Tiếng Việt | English

07/06/2023 - 09:14

Nghĩa trang Đức Hòa - Nơi đồng đội tôi nằm (Bài cuối)

Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Hòa - nơi có gần 500 ngôi mộ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 271

...Sau khi dâng hương lần nữa viếng 62 đồng đội Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 hy sinh ngày 11/5/1972, tôi lên xe máy chạy một mạch trên Đường tỉnh 825 (trước đây là lộ 10) theo chiều ngược lại, về thị trấn Hậu Nghĩa đến Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Hòa - nơi đồng đội tôi yên nghỉ. Nghĩa trang tọa lạc trên diện tích khá rộng và thoáng nhưng số lượng mộ liệt sĩ nơi đây đã gần kín khuôn viên. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn cũng chỉ có trên 10.000 ngôi mộ, trong khi Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Hòa (tỉnh Long An) chỉ là nghĩa trang của 1 huyện thôi, vậy mà đã có gần 6.000 mộ liệt sĩ...

Chẳng nhớ hết đã bao lần về đây kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, nhưng không lần nào tôi lại không rưng rưng xúc động. Tại đây, 5.735 ngôi mộ (chưa kể rất nhiều ngôi mộ tập thể), lô nối lô, hàng nối hàng thẳng tắp, trang nghiêm như năm xưa chúng tôi trước giờ lâm trận.

Các anh ơi! Anh Chương, anh Thiện, anh Hưởng, anh Tam, anh Hinh ơi! Linh thiêng các anh có biết tôi lại về đây với các anh không? Tài ơi, Nhâm ơi! Tao đã về với chúng mày đây!

"...Chúng tao già rồi...

Chúng mày thì trẻ.

Ngàn đời, tuổi vẫn hai mươi..."

(Vương Khả Sơn)

Về lại Đức Hòa... (Bài 1)
Lộc Giang yêu thương (Bài 2)

Chúng mày còn nhớ không? Cái buổi trưa định mệnh ngày 18/5/1972 trong chiến dịch Nguyễn Huệ (phía Việt Nam Cộng hòa là Mùa hè đỏ lửa) cách đây 51 năm, những trái bom chết chóc từ những chiếc A37 của Mỹ lao xuống khu vườn nhà má Tám ở ấp An Thuận, xã An Ninh trong trận càn của Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn đã sát hại 8 đồng đội và làm bị thương nặng 5 đồng đội khác, trong đó có tôi (thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 271).

Thấm thoắt đã nửa thế kỷ có dư, khi các anh ngã xuống và chúng tôi bị thương nặng, thời gian đủ làm cho tôi - chàng trai tuổi 19 thuở ấy giờ trở thành lão già đã vượt qua tuổi "cổ lai hy”, mà sao kỷ niệm vẫn không chịu già! Nó vẫn vẹn nguyên, tươi rói, đeo đẳng và ám ảnh thường trực trong tâm thức tôi như mới ngày hôm qua.

Khi ấy, tôi bị thương nặng, trườn xuống công sự đã thấy anh Chương (Đinh Bạt Chương, quê xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) ngồi dựa vào thành hầm, máu tuôn lênh láng. Anh gục đầu vào ngực tôi, tắt thở, không một lời trăn trối.

Trong trận này, 2 đồng đội nhập ngũ cùng ngày với tôi là Tài (Hoàng Xuân Tài, quê xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) và Nhâm (Võ Nhâm, quê xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cũng hy sinh.

Phần mình, tôi bị sức ép của bom làm bật máu; ngực đau như có cánh tay sắt bóp chặt lại; tai ù đặc vì thủng màng nhĩ; sống lưng đau nhói vì bị khúc cây văng đập mạnh vào cột sống. Cũng may là tôi nằm trên mặt đất. Vì đào xong công sự, quá mệt, tôi vứt xẻng, lăn ra ngủ vùi không biết gì, nếu tôi chui xuống ngồi dưới công sự như anh Chương thì đã cùng chung số phận với anh rồi. Công sự trú ẩn chỉ có một cửa, khi bom nổ gần, sức ép nén vào lòng hầm không thoát ra được, gây vỡ buồng tim, làm cho anh Chương chết ngay tức khắc…

Như vậy là vừa tròn 1 năm, sau ngày nhập ngũ, Tài và Nhâm hy sinh, còn tôi bị thương lần thứ 2 (lần đầu là ngày 04/5/1972)…

Tác giả Vương Khả Sơn xúc động bên mộ đồng đội từng một thời chiến đấu bên nhau

Nghĩa trang này có gần 500 đồng đồng đội của Trung đoàn 271 chúng tôi đã yên nghỉ tại đây. Có một điều tôi cứ trăn trở là bao lần về đây viếng hương linh đồng đội, tôi đã cố gắng tìm mà chưa lần nào thấy mộ Võ Nhâm và mộ anh Hưởng (quê TP.Vinh, tỉnh Nghệ An). Riêng Thiện (quê xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) bị thương quá nặng, đêm đó chuyển về phẫu tuyến sau rồi hy sinh vào ngày sau đó (19/5/1972), hiện gia đình và đồng đội vẫn chưa tìm được mộ…

Về chiến trường xưa, ký ức như sống lại những năm tháng ấy, tôi sẽ nhớ mãi tình cảm của những bà con, cô bác đã hết lòng thương yêu đùm bọc, che chở và nuôi dưỡng chúng tôi!./.

Vương Khả Sơn

Chia sẻ bài viết