Tiếng Việt | English

15/06/2018 - 00:55

Nhà văn, nhà báo trọn đời gắn bó với nông dân Đồng bằng sông Cửu Long

22 tuổi, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chàng trai xứ Thanh tình nguyện đi B (chiến trường miền Nam chống Mỹ) rồi gắn bó với phong trào nông dân yêu nước vùng ven và được các má, các chị nuôi như con, em trong nhà. Từ đó, anh xem đây là “món nợ nghĩa tình” đặt lên vai trong suốt hơn 40 năm gắn bó với nghề văn, nghề báo và đồng hành với nông dân.

Nhà báo Khuynh Diệp trong những ngày “cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn...”

Nhà báo Khuynh Diệp trong những ngày “cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn...”

1. Sau bao ngày vượt đường mòn Trường Sơn mưa bom bão đạn, anh vào Tây nguyên rồi vào Khu ủy Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (I.4) nhận công tác. Sau ngày 30/4/1975, anh chuyển về Hội Văn nghệ giải phóng Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn và cùng TS. Phan Đăng Nhật (con trai Phan Đăng Lưu) ở Viện Khoa học dân gian, xuất bản Tạp chí Folklore. Năm 1983, nhờ cơ duyên được gặp ông Trần Bạch Đằng, anh trở lại Sài Gòn công tác tại Hội Nông dân Việt Nam rồi sáng lập Báo Nông dân Việt Nam - tiền thân Báo Nông thôn ngày nay (NTNN) và làm báo này cho tới tuổi hưu (2007).

Trở về với đời thường, anh vẫn đi và viết cho khá nhiều báo: Long An, Sài Gòn Giải Phóng, Đại Đoàn Kết,... đồng thời tham gia sáng tác văn học. Đến nay, anh cho ra đời 7 tác phẩm gồm thơ, truyện ngắn, bút ký,... Tập sách “Nông dân và ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau năm 1975” được nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý nông nghiệp đánh giá là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện về vùng ĐBSCL sau năm 1975. Đây là thành tựu của quá trình “cọ xát” với đời sống nông dân qua từng thời kỳ và tấm lòng “vì nông dân” với câu hỏi “Biết lấy gì trả nghĩa vùng ven?”.

2. Anh vừa tặng tôi tập thơ Trả Nghĩa và tập ký sự và bút ký Người Làng Tân Bình.

“... Biết lấy gì trả nghĩa vùng ven/ Khi mẹ, khi em giấu tôi trong hầm bí mật/ Khi cả ấp nhiều đêm thức trắng/ Chiến dịch “Phượng Hoàng” chúng bắt chẳng chừa ai...” - Mở đầu tập thơ Trả Nghĩa, anh trải gan ruột như vậy, vì đó là “món nợ ân tình” mãi trăn trở lòng anh!

Với Người Làng Tân Bình, anh dành phần đầu trích Nhật ký Trường Sơn. Mở đầu là ngày 20/4/1971, anh cùng đồng đội đi vào tuyến lửa Trường Sơn với nón tai bèo và sắc áo giải phóng quân. Có đêm, anh ôm ba lô ngồi dưới gốc cây “chịu trận” vì chưa rành mắc võng và căng tấm tăng che mưa. Mưa Trường Sơn, vắt Trường Sơn, ai nhớ mà không rùng mình! Đi cùng đoàn với anh có những cô gái 18-20 tuổi ngành y. Có cô đuối sức lê từng bước khó nhọc. Có cô bị sốt rét rừng quật ngã dọc đường. Anh và đồng đội phải băng rừng khiêng cáng, đưa từng cô qua dốc núi để về binh trạm chữa bệnh, điều dưỡng. Nhưng, hễ khỏe lại là các cô lại đi, không có cô nào bỏ cuộc. Giữa Trường Sơn, anh gặp đoàn văn nghệ ở Hà Nội đi phục vụ chiến trường. Có người đang lên cơn sốt vẫn ôm đàn dạo nhạc và hát. Có người quay phim. Có người đạo diễn điện ảnh,... Suốt những trang trích Nhật ký Trường Sơn của anh tràn ngập mưa, sốt rét rừng và đậm tình đồng chí, đồng đội - không có ai bị bỏ lại phía sau. Máy bay Mỹ thì không ngớt đánh bom, bắn phá trên từng thước đại ngàn Trường Sơn - lối các anh đi!

Ký sự và bút ký Người Làng Tân Bình không chỉ mỗi làng Tân Bình do người dân Tân Bình (TP.HCM) thiếu đất sống, rời đi xây dựng kinh tế mới ở các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên. Giờ đây, trên đất mới đã thành quê hương máu thịt của họ là nông trường cao su, là trang trại điều, là rẫy cà phê, rẫy cây ăn trái trù phú; mà còn 18 bút ký, ký sự: Cửa nắng, Ngược dòng sông Sở Thượng, Mùa mưa ở Đa Kui, Trên quê hương Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Trả nghĩa với vùng ven, Tượng đài trên đất thép Củ Chi, Cảm xúc Bắc Trà Mi, Tìm anh hùng trong Đồng Tháp Mười, Người miền Tây, Phía ấy có Láng Le - Bàu Cò, Bà đỡ của cây cao su Việt Nam, Đam San thời @, Trở lại Phú Cần, Khi trực thăng đã hạ cánh, Khởi nghiệp từ Côn Đảo, Ra Trường Sa trồng rau, Những cung đường thành phố và kết thúc bằng Ấn tượng Láng Sen (Long An), cho thấy anh chịu đi và tích lũy vốn sống khá phong phú, nên viết rất hăng. Ở anh, tác phẩm nào cũng ngồn ngộn tư liệu về những chuyện “mắt thấy, tai nghe” - đều là “người thật, việc thật” và được viết đậm chất văn học. Tìm anh hùng trong Đồng Tháp Mười, anh khắc họa chân dung Anh hùng Lao động Bùi Hữu Nghĩa, một cựu chiến binh Long An “tay trắng làm nên” máy gặt xếp dãy, máy gặt đập liên hợp,... và nghiễm nhiên trở thành một kỹ nghệ gia có tiếng ở Đồng Tháp Mười. Bút ký Trả nghĩa với vùng ven phác thảo những người dân hiến đất, chấp nhận di dời để mở đường cho phát triển. Giờ đây, trên những rẻo đầm lầy mịt mùng cỏ dại từ bao đời qua đã hiện lên từng khu đô thị mới, khu công nghiệp mới. “... Đứng trên cầu Cần Giuộc của đại lộ Nguyễn Văn Linh, nghĩ tới một Sài Gòn - TP.HCM của tương lai, câu hỏi “Biết lấy gì trả nghĩa với vùng ven” thổn thức trong tim tôi đã được giải tỏa chín phần” - anh kết bài bút ký, khi nhìn vùng ven khởi sắc đô thị hiện đại, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ước mơ...

Nhà báo Khuynh Diệp cùng các đồng nghiệp tác nghiệp ở vùng Đồng Tháp Mười mùa lũ

Nhà báo Khuynh Diệp cùng các đồng nghiệp tác nghiệp ở vùng Đồng Tháp Mười mùa lũ

3. Với tôi, anh là một nhà báo chỉn chu, kỹ lưỡng trong từng công việc. Bao lần đi Đồng Tháp Mười với anh, tôi thấy lúc nào anh cũng lên kế hoạch thật chi li. Đi địa phương nào, đến cơ quan, đơn vị nào, gặp ai, trao đổi việc gì,... anh đều ghi sổ tay, chớ không tùy hứng. Khi trao đổi với ai, gặp bất cứ điều gì có ý nghĩa là anh ghi ngay vào sổ. “Ghi vậy, coi như mình hoàn thành 70% bài viết rồi. Về nhà mở máy tính, chỉ nhìn vào sổ tay là viết, khỏi mất nhiều thời giờ” - anh bảo thế. Đi với anh là phải chịu “cày” dù có băng đầm lầy mùa khô cỏ cháy hay mùa lũ nước dâng lênh láng. Có lần, lũ “xé rời” từng đoạn đường đi thị trấn Vĩnh Hưng, anh vẫn vác ba lô lên vai, rời thị trấn Mộc Hóa ngập nước. “Vầy nhằm nhò gì so với đi đường Trường Sơn thời Mỹ đánh phá ác liệt” - anh nói và cười trấn an tôi. Dò từng bước trên đường ngập lũ lở lói hết buổi chiều, rồi anh và tôi cũng đến UBND huyện Vĩnh Hưng theo kế hoạch. Giờ đây, tôi mới nghiệm ra: Phải đi thực tế, quan sát hình ảnh dọc đường gây cảm xúc và ghi sổ tay, chụp ảnh. Đó chính là nguồn “tư liệu sống” để tích lũy, khi nào viết là lấy ra. Có những tư liệu chưa viết được ngay, mà để lâu qua độ chín tư duy, trải nghiệm,... rồi viết sau, dù là phóng sự hay bút ký, ký sự,...

Bài viết này chỉ sơ phác đôi nét về anh - nhà văn, nhà báo lão thành Phạm Ngọc Diệp (bút danh Khuynh Diệp), bạn đồng nghiệp mà tôi quý mến - để kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6./.

Ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết