Tiếng Việt | English

02/09/2016 - 20:49

Những bài học về tiết kiệm của giới trẻ không phải ai cũng biết

Một người trẻ sống tiết kiệm sẽ đủ bản lĩnh để không rơi vào sự bấn loạn sợ bị đánh giá nọ kia, và trên hết tự bản thân họ không dùng thước đo vật chất để tự định vị mình.

Có thể nói đa phần người Việt nhất là người trẻ không biết tiết kiệm. Khái niệm keo kiệt và tiết kiệm bị tráo qua tráo lại và rốt cuộc người trẻ đang là nạn nhân.

Tiết kiệm giúp mỗi con người thực hiện được sứ mệnh nhỏ, trung và lớn. Một người tiết kiệm thì có khả năng dự trữ vật chất ở mức an toàn cho cá nhân, cho những người anh ta có trách nhiệm, và xa hơn là cộng đồng, xã hội anh ta thuộc về. Chí ít là không gây xáo trộn cho đời sống xã hội, bình ổn thị trường, và không làm lãng phí các nguồn lực vật chất từ thiên nhiên hay tạo ra bởi con người.

Ví dụ: ăn vừa đủ, không mua sắm vô tội vạ, không để máy điều hòa khi không có người, tái sử dụng và có kế hoạch du lịch trước trong năm, không dùng credit để tiêu thụ những vật chất mà sức lạo động bản thân chưa cho phép…

Ở những xã hội mà giáo dục, nhất là giáo dục cộng đồng còn non nớt thì những hoạt động thương mại rầm rồ, những chiến lược PR quảng cáo đã khiến người ta trở nên manh động, bị lung lay bởi những mong muốn thiển cận; nhận thức của giới trẻ dễ rơi vào một trào lưu và bị giựt dây dễ dàng.

Những chiếc điện thoại thông minh có thể tốn đến vài tháng lương nhưng nhiều người trẻ vẫn đổi liên tục để “cho bằng người ta”.

… và người trẻ đã làm gì?

Tổ chức sinh nhật bằng 1 tháng lương. Ừ thì mỗi năm chỉ có 1 lần, hoặc đời người chỉ có 1 lần tuổi 18! Hẳn rồi, vui là chính nhưng có ai tự hỏi, trong buổi tiệc sinh nhật linh đình ấy, có mấy ai nhớ đến sinh nhật mình năm sau?

Quanh đi quẩn lại có vài người bạn thân, dù có làm tiệc hay không cũng gói gém hoa, quà để chia vui những người bạn thân để cho chúng ta mượn tiền mua gạo hay đóng tiền nhà khi cuối tháng lỡ hết tiền; chi bằng chúng ta đầu tư tốt cho những mối quan hệ ấy! Tuổi trẻ mà, nếu phải xài hết tháng lương cho sinh nhật thì hãy đến 1 điểm thật hay, và mời những người thật thân, tiết kiệm lại để sự phù phiếm là một cơ hội trải nghiệm, học hỏi và đối đãi bạn bè thật hào phóng.

Mua điện thoại thông minh bằng 2 tháng lương. Đi ăn tiệm thay vì nấu ăn. Chiếc điện thoại bằng 1 cái bếp ga loại tốt, bộ nồi sử dụng được 10 năm và dao nĩa, chén bát trong nhiều năm tháng...

Ai ai cũng dùng điện thoại xịn, cuộc cạnh tranh tính bằng năm, chưa kể một kỳ nâng cấp, lên đời trong 6 tháng, éo le ở chỗ: cuộc chạy đua đưa mọi người về 1 giá trị tương đồng.

Bây giờ, người ta đối mặt với một khái niệm đầy bi quan và tiêu cực trong cạnh tranh thời đại: “cho bằng người ta”. Một người trẻ sống tiết kiệm sẽ đủ bản lĩnh để không rơi vào sự bấn loạn sợ bị đánh giá nọ kia, và trên hết tự bản thân họ không dùng thước đo vật chất để tự định vị mình.

