Những năm qua, báo chí đã phản ánh kịp thời các phong trào thi đua yêu nước, những nỗ lực và kết quả tích cực trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH, góp phần phát hiện, cổ vũ, động viên các nhân tố tích cực, người tốt, việc tốt; đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực. Có được kết quả đó do các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân đã làm tốt công tác thông tin cho báo chí.
Để báo chí phản ánh đúng, chân thực cuộc sống, có sức sống, đem đến cho bạn đọc những tin tức, sự kiện nhanh và chính xác, đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, các đơn vị phải thường xuyên thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí, tránh tình trạng chậm trễ, né tránh, đùn đẩy hoặc cung cấp thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến nhiệm vụ đưa tin, tuyên truyền của báo chí.
Muốn vậy, các ngành phải chủ động cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất theo quy định, bảo đảm nhanh, kịp thời, chính xác, để báo chí làm tốt hơn vai trò thông tin, định hướng dư luận; đặc biệt, khi xảy ra vụ việc, vấn đề gây bức xúc tại địa phương, đơn vị, phải chủ động, kịp thời cung cấp những thông tin khách quan, trung thực cho báo chí. Bởi vì, việc cung cấp thông tin không kịp thời, chính xác cho báo chí sẽ dẫn đến sự hiểu sai của dư luận, cũng như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch. Nên, việc cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác cho báo chí sẽ góp phần định hướng và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, đồng thời ngăn chặn thông tin bất lợi, xuyên tạc.
Và vấn đề không thể thiếu để nâng chất cung cấp thông tin cho báo chí, người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của các đơn vị phải nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, luôn học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng giao tiếp, luôn sẵn sàng tiếp xúc báo chí, không né tránh báo chí, qua đó giúp cho việc thông tin cho báo chí đạt hiệu quả cao.
Nguyễn Chí Thanh