năm mười mấy cái đám giỗ, đám nào cũng thức hai ba đêm, nạo một lần ba bốn chục trái dừa rụng tay rã cẳng...”.
Giờ thì tôi biết má ráng nói như vậy cho ngoại vui thôi chứ chắc trong lòng má cũng buồn lắm. Riêng phần tôi cảm thấy rất sung sướng khi được ở hẳn ba tháng hè với má, với các em. Mảnh vườn ông nội cho ba dượng tôi toàn dừa và một giồng cát lưa thưa mấy cây quýt lão. Bọn con nít chúng tôi chẳng màng đến nỗi lo buồn của người lớn, cứ vô tư vui chơi hết cất nhà chòi lại đi đào dế cơm ngoài giồng cát để chiên giòn.
Phía sau nhà có một con rạch nhỏ, nước ròng trơ đáy cát với dòng nước mảnh như chiếc khăn lụa vắt qua là nơi lý tưởng cho chị em tôi xúc tép, tát vũng bắt cá bống và cào hến. Thức ăn hàng ngày chỉ có cá bống kho khô, canh hến nấu rau tập tàng hái trong vườn mà sao ngon ơi là ngon. Có bữa trời nắng chang chang, ba dượng tôi xách thùng thiếc, cầm cây cù ngoéo đi một lúc đem về một thùng cua đá cho má tôi nấu cháo cua ăn với gỏi rau càng cua trộn bắp chuối sứ.
Ba dượng và má tôi tất tưởi lo gạo cho một bầy con 6 đứa (tính luôn tôi) nên ốm nhom, đen thùi chứ không còn trẻ trung như hồi trước. Ba dượng tôi hết làm cỏ ở vườn nhà lại ươm cây, chiết cành hay đi làm thuê cho người ta. Má tôi lo nấu ăn, giặt giũ, gom củi, róc lá dừa để bán.
Tôi được má dẫn đi chợ Cái Mơn một lần vào mùa hè năm ấy. Tôi cùng má đi bộ men theo những khu vườn chôm chôm, sầu riêng, bòn bon,... Tôi hỏi má: “Sao nhà mình không trồng cây ăn trái như người ta, mới biết khu vườn nội cho là đất giồng chỉ trồng được dừa, nhãn và quýt. Thật lạ là chỉ cách một con rạch nhỏ nơi chị em tôi hay mò hến, bắt cá mà khu vườn bên kia của hàng xóm lại là đất thịt trồng được đủ loại cây.
Má chỉ cho tôi cây da ở đầu giồng và nói cho tôi biết đó là cây da thần đã ngàn năm tuổi nên xóm có tên là xóm Cây Da. Cây da cao lơ lửng như đụng tới mây, tán xòe mát hết khu đất công dùng làm sân vận động. Ngửa mặt nhìn tán cây, tôi có cảm giác bước chân mình đang phiêu bồng giữa khoảng không gian kỳ ảo nào đó. Ra khỏi giồng là con đường đá đỏ dẫn đến chợ dài hơn bảy cây số. Qua cầu Nhà Thờ rẽ phải, theo con đường tráng xi măng là lối vào chợ Cái Mơn. Chợ nhỏ xíu nhưng bán đủ thứ lạ lẫm làm tôi nhìn no cả mắt. Thúng ruột hến cao có ngọn đong bán từng lon; mớ cua đá chen chúc bò trong giỏ tre; mấy nhúm cá bống trên tàu lá chuối xanh, trắng vàng là cá bống cát lẫn với cá bống xệ, đen kịn là cá bống dừa lẫn với tép rong,…; rổ muồng quân tím sẫm bên cạnh mấy mụt măng mạnh tông mập ú,...
Tôi thích quá là thích, chỉ hỏi luôn miệng đến nỗi má tôi bực mình không thèm trả lời. Má mua cho tôi hai chục bánh lá làm bằng bột gạo, ngòn ngọt, thơm thơm mùi lá dứa, có chút nhân đậu xanh tán với mỡ hành, gói trong lá chuối dẹp như bàn tay, ăn vào man mát, lành lạnh. Má cho hết các thứ đã mua vào hai cái thúng để hai má con đội về. Đường về như dài thăm thẳm bởi trưa nắng với cái thúng nặng trên đầu. Tôi đâm hối hận, quên hết cảm giác háo hức, thích thú lúc ban sáng.
Má đãi cả nhà món bánh xèo béo ngậy, thơm lừng nước cốt dừa thắng bồng con có nhân đậu xanh với thịt gà xào nấm mối. Nhỏ em tôi ở nhà xay bột, hái sẵn một rổ rau lá trong vườn: Ngò gai, húng cây, húng lủi, rau diếp cá, tía tô, đọt xoài, đọt cóc, đọt vông, cải bẹ xanh, rau má,... Má đổ ra cái nào là hết vèo cái đó vì có tới 6 “chiếc xà lan” đang há miệng chờ ăn. Mặt má tôi đỏ hồng vì lửa nóng, tay thoăn thoắt múc bột, vẩy bánh, lâu lâu lại nhắc chừng: “Thủng thẳng ăn từ từ thôi mấy con, coi chừng phỏng miệng”.
