Tiếng Việt | English

23/04/2016 - 18:36

Những người lưu giữ giá trị văn hóa

Giữa thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, nhiều người chọn loại hình đọc qua một chiếc smartphone, một máy tính bảng,... Tuy nhiên, vẫn có những người yêu thích đọc sách giấy. Mê sách, đọc sách và giữ gìn những quyển sách từng đọc là giữ lại những giá trị văn hóa, những tinh hoa của dân tộc.

1. Ở tuổi 65, nhà thơ Trần Ngọc Hưởng, ở phường 2, TP.Tân An “sở hữu” những kệ sách khá đồ sộ. Ông lưu giữ những quyển sách ấy như một tài sản quý và vô giá! Ở góc cuối bên phải mỗi quyển sách, ông đều in dòng chữ “tủ sách Trần Ngọc Hưởng”. Việc có một tủ sách, một thư viện gia đình mini như ông ngày nay là rất hiếm và rất quý!

Đã mấy mươi năm trôi qua, nhà thơ vẫn nhớ quyển sách đầu tiên đọc mang tựa đề “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn người Ý - Edmondo De Amicis. “Tôi thích quyển sách này vì dù bối cảnh là nước Ý nhưng văn phong rất giản dị, gần gũi như ở Việt Nam. Đặc biệt, quyển sách là trường học dạy người đọc về tình nhân ái rất hay, sâu sắc”.

Tủ sách của nhà thơ Trần Ngọc Hưởng - kho tàng tri thức vô giá

Với ông, không chỉ có đọc sách là niềm đam mê, niềm hạnh phúc mà việc lưu giữ sách cũng thế! Trong vô vàn quyển sách đang giữ, có những loại sách cũ rất quý mà dù có người hỏi mua với giá cao, ông vẫn quyết tâm giữ lại. Đó là từ điển Tiếng Việt của Hội Khai Trí Tiến Đức bản gốc. Đây là kho tàng từ ngữ rất giá trị cùng thời gian. Hay quyển “Thương nhớ Mười Hai” của Vũ Bằng do Nguyễn Đình Vượng xuất bản (1972).

Theo nhà thơ Ngọc Hưởng, quyển “Thương nhớ mười hai” được tái bản rất nhiều lần, hiện nay có giá vài chục ngàn đồng nhưng so với sách cũ, giá trị không bằng. Từ Điển Tiếng Việt của Hội Khai Trí Tiến Đức là quyển chuẩn xác nhất. Hiện nay, nhà thơ còn giữ quyển “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim xuất bản trước năm 1975. Tác phẩm này hệ thống lại toàn bộ lịch sử nước Việt (cho đến thời Pháp thuộc) và được đánh giá là một trong những cuốn sách sử Việt Nam có phong cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu.

Ngoài ra, việc giữ sách cũng là giữ lại những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Đó là những bản Truyện Kiều vô giá, có cả những bản chữ Nôm mà nhà thơ luôn trân trọng giữ. Có thể kể đến như Kim – Vân – Kiều (Đoạn trường Tân Thanh) của Bùi Khánh Diễn chú thích do Sống Mới xuất bản, in lần thứ 3 năm 1960; Kim Túy Tình Từ của Phạm Kim Chi chú thích, tái bản năm 1972. “Đây là những quyển sách mà tôi mua, giữ gìn từ lúc còn là sinh viên trường Đại học Sư phạm Sài Gòn tới bây giờ”. Nhà thơ Ngọc Hưởng chia sẻ.

2. Võ Mạnh Hảo – một nhà thơ trẻ ở Long An cũng là một trong những người đam mê đọc sách và thích lưu giữ sách. Anh Mạnh Hảo cũng đọc sách từ thuở nhỏ nhưng “mặn nồng” nhất là từ thời đại học. Ngày ấy, sinh viên còn nghèo, anh vẫn sẵn sàng vét sạch túi để mua tuyển tập thơ Tagor. Bây giờ, hằng tuần, anh đều dành thời gian đi nhà sách để mua một vài quyển hay. Anh còn là khách hàng có thẻ Vip của Nhà sách Hà Nội ở TP.HCM.

Mua sách nhiều nhưng anh vẫn chọn lựa rất kỹ những quyển của các tác giả có tên tuổi, thường đạt các giải thưởng của thế giới hoặc giải Noble văn học. Nếu là tác giả trẻ thì phải tạo được dấu ấn ở đất nước của họ hoặc những tác phẩm gây làn sóng. Đối với sách dịch, anh “ưu ái” những tác giả nổi tiếng. Anh bảo “Anh ít khi mua sách có chữ "best seller" vì những quyển này chỉ mang tính giải trí chứ giá trị về những bài học không cao”.

Hiện nay, số sách anh giữ lại khá nhiều. Có những quyển cùng tựa đề nhưng anh mua đến 2, 3 cuốn. Bởi, anh cho rằng, “Mua sách không chỉ đọc nội dung, hiểu giá trị mà còn vì tính thẩm mỹ nên khi có một quyển cùng nội dung nhưng bìa trình bày ấn tượng, anh vẫn mua để giữ lại. Giữ sách còn là trân trọng sách”.

Chính những người biết trân trọng, nâng niu giá trị từng trang sách qua việc đọc, giữ gìn sách cẩn thận là những “linh hồn” của văn hóa đọc sách trong thời đại ngày nay./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết