Tiếng Việt | English

25/12/2019 - 10:20

Nhớ ông Giám đốc duyệt bài lúc 5 giờ sáng

Đang trên đường đi tác nghiệp ở miền Tây, đọc Facebook của một đồng nghiệp ở Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, biết tin chú Tư Vũ qua đời, tôi thất thần, buồn bã, bởi thương tiếc chú Tư một phần, phần khác là sự ân hận muộn màng khi mấy chục năm qua, lo chạy theo “cơm áo gạo tiền” đã lơ là thăm hỏi những tiền bối trong nghề báo mà mình có cơ may tiếp cận để học hỏi. Chú Tư Vũ là một trong những người đáng quý như thế.

Chú Tư Vũ đã tổ chức đào tạo một lớp phóng viên yêu nghề cho Đài Phát thanh - Truyền hình Long An (ảnh: Tấn Tú)
Chú Tư Vũ đã tổ chức đào tạo một lớp phóng viên yêu nghề cho Đài Phát thanh - Truyền hình Long An (ảnh: Tấn Tú)

Ủng hộ cái mới, khuyến khích cái mới 

Từ năm 1978 đến 1983, tôi có duyên làm cộng tác viên của Đài Phát thanh Long An hai giai đoạn, thuộc hai lĩnh vực khác nhau. Trong chiến tranh biên giới và những năm đầu làm nghĩa vụ quốc tế, tôi là thông tin viên của Tỉnh đội chuyên cộng tác với Báo Long An và Đài Phát thanh Long An. Chuyên môn nghiệp vụ báo chí gần như tay trắng, chỉ được dự lớp tập huấn 3 ngày ở Cục Chính trị Quân khu 9. Đơn vị đóng chốt ở Long Khốt, thông tin liên lạc và đi lại cách trở nên khi tôi tới nơi chỉ học được ngày cuối cùng. Người thầy nghiêm túc, sâu sắc, cẩn trọng, nhạy cảm về mảng thời sự chính trị là chú Chín Nhẫn (cố nhà báo Phan Văn - Phó Giám đốc Đài Phát thanh Long An). Ông chăm chút từng con chữ để thể hiện thật chính xác nội dung và cả tính chất của sự kiện. Ví dụ, tôi viết là đơn vị A “gấp rút” hành quân, ông sửa lại là “khẩn trương” hành quân vì chữ gấp rút chưa chặt chẽ, dễ hiểu theo nghĩa là làm gấp, có thể là làm ẩu. Đó là những bài học rất quý báu cho người mới vào nghề.

Khi chú Chín Nhẫn chuyển về Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, chú Tư Vũ về làm Phó Giám đốc đài, tôi cũng chuyển về Báo Long An, chỉ cộng tác với đài chương trình Câu chuyện truyền thanh. Thời điểm đó, chuyên mục này thực hiện khá đơn giản, chưa hấp dẫn.

Ê-kíp thực hiện chương trình gồm anh Thân Công Nhơn - họa sĩ trình bày báo làm “chủ xị”, anh Lê Đại Trí và tôi viết kịch bản kiêm diễn viên, ngoài ra còn có các phóng viên Báo Long An (Trần Thị Vẹn, Dương Kim Hoàng), chị Liễu, Thu (điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Long An (Bệnh viện A). Chính thời gian này, được tiếp cận với chú Tư Vũ, chúng tôi lại có thêm bài học mới.

Lần đầu tiếp xúc, chưa thân quen nhưng khi nghe chúng tôi đề xuất ý tưởng, ông không nghi ngại trước một ê-kíp làm chương trình gồm những người nhiều ngành, nghề, ngoài anh Nhơn có học qua trường kịch nghệ, số còn lại không ai có chuyên môn. Chúng tôi trình bày ý tưởng xây dựng chương trình theo mô-típ của chương trình Gia đình Bác Tám trên Đài Phát thanh Sài Gòn trước đây. Mỗi chương trình là một tiểu phẩm, có cấu trúc gút - mở, có xung đột, mâu thuẫn, cao trào, kết thúc. Đặc biệt, các nhân vật chính phải cố định, nhân vật phải có cá tính nhất quán để người nghe quen thuộc, thành một dấu ấn.

Nghĩ là sẽ bị bắt bẻ, phải vất vả để thuyết phục ông tin tưởng nhưng thật bất ngờ, nghe xong, ông không khen, không chê mà gút gọn: Chương trình này, đài đã và đang làm nhưng nếu có ê-kíp làm hay hơn thì sẽ duyệt.

Chúng tôi bạo gan làm thử vài kịch bản và ông cho Phòng Văn nghệ thu âm, sau đó phát ngay tiểu phẩm đầu tiên. Ê-kíp này thực hiện được nhiều năm, sau khi tôi đi học một thời gian mới tan rã. Trong thời gian dài cộng tác ấy, ông chỉ đưa định hướng chính trị dài hơi, còn cụ thể hóa thành đề tài tiểu phẩm, chúng tôi hoàn toàn chủ động. Ông chỉ duyệt kịch bản, duyệt băng ghi âm mà không can thiệp nội dung.

Chú Tư Vũ

Chú Tư Vũ

Đang ngủ bị đập cửa vẫn không giận, trách 

Ký ức đáng nhớ là một lần vào dịp tết, tôi muốn dựng tiểu phẩm vui cho chương trình tết nên viết vở hài Tôn Sĩ Nghị què giò. Thời ấy, đài có ban nhạc do bác Hai Cổ phụ trách và mấy anh nhạc công. Tôi bạo gan “điếc không sợ súng” đưa vào tiểu phẩm mấy câu hò Đồng Tháp và bài Lý con sáo. Do cách tính thù lao thời ấy trả tiền theo số lượng vai, mỗi vai được 10 đồng nên để giúp anh em có thêm chút ít tiền ăn tết, tôi “ăn gian” sáng tác đến 13 vai, mỗi người có thể đóng 2 vai (phải cố gắng giả giọng khác nhau).