Cho đến bây giờ đã hơn 30 năm, tôi vẫn còn nhớ mãi hương vị bánh xèo của buổi trưa hôm ấy. Tôi không nhớ rõ nó ngon như thế nào nhưng dường như không có bánh xèo ở đâu mà tôi ăn sau này ngon được như thế. Đó là những ngày hạnh phúc, vui vẻ hiếm hoi tôi được ở cùng với má, với các em.
Ngày ngoại tôi xuống rước về để tựu trường, tôi khóc thật nhiều và thấm thía nỗi đau biệt ly. Khuya, má tôi với hai đứa em kế đốt đuốc bằng lá dừa đưa ngoại và tôi ra bến đò. Tôi xách dép, xăn quần bò qua những cây cầu dừa ướt sương trơn tuột, nước mắt rớt trên đường đi. Trái tim nhỏ bé của tôi như tan nát khi đò tách bến. Tôi quỳ gối nhìn qua cửa sổ hông tàu dõi nhìn bóng má tôi, bóng em tôi nhập nhòe trong ánh đuốc cho tới khi bên ngoài chỉ còn một màn đen. Tôi khóc lặng lẽ, không dám kéo áo chùi nước mắt vì sợ ngoại biết, sợ khách đi trên đò nhìn thấy. Mấy dì tôi nói số má tôi khổ, lấy chồng ở cái xứ “khỉ ho cò gáy, đi bộ rục giò, đội thúng gãy cổ”, ban đêm bước ra đường phải đốt đuốc lá dừa đi như lạc giữa rừng; tưởng làm dâu con út chủ thầy thuốc Bắc là sung sướng, ai dè...
Tôi thương má nhưng không biết cãi với mấy dì thế nào. Đàn bà con gái ở đây ai cũng lam lũ, đầu tắt mặt tối chứ đâu riêng gì má tôi. Mấy lần tôi định mở miệng đòi ở với má nhưng rồi không dám nói. Đêm nào tôi cũng khóc thầm ướt gối rồi mới ngủ thiếp đi và tuổi thơ tôi trôi qua nhàn nhạt, buồn buồn trong nỗi thương nhớ về miệt vườn xa lắc. ...
Giờ thì tôi không còn khóc thầm, không còn nhớ thương đến khắc khoải xứ Cái Mơn có má, có em tôi như ngày xưa nữa nhưng vẫn bồn chồn, nao nao mỗi chuyến về thăm. Từ Long An, tôi nổ máy xe, chỉ hai giờ đồng hồ đã có mặt ở nhà với má. Phà Rạch Miễu, phà Hàm Luông bây giờ đã trở thành kỷ niệm.
Hai chiếc cầu treo đẹp như trong cổ tích với những vườn cây bạt ngàn xanh ngút mắt đưa tôi về ký ức ngày xưa, thuở mà đi đường đá đỏ lông chông, về thăm má phải qua hai lần phà, sáng sớm đi xế chiều mới tới. Nhà má tôi, nhà bà con trong xóm giờ có điện sáng trưng, có tivi, tủ lạnh, đầu máy karaoke kỹ thuật số, có xe máy phóng ào qua những cây cầu bêtông vững chãi bắc qua những liếp vườn.
Mỗi lần muốn đi thăm tôi, má chỉ việc ngồi xe máy cho đứa em đưa ra đầu giồng cây da đón xe đò đi đến chốn. Em tôi và những người dân ở đây đã biết cách làm kinh tế từ mảnh vườn, cây giống. Tôi ngắm những vườn ươm đều tăm tắp, những trại kiểng hàng hà loại cây lá với những kiểu dáng đẹp lạ lùng, những ngôi nhà khang trang tường xây ngói đỏ mà nghe lòng reo vui. Mấy dì tôi có chồng ở thành phố, lâu lâu lại chạy xuống ở với má tôi mấy ngày để xả stress, hít thở không khí trong lành và thưởng thức những món ăn đặc sản ở cái xứ “khỉ ho cò gáy, đi bộ rục giò, đội thúng gãy cổ,…” mà má tôi nấu ngon đến ngậm mà nghe: Ếch nướng mọi, dế chiên giòn, bún ốc gạo, đuông dừa lăn bột, cá lóc nướng trui, tôm càng nướng, bánh xèo nhân thịt gà nấm mối, bánh đúc gân làm bằng bột gạo với nước tro dừa,…
Quê hương mỗi người đâu chỉ một. Tôi yêu xứ Thủ Thừa, Long An - nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Và tôi cũng yêu vùng đất Cái Mơn, Bến Tre - nơi có má, có em tôi đang sống. Lòng tôi dâng trào những cảm xúc thân thương, trìu mến lẫn tự hào khi nhìn thấy những đổi thay tuyệt vời trên vùng đất nghèo nhất Đồng bằng sông Cửu Long trước đây.
Tôi vẫn sống ở Long An, vẫn dõi trông về Bến Tre, thảng thốt khóc ròng khi nghe bão cuốn nhà, đổ cây, tiêu điều vườn ươm hoa kiểng. Tôi cũng không còn buồn hay hờn trách má sao bỏ tôi đi lấy chồng vì tôi hiểu trái tim là miền yêu thương rộng đến vô cùng./.
Tuyết Mai