Tiếng Việt | English

31/08/2020 - 11:09

Nghị lực phi thường của cô gái khuyết tật

Tình cờ gặp Nguyễn Thị Sa Ri, ngụ ấp 6, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhân dịp em được nhận "Mái ấm Công đoàn", chúng tôi không khỏi bất ngờ và khâm phục trước nghị lực phi thường của cô gái mảnh mai, nhỏ bé. Từ một cô bé khuyết tật, em đã cố gắng vươn lên, trở thành vận động viên bơi lội xuất sắc, giành được nhiều huy chương qua các kỳ thi trong nước và quốc tế; đồng thời tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và chia sẻ vốn kiến thức của mình cho trẻ em trong xóm nhỏ.

Nguyễn Thị Sa Ri bên cô con gái nhỏ

Nguyễn Thị Sa Ri bên cô con gái nhỏ

Vượt qua mặc cảm

Là con thứ 3 trong gia đình nghèo, năm lên 3 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã khiến đôi chân của Sa Ri không thể đi lại được nữa. Mãi đến 8 tuổi, em mới được đi học. Hàng ngày, người chị là Nguyễn Thị Mỹ Tiên cõng Sa Ri vượt qua đoạn đường 3km để đến Trường Tiểu học Phước Đông. Sa Ri tâm sự: "Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, em đành phải gác lại ước mơ giảng đường đại học của mình để tìm việc làm, phụ giúp cha mẹ. Nhưng khổ nỗi, lúc này em không thể làm được việc gì khi chưa có một nghề trong tay. Một lần, đọc được tờ rơi giới thiệu về Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Hóc Môn, TP.HCM, em đã quyết định xin cha mẹ cho theo học lớp vi tính văn phòng. Sau 6 tháng học, ra trường, em đi tìm việc khắp nơi nhưng không cơ sở nào nhận vì cho rằng em ngồi xe lăn nên sẽ rất bất tiện trong công việc".

Không đầu hàng số phận, đầu năm 2007, nhờ người quen giới thiệu, Sa Ri lại lên TP.HCM, xin vào làm công việc cắt chỉ cho một công ty thêu vi tính ở quận Tân Bình. Tại đây, Sa Ri may mắn gặp ông Trần Hoàng Minh - chủ Cơ sở hỗ trợ người khuyết tật Mùa Xuân và được nhận vào làm. Sa Ri bồi hồi nhớ lại: "Em vào làm thợ phụ cho xưởng may của bác Minh với tháng lương đầu tiên được 750.000 đồng. Em đã dùng số tiền này mua cho em gái chiếc xe đạp hết 300.000 đồng. Đây là việc ý nghĩa đầu tiên mà em làm được. Khi đó em rất vui vì mình vẫn còn sống có ích, ít nhất là cho những người thân của mình".

Sa Ri chưa bao giờ nghĩ mình có thể bơi lội nếu không có một ngày ông Trần Hoàng Minh chỉ vào em và nói: "Con có khả năng bơi lội được đấy". Và cũng từ đó, người đàn ông tốt bụng xem Sa Ri như con gái đã hàng ngày chở em và những cô gái khuyết tật khác tới hồ bơi để nhìn họ "vùng vẫy" lướt đi trong làn nước. Khi ấy, Sa Ri bắt đầu bộc lộ những khả năng đặc biệt. Trong 6 ngày tập đầu tiên, em đã bơi được 50m trước sự kinh ngạc của ông Minh và nhiều người khác. Từ đó, Sa Ri lao vào luyện tập. Bơi lội đã mang về cho em nhiều huy chương và tiền thưởng, giúp em bước ra khỏi bóng tối của mặc cảm, từng bước giúp đỡ cha mẹ và gia đình nhiều hơn. Những chiếc huy chương trên đánh dấu "cột mốc" rất quan trọng của Sa Ri, bởi với số tiền thưởng từ các tấm huy chương, em đã mua sách tự học; đồng thời tham gia ôn thi đại học. Kết quả, năm 2008, Sa Ri thi đậu vào Trường Đại học Hùng Vương khoa Tiếng Anh. Dù bận rộn việc học nhưng Sa Ri vẫn dành thời gian ôn luyện môn bơi lội và năm 2008, em được chọn tham gia Asean Para Games 4, tổ chức tại Thái Lan. Ở cuộc thi này, Sa Ri đã đem về 2 Huy chương Bạc ở cự ly 50m và 100m ếch. Năm 2009, chỉ trong 1 ngày, Sa Ri đoạt liên tục 3 Huy chương Vàng ở cự ly 50m và 100m ếch, 400m tự do tại Para Games 5, tổ chức ở Malaysia và rất nhiều huy chương khác. Cứ thế, Sa Ri vẫn tiếp tục vượt qua khó khăn, vừa tập luyện, thi đấu cho đội tuyển quốc gia, vừa phấn đấu học tập cho đến khi tốt nghiệp đại học.

