Cái nghèo gắn bó với gia đình tôi cứ như một định mệnh, cái định mệnh ấy đôi khi gắn liền trong những câu chuyện kể, nhưng nó không dùng tính chất của mình mang lại sức bi thương mà chỉ khiến cho người khác nhìn được giá trị của tình thương ẩn chứa trong đó.
Ảnh: Tạp chí Timeout điện tử
Ba má tôi luôn biền biệt theo những gánh hàng xa dẫu đêm trắng có bắt đầu về trên mái đầu của những người lớn tuổi. Có lẽ bởi thế nên khi còn bé thơ tôi đã luôn thấm thía được tình thương vô bờ bến của ba má giành cho tôi, và cũng bỗng chốc khi hai chị em nương tựa vào nhau những khi ba má vắng nhà, tôi nhận ra chỗ dựa lớn nhất của tôi chính là em. Nghĩ lại đôi khi cũng thật buồn cười, chị lớn đôi khi nhớ ba má khóc rưng rức như con nít thể nào cũng có bé em ngồi bên cạnh vỗ về an ủi, cứ như vị trí đang đảo ngược vậy.
Thuở nhỏ hai đứa tôi lớn lên trong vòng tay của ngoại. Thích nhất là những khi lắt lẻo cùng cậu trên chiếc cộ bò, cùng cậu đi chở lúa. Tôi hay nghêu ngao hát, còn em thể nào cũng ngậm một cọng rơm kho, ngả mình trên những bao lúa chất đầy trên chiếc cộ ngửa mặt lên trời thi thoảng lại đệm vài tiếng theo tôi. Bất chợt, em lại quay sang tôi, hỏi nhỏ:
- Chị có nhớ ba má không?
- Có chứ. Cũng không biết bao giờ ba má về nữa.
- Ba má sẽ về sớm mà chị. Em cũng nhớ. Nhưng em sẽ không khóc như chị đâu. Con nít quá.
Những lúc ấy trông em như chững chạc, cái chững chạc ấy như có một sức bật mãnh liệt trong từng câu nói, khiến những nỗi nhớ nhung của tôi như khỏa bớt, và tôi có thêm một sức mạnh đợi ba má về.
Nói thì nói thế thôi nhưng nhiều khi trở mình trong những cơn khuya vì khát nước, tôi lại thấy em tấm tức ở sau vườn. Nước mắt của em như có gì đó uất nghẹn lắm, ừ thì em còn nhỏ hơn cả tôi, sự yếu đuối trong lòng và nỗi khát khao gia đình đoàn tụ còn nhiều hơn gấp bội. Thế rồi, em quệt nước mắt, quay vào phòng đắp chăn ngủ và sớm mai lại bình thường trêu tôi “con nít quá” cứ như chưa có gì xảy ra, và cũng bởi thế, tôi cũng dần mạnh mẽ lên để ít ra, có thể là bờ vai cho em nương tựa.
Tuổi thơ của chúng tôi là tuổi thơ của những bờ cát trắng, khi hàng thông còn vi vu điệu buồn của gió, tôi sẽ cùng lũ anh em con dì con cậu chạy dọc triền. Chúng tôi thích tỏ ra như những người lớn hay xung phong đi mang cơm cho ông ngoại đang chăn vịt ở con sông bên bờ. Cả đám nhóc, tay xách nách mang, lại cứ nắm chặt tay nhau, đứa này quay nhìn dứa kia, đứa nào cũng nhỏ xíu mà cứ dặn khéo nhau “nắm tay chị này, coi chừng lạc đấy”, nghĩ cũng thật buồn cười. Bước chân lấm đầy trên cát trắng, nhưng chỉ cần nhìn thấy căn chòi nhỏ của ngoại là bao mệt mỏi buồn phiền lại tan biến.
Em biết bơi từ khi còn nhỏ. Còn tôi mỗi khi bơi lại cứ phải để cậu bế thốc lên, nhấn nửa người xuống nước rồi tha hồ quẫy đạp, cậu thì đang vịn đấy, nhưng cứ giống như mình đang tự lực bơi vậy. Tôi còn nhớ có lần dì Tám rủ cả đám đi bơi, trong đám trẻ có mỗi mình tôi còn chưa biết bơi, đứng trên bờ thấy buồn buồn tủi tủi, em tự nhiên lên bờ ngồi với tôi.
- Sao không đi bơi đi?
- Không, em chả thích bơi. Có nực lắm đâu chị.
Tôi hãy còn bé thơ nhưng cũng đủ hiểu đằng sau lời nói hờ hững kia là một ánh mắt đang đau đáu hướng về những đứa trẻ đang tắm sông xa tít. Rồi chị em tôi cũng lớn lên theo dòng thời gian, những quá khứ của tuổi thơ được phép nhường dần cho khung cảnh phố thị đầy xô bồ, vội vã. Ba má thôi biền biệt để tôi không còn những mùa tắc vắng ba, tết về vắng mẹ. Trông em tôi đã bước vào đại học nhưng cứ như một đứa trẻ thơ lăn tròn vào lòng mẹ. Nó khiến tôi chẳng thể nào quên được bộ dạng gương mặt đầy những vết trầy nhưng vẫn cứ men theo hàng rào hái cho bằng được đóa hoa chị thích, hay những lúc bị ngoại đánh vì làm sai trong khi lỗi đó là thuộc về phần người chị đang khóc vì sợ hãi. Tôi sẽ chẳng thể nào quên ngày hôm đó, em như một đứa trẻ khóc òa lên khi ba má bảo sẽ về luôn.
Bốn năm đại học rồi cũng trôi qua thật nhanh. Em chưa khi nào thôi là chỗ đựa cho người chị dẫu ba má đã về cũng từng ấy năm đằng đẵng. Rồi nhà tôi gặp biến cố, ba tôi đau nhức chân, di chứng của mảnh đạn thời chiến tranh mỗi khi trở trời. Má vốn yếu đuối lại hay đau bệnh. Còn tôi khi ấy vẫn chỉ là một cô bé yêu văn chương muốn khao khát đem những dòng bút của mình cống hiến qua những trang viết nhỏ. Nhưng lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhận ra, ước mơ của tôi, nó thuộc về một thế giới nào mênh mang lắm không đủ mãnh lực để có thể biến hóa thành vật chất nuôi đủ cuộc sống tôi. Cái lần đầu tiên nhận ra ấy, nó cũng gần với lần đầu tiên ngỡ ngàng và thất vọng khi em quyết định xa nhà.
- Em chuẩn bị đi làm trên phố chị ạ.
Không phải là đang suy nghĩ, cũng chẳng còn là dự định. Dường như tôi đủ hiểu. Lúc nào cũng vậy, từ khi bé thơ cho đến trưởng thành, em luôn tự quyết định mọi chuyện của mình, tôi hiểu em đã quyết.
- Tại sao? Mình chưa bao giờ xa nhau cả.
- Em nghĩ như thế tốt hơn chị ạ.- Rồi em cúi đầu - Đó là ước mơ của em, lên phố, biết đâu sẽ có cuộc sống sung túc hơn.
- Ước mơ? Thế nào là ước mơ? Chị cũng có ước mơ nhưng phải bỏ đi để có thể lo lắng ở bên gia đình mình mà em chỉ biết quan tâm ước mơ của mình thôi ư?
Mắt em có một thoáng buồn mà tôi chẳng bao giờ thấy nữa. Trong đôi mắt ấy chứa cả hồ thu trong đó.
- Khoảng tuần sau em đi chị ạ.