Viết xong kịch bản đã hơn 4 giờ sáng, tôi quên cả giờ giấc, tức tốc chạy xuống nhà ông ở cư xá phường 3 đập cửa. Còn đang ngủ, ông lục đục thức dậy mở đèn, mở cửa, không chút bực dọc nhìn tôi chưng hửng.

Vụ gì gấp mà tới sớm dữ vậy? Tôi đưa xấp bản thảo viết tay, hào hứng trình bày: Duyệt chương trình tết chú Tư. Kỳ này làm đặc biệt có ca nhạc phải tập lâu mới ráp được. Ông cầm xấp bản thảo ngồi xuống ghế, lấy kính đọc một hơi rồi mỉm cười ký duyệt.

Tôi sướng rân chạy đi thuê người đánh máy mà không nhớ có cảm ơn, xin lỗi ông hay không. Mọi chuyện xuôi thuận, diễn viên nhập vai tốt, giọng nào ra giọng đó. Chị Trần Thị Vẹn hò Đồng Tháp khỏi chê nhưng đến khi Dương Kim Hoàng ca Lý con sáo thì bị sượng, đoạn đầu trơn nhưng đoạn sau không ăn nhịp. Anh nhạc sĩ Trọng Ánh gãi đầu, gãi tai không biết tại sao. Bác Hai Cổ bước tới cầm kịch bản xem, lẩm nhẩm một lát rồi gõ đầu tôi: “Viết thiếu một câu làm sao đúng nhịp được!”. Cả nhóm cười ồ. Cuối cùng là kết thúc vui, chúng tôi phấn khởi vì có thêm chút tiền ăn tết, bạn nghe đài có lẽ cũng vui với chương trình là lạ. Vui nhất là không bị chú Tư rầy rà tiếng nào về cái tội không có “võ” mà dám “múa gậy rừng hoang”.

Với tôi, đó là bài học nhớ đời. Khi trải qua nhiều môi trường công tác khác, tôi mới hiểu ra những thất thố trong ứng xử của mình. Nếu gặp một ông giám đốc không đến nỗi khắt khe, chỉ cần một chút nguyên tắc, một chút giữ kẽ thì không những cái tiểu phẩm thức sáng đêm của tôi bị vứt sọt rác mà bản thân cũng bị ảnh hưởng. Mãi sau này tôi mới hiểu, chú Tư không dễ dãi mà ông thiết lập khung và để cho cấp dưới một không gian độc lập để hoạt động, phát triển tự do, sáng tạo.

Chính nhờ phong cách phóng khoáng ấy mà vào cuối thập niên 1980, tôi ở Báo Long An, kết hợp nhà báo Mai Phương của Đài Phát thanh Long An có thể thong dong đi làm phóng sự ở những vùng “nóng sốt” của Đồng Tháp Mười, phản ánh những vướng mắc, bất cập của địa phương trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang kinh tế thị trường, những vướng mắc giữa cơ chế chung là quản lý lương thực tại địa phương với chủ trương khai thác tiềm năng Đồng Tháp Mười...

Bản lĩnh, tầm nhìn xây dựng truyền hình

Điều này chứng tỏ rõ rệt khi chú Tư làm Giám đốc đài trong giai đoạn chuyển tiếp, nâng cấp từ Đài Phát thanh lên thành Đài Phát thanh - Truyền hình Long An. Chú Tư đã vượt qua và thực tế cho thấy, ông có tầm nhìn xa, quyết đoán đúng những vấn đề thiết yếu cho tương lai. Chẳng hạn, một trong những vấn đề kỹ thuật là cây ăng-ten. Thời đó, bưu điện phát triển trước đã có ăng-ten phát sóng lớn, chưa sử dụng hết công suất nên có ý kiến cho rằng, đài không cần làm ăng-ten riêng, tốn kém, có thể dùng chung với bưu điện, chú Tư kiên quyết đấu tranh phải có ăng-ten riêng. Ý kiến trên chỉ phù hợp vào thời điểm ấy vì công suất sử dụng của bưu điện và đài đều nhỏ, thời lượng phát sóng ngắn. Bây giờ với thời lượng 24 giờ/ngày và nhiều kênh khác nhau cho thấy, dự kiến của ông là chính xác.

Bản lĩnh và tầm nhìn của ông là song song với đầu tư kỹ thuật, còn kịp thời tuyển dụng, đào tạo một lớp phát thanh viên, phóng viên truyền hình trẻ, giàu năng lực. Đến nay, đa số những phóng viên trẻ thời đó đã trưởng thành và trở thành những trụ cột của đài.

Trong hồi ức của những cán bộ, phóng viên của đài thời chú Tư còn tại vị, có lẽ hình ảnh lắng đọng vẫn là nụ cười đôn hậu thường trực trên môi, sự ủng hộ, khuyến khích cho cái mới. Đó là những quyết sách đúng đắn cho sự phát triển chung mà không vướng mắc, lấn cấn riêng - tư.

Vĩnh biệt chú Tư, lời tiếc thương muộn màng chắc rằng với lòng khoan dung, chú sẵn sàng lượng thứ. Nhớ về chú, chúng ta cùng chiêm nghiệm lại mình để có bước tiến trong nghề nghiệp và nhân cách./.

Anh Kiệt

Chia sẻ bài viết