Nhạc sĩ, thầy giáo Lê Long Phiên
Nhạc sĩ Lê Long Phiên sinh ra và lớn lên ở xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Đây từng là vùng quê nghèo, vùng kháng chiến cũ của quân và dân Long An. Còn ngày nay, Bình Hòa Nam ngút ngàn màu xanh của lúa, mía, chanh và những dòng kênh xanh len lỏi vào tận xóm. Cuộc sống người dân nơi đây dần đổi thay. Nhà ngói, tường cao thay cho những mái lá, mái tranh, vách tre, vách đất. Những tuyến đường bêtông thay cho những con đường liên xóm lầy lội ngày nào. Nhìn quê hương đổi mới, người dân Bình Hòa Nam vô cùng phấn khởi, trong đó có nhạc sĩ, thầy giáo Lê Long Phiên. Nhạc sĩ Lê Long Phiên nói: “Tôi yêu quê hương mình, tôi mang ơn nơi mình được sinh ra và lớn lên. Tôi nguyện đem tình yêu và tâm huyết của mình để phục vụ quê hương”.
Nhạc sĩ Lê Long Phiên tâm sự, âm nhạc “chọn” anh như một cái duyên không định trước bởi anh chưa bao giờ có ý định sẽ theo đuổi hoạt động nghệ thuật. Cơ duyên nghệ thuật đến với anh vào năm 2008, khi đang là kỹ sư công nghệ thông tin. Với niềm đam mê âm nhạc, Lê Long Phiên theo học lớp guitar và “bén duyên” với sáng tác qua sự hướng dẫn của thầy, cô dạy nhạc. Ban đầu, việc sáng tác cũng gặp nhiều khó khăn. Nhạc sĩ lắng nghe góp ý của những người đi trước để dần hoàn thiện hơn các sáng tác của mình. Năm 2009, anh bắt đầu sáng tác với những bài hát đầu tiên như Bến xưa đợi chờ, Nhánh hoa lục bình, Vầng trăng nhạt nhòa,...
Sau thời gian hoạt động tại TP.HCM, nhạc sĩ Lê Long Phiên quyết định về Long An bởi anh hiểu rõ bản thân cần gì cho sự nghiệp sáng tác. Vốn có thế mạnh trong dòng nhạc dân ca, anh chọn về lại quê nhà để có thêm chất liệu và cảm xúc cho những “đứa con tinh thần”. Những bản tình ca ngọt ngào do anh sáng tác đều mang dáng dấp câu hò, lời ru của mẹ, những mối tình quê đậm đà, giản dị. Nói về quê hương và mẹ, nhạc sĩ Lê Long Phiên cho biết: Anh mồ côi cha từ lúc lên 6 tuổi nên mẹ vừa là mẹ, vừa là cha. Đó cũng là lý do mà âm nhạc của anh có nhiều bài viết về mẹ.
Vốn yêu thích dòng nhạc quê hương, lại mong muốn có thể đóng góp điều gì đó cho quê mẹ nên anh sáng tác ca khúc Long An khúc ca ân tình bằng chính cảm xúc, trải nghiệm của bản thân và tình cảm dành cho quê hương. Bài hát được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông, với anh là một niềm hạnh phúc to lớn và cũng là áp lực không hề nhỏ khi tiếp tục sáng tác các bài hát về quê hương. Thời gian gần đây, Long An khúc ca ân tình được nhiều người biết đến và sử dụng khá phổ biến. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của người sáng tác.
Nhạc sĩ Lê Long Phiên cho rằng: “Khi sáng tác một ca khúc về quê hương phải có sự khác biệt, tránh trùng lặp về ý tưởng lẫn thể loại nhạc”. Ca khúc Long An khúc ca ân tình đã khái quát về vùng đất Long An, trải dài từ vùng thượng đến miền hạ và vùng Đồng Tháp Mười. Khi ngân nga ca khúc này, người Long An như cảm thấy làng quê, xứ sở mình ở trong ca khúc đó: “Đức Huệ ơi, khúc ca niềm tin chiến thắng, ghé thăm Bình Thành còn nghe tiếng vọng quê hương... Ơi ơi đó Long Sơn đưa bước anh sang Tân Trụ để tìm người em bến thương nhớ Châu Thành... Ngược Vàm Cỏ Tây về Thủ Thừa, Thạnh Hóa, bông tràm hương nồng Tân Thạnh nhớ làm sao. Kiến Tường nay đổi thay cùng Mộc Hóa ngát hương sen, vùng Đồng Tháp Mười ơi…”.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Lê Long Phiên cũng sáng tác các ca khúc nhạc trữ tình Bolero với âm hưởng dân ca như: Duyên tình lý đậu non, Giọt sầu, Trăng quê bến đợi, Bóng trăng sầu, Tiếng song lang, Vầng trăng nhạt nhòa, Nhánh hoa lục bình, Tự tình An Giang, Về thăm quê mẹ Long An,... được công chúng gần xa đón nhận. Như ca khúc Lý đậu non có đoạn “... Hò ơ... đậu non em tưới nước ngoài đồng, anh về Hòa Khánh nhớ dặn lòng thăm em. Có phải duyên thì cùng nhau chăm bón vun trồng, cho mùa về sai trái... Cho tình mặn nồng yêu thương...” hay bài Về thăm quê mẹ Long An có đoạn “... Em trong tay anh ta về quê mẹ Long An, lâng lâng hương say ngọt ngào lúa non trên đồng. Ơi Long An tình quê thắm mãi câu ca. Vàm Cỏ Đông chiều buông sóng vỗ đôi bờ...”.
Lê Long Phiên không chỉ là nhạc sĩ mà còn là thầy giáo nên anh cũng rất thiết tha với đề tài về giáo dục với một số tác phẩm như Niềm tự hào THPT Đức Hòa, Hành khúc học sinh Đức Huệ, Mai xa trường,... Sau ca khúc Long An khúc ca ân tình, anh còn sáng tác bài Hát vang Long An trung dũng kiên cường theo thể loại nhạc hành khúc dành cho thiếu nhi. Sở dĩ anh chọn hành khúc vì đây là loại nhạc với tiết tấu mạnh mẽ, dứt khoát. Qua bài hát, anh mong muốn học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của thế hệ cha anh. Bài hát này được thu âm và ghi hình với phần biểu diễn của các em thiếu nhi Nhà Thiếu nhi Long An. Tác phẩm Hát vang Long An trung dũng kiên cường cũng được chọn đưa vào sách Giáo dục địa phương lớp 10 của tỉnh.
Nhạc sĩ Lê Long Phiên chia sẻ: “Thời gian tới sẽ cho ra mắt các bài hát về Đức Hòa, Đức Huệ, Vĩnh Hưng và những vùng quê khác trong tỉnh”. Đây là điều anh mong mỏi từ lâu và vẫn kiên trì thực hiện. Muốn viết cho mỗi địa phương một bài thì cần hiểu rõ đặc thù về văn hóa, kinh tế, con người nơi đó, thể loại nhạc cũng không được trùng lặp, nếu không dễ bị gây nhàm chán. Và nhạc sĩ cũng cần làm mới mình, làm mới tác phẩm của mình. Khi viết về quê hương, anh luôn muốn sáng tác hoàn chỉnh nhất, cảm xúc nhất và thể hiện rõ nét nhất hình ảnh quê hương.
Quê hương vẫn mãi là niềm tự hào và là nguồn động viên, nguồn cảm hứng trong việc sáng tác. Vì vậy, trong nhiều bài hát của mình, nhạc sĩ Lê Long Phiên đã khắc họa hình ảnh quê hương chân thật, gần gũi và dạt dào cảm xúc: Nghe sóng xô tình quê, câu hát giao duyên âm vang đôi bờ, phải mối duyên theo anh về Cần Giuộc. Ai, ai về Tân An nghe khúc ca bao ân tình, ai về phương Nam luôn nhớ mãi Long An./.
Nhạc sĩ Lê Long Phiên nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông lần thứ VI năm 2022. Anh là tác giả trẻ tuổi nhất tỉnh Long An được nhận giải thưởng này từ trước đến nay.
Ngoài ra, anh còn nhận nhiều giải thưởng như giải ba sáng tác ca khúc Đồng bằng sông Cửu Long với tác phẩm Hương dừa tình quê; đồng giải chất lượng tốt nhất tỉnh An Giang năm 2022 với ca khúc Tự tình An Giang; giải khuyến khích sáng tác ca khúc Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 với tác phẩm Tình đất mẹ Cửu Long và giải B cuộc vận động Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022 với tác phẩm Ngày xuân mãi luôn có Bác.
Nhạc sĩ, thầy giáo Lê Long Phiên
|
Việt Sơn