Tiếng Việt | English

14/08/2015 - 20:15

Nhớ run người món canh uôi "ma thuật" của bà

Canh uôi không không thể thiếu thứ gia vị đặc trưng là hạt khẻn (người Thái vùng Tây Bắc thường gọi là hạt mắc khén), rắc vào nồi canh làm dậy lên thứ mùi thơm làm người ốm cũng phải bật dậy, trẻ ham chơi cũng tự giác tìm đường về nhà

Thuở bé, có một thời gian bố mẹ gửi tôi cho bà ngoại nuôi để tiện đi học. Nhà bà, tôi không làm thơ đâu, một nếp tranh nằm êm kín giữa một vườn cây xanh mát, trông ra một khe suối nhỏ. Tôi thời ấy ương lì khó bảo, học thì lười, chỉ thích lăn lê leo trèo khắp các chạc cây, hộc đá trong vườn. Tuổi bảy mươi của bà sóng sánh như bát nước chè, vẫn thường phải bất lực trước những trò nghịch tinh của đứa cháu. Mỗi khi dọa nạt, dỗ dành hay giả bộ buồn rầu không còn có tác dụng với tôi nữa, bà lại tung tuyệt chiêu mà cả trăm lần tôi đều thúc thủ như một. Ấy là đem món canh uôi ra làm phần thưởng nếu tôi chịu nghe lời.

Như nhiều món ăn khác của người Thái chúng tôi, canh uôi không có cách chế biến phức tạp. Thứ làm nên tinh túy của món ăn chính là nguyên liệu tươi ngon và gia vị đặc sắc. Chỉ toàn là sản vật quanh nhà: Cá dưới khe, rau dền cơm ngoài vườn, rau thơm trồng trước hiên, nắm gạo tẻ nương trong bồ và nhánh hạt khẻn, chùm tiêu sọ lúc nào cũng treo lủng lẳng trên gác bếp.

Có hiếm lạ gì đâu mà qua bàn tay chai sần gầy guộc của bà, món canh uôi thành hình vẹn tròn hương vị, nắm giữ thứ "ma thuật" có thể khiến tôi từ bỏ cả những trò chơi ham thích nhất không một chút ngại ngần.

Công đoạn chuẩn bị cho món canh uôi có khi tốn hết cả buổi. Đầu tiên, bà vốc một nắm gạo tẻ đổ vào ngâm trong chậu, dặn tôi ở nhà nhen lại bếp lửa rồi tay cắp rổ, lưng đeo rọ xuống suối.

Bếp luôn âm ỉ than hồng, tôi chỉ việc dúi thêm ít đóm là lửa lại cháy đượm. Rang ít muối lạc, nhấc nồi cơm vừa cạn xuống vùi than cạnh bếp, tôi quay ra đã thấy bóng bà thập thững trở về. Trong rọ là chục con cá suối to chừng hai ngón tay, thêm một rổ đầy rau dền cơm và rau thơm, vậy là nguyên liệu cho món canh uôi đã đủ đầy rồi.

Gạo ngâm nở được bà đổ ra rá chờ ráo nước, rổ rau thì phần tôi ngồi nhặt nhạnh. Mấy con cá được mang ra bể nước, tay bà thoăn thoắt dùng cật nứa đánh vảy, mổ sạch, cứ ba con lại được kẹp vào một que tre chẻ đôi rồi đặt lên bếp nướng. Chỉ lát sau cá đã chín vàng, mùi mỡ cá tứa ra quyện với lớp da hơi cháy sém thơm ngậy làm ruột gan tôi cồn cào.

Tính tôi hay sao nhãng, lề mề cả buổi chưa nhặt xong rổ rau, vừa huyên thuyên đủ chuyện vừa dõi mắt nhìn bà khéo léo gỡ lấy nạc cá, nhặt xương dăm để riêng. Đầu và xương cá thì được giã nát, đổ nước vào lọc lấy nước cốt.

Phi thơm hành, bà trút phần nạc cá vào xào săn. Nêm mắm muối, thêm nước lọc cá vào nồi rồi bà quay ra giã gạo. Gạo tơi mịn cũng là lúc nồi nước sôi đều, bà đổ bột gạo vào trong nồi, vừa đổ vừa luôn tay khuấy đều để tránh vón cục. Rau dền cơm và rau mùi được rửa sạch, thái nhuyễn; nhánh hạt khẻn chao nhanh qua lửa tỏa khói thơm lừng, giã mịn với mấy hạt tiêu sọ.

Tới khi tôi nhấp nhổm đòi ăn thì gạo cũng kịp bung nở, bà thả rau dền vào đảo đều, canh sôi lại thì đến lượt hạt khẻn, hạt tiêu và rau thơm nối gót vào nồi bầu bạn cùng rau cá. Nhấc xuống bếp, vậy là món canh uôi tôi khát khao đã hoàn thành.

Đơn giản thế thôi nhưng để có được món canh uôi đậm đà, ngọt mà không ngấy, cay cay the the dịu dàng, không sánh như cháo cũng chẳng loãng như nước canh thông thường thật sự không dễ chút nào.


Món canh uôi ma thuật của bà tôi

Canh uôi của bà tôi nhất định phải dùng cá suối, nhỏ con nhưng chắc thịt, ăn một miếng như thấy cả núi rừng theo vào trong miệng. Rau chỉ dùng rau dền cơm, lá bằng ngón tay cái, mềm mà không nát; gạo là gạo tẻ nương còn nguyên lớp cám, thơm, dẻo nhưng không nhão nhừ.

Và không thể thiếu thứ gia vị đặc trưng là hạt khẻn (mà người Thái vùng Tây Bắc thường gọi là hạt mắc khén), rắc vào nồi canh làm dậy lên thứ mùi thơm làm người ốm cũng phải bật dậy, trẻ ham chơi cũng tự giác tìm đường về nhà, thứ mùi thơm đã vấn vít suốt chiều dài ký ức tuổi thơ tôi.

Hết tiểu học tôi được bố mẹ đón về rồi lớn lên lập nghiệp xa nhà. Nhiều khi bỗng thấy thèm một bát canh uôi đến run người, tôi cũng tập tành đi chợ mua đồ về nấu thử. Có khi may mắn gom đủ những nguyên liệu giống ngày xưa nhưng nấu cẩn thận đến đâu thì tôi vẫn thấy hương vị món canh của mình chưa được trọn vẹn. Nó thiếu mất cái chắt chiu tảo tần suốt đời lam lũ, cái tỉ mẩn điềm đạm và giản dị thuần lương của một người phụ nữ Thái đích thực như bà, thiếu cả những giờ phút bà cháu líu ríu bên nhau trong gian bếp nhỏ ám đen màu khói.

Nơi quê nhà, bà tôi mắt đã mờ, chân đã chậm, bàn tay run rẩy nhiều nên chẳng thể cùng tôi vào bếp được nữa, hương vị của nồi canh uôi "ma thuật" thuở nào nay chỉ còn trong tiếc nhớ mà thôi./.

Theo Người Lao Động

Chia sẻ bài viết