Mạnh mẽ đối mặt với số phận

Sau khi ra trường, năm 2012, Sa Ri tiếp tục đi dạy kèm và xin vào công ty bảo hiểm để trực điện thoại. Đến năm 2014, do cha bị bệnh nặng nên Sa Ri về chăm sóc cha và sau khi cha mất, em xin vào làm việc tại Công ty (Cty) TNHH JiaHsin (Khu công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước) cho đến nay.

Sa Ri lạc quan kể cho chúng tôi nghe bằng giọng nhẹ tênh: "Định mệnh đã cướp đi đôi chân của em, nhưng cũng chính định mệnh đã cho em gặp được người đàn ông biết cảm thông, chia sẻ với những vui, buồn của mình. Em quen người đàn ông ấy trong những lần đi tập luyện bơi lội. Cuối năm 2013, em quyết định "xin" người đàn ông ấy một đứa con làm nguồn an ủi. Em sinh bé năm 2014, cháu tên Nguyễn Thiện Duyên, năm học mới này sẽ vào lớp 1. Em tin mình có thể lo lắng tốt nhất cho con mà không phiền đến cha của bé. Năm em mang thai và sinh con cũng là năm cha em bệnh nặng và mất đi. Em cũng không hiểu sao lúc đó mình có thể vượt qua được quá nhiều biến cố như vậy. Nhưng bây giờ, mọi việc với em như vầy là quá hạnh phúc rồi!".

Bộ huy chương "khủng" của Nguyễn Thị Sa Ri

Bộ huy chương "khủng" của Nguyễn Thị Sa Ri

Vào Cty TNHH JiaHsin làm việc, Sa Ri luôn được Ban Giám đốc Cty quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện hoàn thành công việc. Biết được hoàn cảnh và nghị lực vượt khó của em, Công đoàn cơ sở Cty đã đề xuất xây tặng nhà để em ổn định cuộc sống. Hôm cùng Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn cơ sở Cty TNHH JiaHsin đến trao nhà "Mái ấm Công đoàn", chúng tôi ấn tượng nhất là tấm Huân chương Lao động hạng Ba do nguyên Chủ tịch nước - Nguyễn Minh Triết ký tặng cho em được treo một cách trang trọng giữa nhà, cạnh đó là rất nhiều bằng khen của các cấp, các ngành. Sa Ri còn kéo từ trong ngăn tủ nhỏ ra một chiếc túi xách chứa đầy huy chương, phải đến tầm 40 chiếc. Hỏi sao không kể cho các anh chị nghe về các tấm huy chương này, Sa Ri nhỏ nhẹ nói: “Em xấu hổ lắm, có gì đâu để khoe ạ".

Hiện nay, sau giờ làm việc ở Cty, ngày chủ nhật, Sa Ri còn dạy kèm tiếng Anh miễn phí cho những trẻ em trong xóm. Hỏi Sa Ri năng lượng ở đâu để có thể làm được như vậy, trong khi với một người bình thường, khỏe mạnh cũng chưa chắc làm nổi, Sa Ri quay sang ôm con gái vào lòng và nhẹ nhàng đáp: "Dạ!... cuộc sống không bao giờ phụ lòng những ai biết cố gắng vươn lên. Em đã quá may mắn, được nhiều người yêu thương. Giờ, em muốn chia sẻ những gì mình có được cho nhiều người khác, nhất là các trẻ nghèo ở trong xóm em"./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết