Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn. Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân Nam bộ họp phiên cấp tốc bàn việc thực hiện chủ trương kháng chiến chống giặc. Hội nghị thông qua Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ trở thành “địa chỉ đỏ”giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
3 ngày sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ, ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vào Nam bức thư trích lời của một nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”. Trong thư, Người nhấn mạnh: “Chúng ta nhất định thắng lợi, vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân, chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa…! Việt Nam độc lập muôn năm! Đồng bào Nam bộ muôn năm!”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, quân và dân Nam bộ hừng hực khí thế Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền… Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước. Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng (lời bài hát Nam bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn).
Với vị trí địa lý đặc biệt nằm sát thành phố lớn, 2 tỉnh Tân An - Chợ Lớn là nơi trực tiếp bị uy hiếp trước tiên so với các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, khi Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến mới, vùng đất này một lần nữa được vinh dự gánh vác nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa không những cho phong trào cách mạng của tỉnh mà còn cho cả khu, thành phố Sài Gòn và cả Nam bộ. Chính tại nơi này, những cơ quan bí mật của Đảng, chính quyền, lực lượng du kích vũ trang vẫn hoạt động với sự chở che, đùm bọc của nhân dân.
Nổi bật phải kể đến chiến khu Đồng Tháp Mười, 1 trong 3 chiến khu lớn của Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Với địa hình trống trải, bằng phẳng, mùa mưa nước ngập mênh mông, không có rừng núi hiểm trở che chắn như nhiều chiến khu khác, lại nằm sát nách Sài Gòn, ấy vậy mà trong suốt những năm chiến tranh, chiến khu Đồng Tháp Mười vẫn đứng vững hiên ngang trước mọi sức mạnh hủy diệt của bom đạn kẻ thù.
Mô hình tái hiện lại khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp
Tại đây từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: Thành lập Bộ Tư lệnh Khu 8, thành lập Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, phát sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Nam bộ,... Văn phòng Xứ ủy Nam bộ ở phía sau nhà má Tám (Võ Thị Thay) bên bờ kênh Dương Văn Dương là nơi đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, làm việc, tổ chức hội nghị với các đồng chí Thường vụ Xứ ủy, xứ ủy viên, lãnh đạo Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ,... Còn ngôi nhà ông Nguyễn Văn Siêu (ông Hai Độc Lập) là nơi ở của đồng chí Lê Duẩn.
Ngoài ra, nhà ông Giáo Mười ở xã Nhơn Hòa Lập là nơi làm việc của Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Sở Tài chánh Nam bộ thì đóng tại nhà ông Châu Tấn Túc - nơi những tờ giấy bạc Cụ Hồ được in và sử dụng rộng rãi trong vùng kháng chiến lúc bấy giờ. Văn phòng Bộ Tư lệnh Khu 8 nằm trên phần đất ông Trần Kiện Toàn và ông Lê Văn Dầu. Sở Công an Nam bộ đặt tại nhà ông Nguyễn Văn Cầu, Phòng Bào chế y dược của Sở Y tế Nam bộ đặt tại nhà ông Trần Văn Châu và Nhà in Nam bộ ở nhà bà Bùi Thị Luận,… “Cả Nam bộ đều có mặt ở Đồng Tháp Mười” là như thế!
Có dịp trở lại vùng căn cứ cách mạng năm nào, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay. Nơi lưu dấu những chiến công của quân và dân ta nay đã khoác lên mình “chiếc áo mới”, đời sống người dân ngày một ấm no. Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) - “Việt Bắc miền Nam” cũng được xây dựng khang trang, trở thành “địa chỉ đỏ” để tổ chức các chuyến du khảo, Về nguồn và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Còn nhớ mấy năm trước, trong một lần đến thăm nhà ông Nguyễn Hoàng Văn (SN 1949, ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập, cháu nội của ông Nguyễn Văn Siêu), chúng tôi được nghe ông kể lại những câu chuyện chiến đấu của quân và dân ta ngay tại chiến khu Đồng Tháp Mười này. Ông nói: “Trong kháng chiến chống Pháp, các vị lãnh đạo của Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ sống, làm việc ngay trong nhà dân và được nhân dân hết lòng bảo vệ, tạo mọi điều kiện để các đồng chí lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thành công”.
Đoàn viên thanh niên xã Nhơn Hòa Lập chăm sóc cây, nhỏ cỏ trong khuôn viên khu di tích
Tự hào trước truyền thống cách mạng của quê hương, em Lâm Ngọc Phương Trang - học sinh lớp 12, Trường THCS và THPT Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, chia sẻ: “Được sinh ra trong thời kỳ đất nước hòa bình, độc lập, em luôn trân quý sự hy sinh của cha ông để chúng ta có được ngày hôm nay. Với sức trẻ, em nguyện học tập, rèn luyện, cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, viết tiếp trang sử vẻ vang Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Tính đến ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Nam bộ trải qua hơn 15 tháng chống xâm lược sau khi hưởng tự do, độc lập. Trong những năm tháng hào hùng ấy, cùng với cả Nam bộ, quân và dân Tân An - Chợ Lớn tỏ rõ lòng yêu nước quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng, góp phần làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của địch, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến trường kỳ sau này đi đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
74 năm trôi qua nhưng hào khí Nam bộ kháng chiến vẫn còn vang vọng như bản anh hùng ca bất tử của Nam bộ thành đồng “đi trước, về sau”. Hào khí ấy mãi mãi là nguồn động lực cho thế hệ hôm nay và mai sau phấn đấu vươn lên đạt những thành tựu mới./.
An Kỳ