Và tôi và em không nói chuyện suốt cả quãng thời gian sau đó. Ngày em đi tôi đánh mất trong đời một bờ tim. Với em là theo đuổi một ước mơ còn với tôi là em đang trốn chạy. Khi ấy gia đình tôi đang lâm vào cảnh khốn cùng và việc chỗ dựa lớn nhất của cuộc đòi tôi một cách ích kỉ nói muốn chạy theo ước mơ của mình khiến tôi không chấp nhận nổi. Nó gần với cảm giác cô đơn và trên hết là bơ vơ, buồn bã. Thi thoảng em có về nhưng tôi và em không nói chuyện rồi em cũng vội đi ngay. Nhiều khi trong câu chuyện má nói về em:
- Không biết cái con nhỏ ăn có đủ không? ở nơi đất lạ nữa chớ.
- Nó đi được thì nó tự lo cho nó được mà má.
- Nó cũng hay gọi về bảo nhớ nhà dữ lắm.
Tự nhiên tôi lại giận dỗi, giận lây luôn cả má:
- Nếu đã nhớ thì đừng có đi!
Rồi tôi bỏ vào nhà trong tấm tức khóc. Nước mắt tôi rơi xen lẫn ấm ức lẫn âu lo.
Xuân về, em cũng về, thấm thoắt em xa nhà cũng đã đằng đẵng hơn năm năm trời.
Tôi vẫn giữ cho em một khoảng cách vốn có. Nhà tôi giờ cũng đã vượt qua những lúc khó khăn, phải trải qua những khi gian khổ mới biết được tình cảm gia đình bền chặt tới đâu. Em rủ tôi đi bắt cá như khi còn thơ bé ở nhà ngoại, tôi từ chối. Em đi với đám con dì. Ba dẫn tôi ra chặt chuối sau nhà. Đương chặt, ba nhìn sâu vào trong mắt tôi:
- Chị em con cũng giống như buồng chuối này vậy. Chuối phải mọc thành buồng, đùm bọc nhau mới ngọt được.
- Vậy đáng lẽ ngày đó em đừng có đi.
- Thế con có biết ước mơ của em là gì không?
- Nó nói rồi mà ba, là sống trên phố thị.
Ảnh: Báo Gia Lai
Ba vuốt đầu tôi. Không, ước mơ lớn nhất của em tôi chính là có thể giúp gia đình vượt qua được nghịch cảnh. Điều em tôi khát khao nhất chính là gia đình đoàn tụ, điều đó đồng nghĩa với việc em sẽ buồn biết bao nhiêu khi mất mát xảy ra. Tối đó, em tôi đã nói chuyện với ba má muốn lên phố theo chú, vì kiếm được công việc có nhiều tiền, ba bảo đêm đó em khóc hết nước mắt mà em đã có. Em quyết định giấu tôi lý do thật sự dù có thể tôi hiểu lầm em.
Ba tiếp lời:
- Ngày đó dường như gánh nặng gia đình đổ hết lên vai con nhỏ…
Em tôi đi làm xa, tiền em đều gửi về hết, cùng với bao nhung nhớ yêu thương cho người chị không thấu hiểu. Dường như lúc nào cũng vậy, từ còn ấu, em luôn giữ tất cả vào trong lòng. Cái ước mơ mà em nói chưa bao giờ đánh rơi khỏi hai tiếng gia đình cả. Tôi bất giác nhìn ra cổng, em đang bước vào, tay xách những con cá thật to, tôi chạy ào ra cửa, cũng gần năm năm rồi tôi mới lại hào hứng yêu thương nhìn em gái mình như thế. Dường như tôi vẫn còn thơ bé quá, còn em đã trưởng thành từ khi trở thành chỗ dựa cho người chị của mình.
- Chị em mình cùng nấu ăn đi em.
Em nở nụ cười thật tươi nhìn tôi. Ước mơ của em, ngày mai khi nắng lên, và chị trưởng thành hơn ngày ấy, hai đứa mình cùng chung tay xây đắp nhé?
Lê Hứa Huyền Trân