Tiết kiệm khác với keo kiệt!

Một thanh niên đi taxi tiết kiệm sẽ hỏi xem có bạn thân, người quen tiện về cùng đường để chia tiền, hoặc sẵn sàng mời đi cùng...vì điều anh ấy muốn tiết kiệm là 1 chuỗi những chi phí: chi phí bản thân, chi phí người cung ứng dịch vụ, chi phí môi trường, chi phí hao mòn cơ sở hạ tầng, tiết kiệm thời gian... anh ta chỉ đơn giản tối ưu hóa một hành động! Khi kết thúc chuyến đi, anh ta có thể tip cho tài xế nếu dịch vụ tốt; hoặc không nếu dịch vụ tệ.

Một người tiết kiệm đúng nghĩa có thể bỏ bớt hoa tặng bạn gái khi thấy chi phí trở thành bất hợp lí nhưng sẵn sàng mua cho cô ấy đôi giày cao gót loại mắc tiền có thiết kế nâng đỡ gót chân!

Trong khi đó, một người keo kiệt có thể dưới hình thức rất lượt là, óng mượt của nước hoa hàng hiệu, hột xoàn lỉnh kỉnh, lẽ đi xe riêng mà tiện đi taxi, vào ra xe của người ta đóng mạnh tay, và chẳng thèm tip dù dịch vụ tốt hay xấu vì hạ cố đi xe taxi cho là may lắm rồi! hoặc tip vào mặt người ta số tiền lớn mà không có lí do bằng thái độ trịch thượng, ban phát. Sự keo kiệt trong hành xử.

Một người trẻ biết tiết kiệm sẽ cân nhắc: gói thức ăn thừa của mình mang về để tránh hao phí thùng rác? khi uống nước sẽ lưu ý về chai đựng, khi rút tiền sẽ suy nghĩ có nên in hóa đơn ra thậm chí không đọc rồi quăng đại đâu đó? Tờ giấy A4 của công ty có khi chỉ nguyệch ngoạc mấy nét chỉ đường cho bạn rồi vo quăng sọt rác, trong khi giấy vệ sinh ở nhà dùng loại phế phẩm? ở nhà chưa lắp điều hòa nên vào công ty xài hết cỡ cho đã mà không biết rằng mình đang hành hạ cơ thể mình và phá hủy sự cân bằng độ ẩm da?

Một người tiết kiệm đúng nghĩa có thể bỏ bớt hoa tặng bạn gái khi thấy chi phí trở thành bất hợp lí nhưng sẵn sàng mua cho cô ấy đôi giày cao gót loại mắc tiền có thiết kế nâng đỡ gót chân!

Người trẻ, đừng ngại ngùng khi nói với người bán vé máy bay, nhân viên siêu thị, người bán cà rem, hay nhân viên tư vấn xây dựng rằng: “tôi muốn một loại tiết kiệm hơn!”

Người trẻ, hãy nhớ, khi ai đó nói bạn là: “anh tiết kiệm quá!” đó là một câu khen. Ngay kể cả họ có ý lăng mạ hay đá xéo bạn rằng bạn đang keo kiệt, hãy mỉm cười và nói cảm ơn thật chân thành khi bạn chắc chắn rằng việc làm của bạn không gây hại cho ai, mà nó vừa giảm bớt gánh nặng cho một người khác, một con vật hay một tổ hợp vật chất nào đó; và tất nhiên là nó lại nén chắc hơn cái túi của bạn cho những chi phí có ý nghĩa khác.

Bạn hình dung sự tiết kiệm của mỗi cá nhân như trái bóng bay ấy, nó giúp trái đất bớt nặng nề và u ám bởi những ham muốn trần tục và tính hồ đồ của nhân loại./.

Theo Vietnamnet.vn

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích