HĐND tỉnh tổ chức khảo sát, giám sát công tác xét xử, thi hành án hành chính tại một số địa phương, đơn vị
Xét xử và thi hành án hành chính còn hạn chế, bất cập
Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, trong 3 năm qua, số lượng án hành chính có xu hướng tăng hàng năm. Nếu năm 2021, Tòa án nhân dân (TAND) thụ lý 272 vụ, năm 2022 thụ lý 402 vụ thì năm 2023 tăng lên 432 vụ. Trong đó, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai chiếm hơn 90% tổng số án hành chính được thụ lý, chủ yếu là các dạng khiếu kiện hành chính như việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; quyết định cưỡng chế thu hồi đất; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. 3 năm qua, TAND 2 cấp tỉnh đưa ra xét xử 517 vụ, trong đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện 312 vụ, bác yêu cầu 164 vụ và đình chỉ tại tòa 41 vụ.
Qua thực tiễn xét xử án hành chính cho thấy, việc giải quyết của TAND 2 cấp tỉnh được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, chủ động, tích cực yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ việc giải quyết vụ án, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước tại địa phương, bảo đảm dân chủ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, còn tình trạng nhiều cơ quan không cung cấp hoặc cố tình kéo dài, trì hoãn việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của TAND.
Một số vụ đã có quyết định đưa ra xét xử nhưng cơ quan bị kiện không cử người đại diện, không cung cấp tài liệu, chứng cứ và cũng không có ý kiến, không tham gia đối thoại để xem xét thấu tình, đạt lý các yêu cầu khởi kiện, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính. Riêng VKSND tỉnh, trong 3 năm qua ban hành 6 kiến nghị yêu cầu các cơ quan khắc phục tình trạng trên. Ngoài ra, công tác theo dõi thi hành án có lúc chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tồn đọng nhiều bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng đến nay vẫn chưa thi hành xong.
Tập trung các giải pháp để nâng cao hiệu quả
Từ thực trạng công tác xét xử, thi hành án hành chính hiện nay, HĐND tỉnh tổ chức nhiều đoàn khảo sát, giám sát công tác xét xử, thi hành án hành chính tại một số địa phương, đơn vị. Thường trực HĐND tỉnh cũng đưa nội dung này vào phiên giải trình để tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xét xử và thi hành án hành chính.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn, thời gian qua, việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính ở một số địa phương có lúc còn tình trạng UBND, chủ tịch UBND không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ việc cung cấp hồ sơ, tài liệu vụ việc hành chính bị khởi kiện, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa theo triệu tập của TAND. Trước thực trạng đó, năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế liên quan công tác thực hiện Luật Tố tụng hành chính.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, để nâng cao hiệu quả công tác xét xử và thi hành án hành chính, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản chấn chỉnh, yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện nâng cao nhận thức và trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính; trực tiếp tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa giải quyết khiếu nại của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính; cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương có giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện; tổ chức thi hành và chỉ đạo thi hành nghiêm túc, dứt điểm các bản án, quyết định của TAND về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục ngay tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều yêu cầu UBND tỉnh và các cơ quan liên quan tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xét xử và thi hành án hành chính
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều, trước hết, UBND tỉnh cần thực hiện và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính.
TAND tỉnh cần kiểm tra, rà soát các vụ án hành chính đã thụ lý nhưng chưa giải quyết hoặc chưa giải quyết xong do có khó khăn, vướng mắc để có giải pháp chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng; hạn chế thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của thẩm phán.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh tăng cường kiểm tra, theo dõi công tác thi hành án hành chính; chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với TAND, VKSND các cấp và các cơ quan thuộc UBND trong công tác theo dõi thi hành án hành chính; kịp thời phát hiện các bản án, quyết định của TAND tuyên không rõ, khó thi hành để phối hợp tháo gỡ cũng như có giải pháp sớm tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định.
Ngoài ra, ông Mai Văn Nhiều yêu cầu các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, giám sát UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xét xử và thi hành án hành chính, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho người dân và doanh nghiệp, bảo đảm trật tự xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển KT-XH./.
TAND tỉnh cần kiểm tra, rà soát các vụ án hành chính đã thụ lý nhưng chưa giải quyết hoặc chưa giải quyết xong do có khó khăn, vướng mắc để có giải pháp chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng; hạn chế thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của thẩm phán.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh tăng cường kiểm tra, theo dõi công tác thi hành án hành chính; chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với TAND, VKSND các cấp và các cơ quan thuộc UBND trong công tác theo dõi thi hành án hành chính; kịp thời phát hiện các bản án, quyết định của TAND tuyên không rõ, khó thi hành để phối hợp tháo gỡ cũng như có giải pháp sớm tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định”
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều
|
Kiên Định