Tiếng Việt | English

31/01/2024 - 08:55

Những 'sứ giả' mùa xuân

Nói đến hoa kiểng tết là phải nói đến sinh vật cảnh (SVC). Hội SVC tỉnh hiện có hơn 1.000 hội viên góp phần cho sân chơi của Hội ngày càng khởi sắc đủ các “trường phái” của thế giới hoa kiểng đương đại. Ngày tết, hoa kiểng cũng vào mùa như những “sứ giả” mùa xuân.

Cặp rồng kiểng quá ấn tượng được bày bán tại chợ Hoa xuân Công viên TP.Tân An

Cặp rồng kiểng quá ấn tượng được bày bán tại chợ Hoa xuân Công viên TP.Tân An

Ngày trước, nói tới chơi kiểng, người ta hay liên tưởng đến người già. Hội viên Hội SVC tỉnh đa phần là người cao tuổi. Thế nhưng ngày nay, chơi kiểng không đợi tuổi, lớp trẻ vào sân chơi này đã chiếm phần lớn. Theo báo cáo trong Hội nghị tổng kết năm 2023 của Hội SVC tỉnh, số người chơi SVC có tay nghề đạt đẳng cấp nghệ nhân chỉ ở tuổi trung bình 40-50 và Hội SVC tỉnh cũng đã thành lập Câu lạc bộ Nghệ nhân Bonsai.

Năm 2023, hội viên Hội SVC tỉnh và các địa phương trực thuộc đều có người tham gia các hội thi bonsai, hoa lan, gỗ mỹ nghệ, chưng nghi, gỗ lũa, đá cảnh, gà cảnh, cu gáy, cá cảnh, thư pháp,... ở trong, ngoài tỉnh và đều đoạt được các giải thưởng đầy khích lệ.

Như thường lệ, ngày 16 tháng Chạp, chợ Hoa xuân công viên TP.Tân An (phường 3), tỉnh Long An lại mở. Quan sát chung, cây kiểng có vẻ trội hơn cây hoa. Rõ ràng bây giờ, trang trí tết không chỉ có hoa mà còn có kiểng. Ở Nam bộ, do tránh gọi tên húy Nguyễn Hữu Cảnh -Thượng đẳng thần có công mở đất phương Nam, mà gọi cảnh ra kiểng. Đất nước càng phát triển, đời sống ngày càng trở nên khá giả và giàu có thì ngày Tết Cổ truyền, người dân không chỉ sắm hoa mà còn sắm kiểng. Cũng như hoa, kiểng đa dạng và phong phú.

Với công nghệ sinh học tiên tiến, nghệ nhân ở trình độ cao “hô biến” nhiều loại cây kiểng phải ra hoa, ra trái độc, lạ như làm xiếc. Ví như cây mai vàng, nhà vườn trồng xuống đất thì phát triển tự nhiên, nghệ nhân mua về, dùng kỹ thuật ghép cành, ghép rễ, già hóa và uốn nắn tạo dáng, thế thành cây bonsai nghệ thuật thì có giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với cây phôi nguyên liệu. Mọi năm trước đây, mai vàng giữ thế áp đảo về số lượng thì nay, cây bông giấy lại lên ngôi “nữ hoàng”. Do giống cây này dễ trồng, chặt khúc, giâm xuống đất vẫn sống và phát triển bộ rễ dày, dài.

Khi bứng lên chậu, có thể tỉa bớt rễ, nâng lên thành bonsai cao cẳng hay thế kiểng té (rễ bám chậu đặt trên đôn cao, ngọn chúi xuống đất, lơ lửng). Nói chung, cây bông giấy dễ ghép, dễ tạo nhiều màu; dùng rễ nó quấn quanh gốc, hãm vào chậu nhỏ, cạn, bộ rễ sẽ nhô trên mặt chậu. Cây càng lớn, dáng thế kỳ cổ quái càng độc, lạ.

Bonsai bông giấy trong chậu nhỏBonsai bông giấy trong chậu nhỏ

Dù sao, cây mai vàng vẫn có giá trị tâm linh hàng đầu đối với người Nam bộ. Mai đồng âm với may - may mắn. Mai là ban mai rực ánh bình minh. Mai có thể “đột biến” nhiều cánh, nhưng “tín đồ” của mai thì chuộng 5 cánh (Năm cánh hoa tròn vàng nhị phô - Trần Nhân Tông) tượng trưng cho “ngũ phúc” kết tụ ở tâm điểm là chùm nhụy đỏ như tia nắng mặt trời vừa ló dạng, mở ra một ngày mới huy hoàng. Do ý nghĩa như vậy mà mai được tôn làm “sứ giả” mùa xuân của người đời.

Ngày Tết Cổ truyền, có nghèo mấy trong nhà cũng sắm một cành mai cho bàn thờ gia tiên. Người nghèo bây giờ mua một cây mai con vài trăm ngàn đồng về chưng tết rồi cho vô chậu to, bón đủ chất dinh dưỡng sẽ mau lớn, cứ vậy mà chưng hết tết nọ đến tết kia, khỏi phải mua. Còn người giàu thì rinh về một chậu lão mai to tướng, dềnh dàng. Mai già càng có giá trị, cây mai qua nhiều đời cha ông để lại, còn mang tính thiêng liêng, gọi “cụ” mai và mừng tuổi “cụ” bằng miếng vải điều quấn quanh gốc với hàng chữ Phước, Lộc, Thọ.

Mọi năm, vào tháng Chạp thường có Hội thi và trưng bày SVC tại Công viên TP.Tân An, nhưng năm nay, Chủ tịch Hội SVC tỉnh - Nguyễn Văn Lộc cho biết: “Do tập trung nguồn lực để tổ chức sự kiện chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập TP.Tân An vào năm tới nên năm nay, Hội SVC tỉnh không tổ chức Hội thi và trưng bày SVC”.

Bông giấy rẻ tiền mà vẫn đẹpBông giấy rẻ tiền mà vẫn đẹp

Hiện nay, dù còn manh mún, chưa tập trung thành làng nghề nhưng Long An đã có Chi hội Hoa lan. Năm rồi, Chi hội Hoa lan Long An đã “đem chuông đi đánh xứ người” tại rất nhiều nơi và đều đoạt các loại giải thưởng, cho thấy kỹ thuật ươm, trồng hoa lan - một ngành xếp vào hàng “kinh tế mũi nhọn” trong nông nghiệp của TP.HCM và nhiều nơi khác đầy tiềm năng và triển vọng. Ngoài ra, Hội SVC tỉnh “dám” giao lưu ngang ngửa với Chi hội Bonsai Mai vàng tỉnh Bình Phước có thế mạnh về bonsai mai vàng.

Tính đến nay, Hội SVC tỉnh đã thành lập 9 câu lạc bộ và 4 hội quán SVC ở các huyện. Năm rồi, Hội tham gia làm công trình cây xanh, hoa viên, cồn tàu và trang trí mỹ thuật cho Chương trình lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Nhìn chung, các chi hội, hội quán và câu lạc bộ của từng bộ môn trực thuộc Hội SVC tỉnh năm qua đã gặt hái nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Chớm xuân, rảo một vòng ven đô TP.Tân An, mấy khoảnh đất nhỏ trồng bông vạn thọ, mào gà đang khoe sắc, nhiều nơi cũng có thể xây dựng được làng hoa lan cắt cành như ở huyện Củ Chi (TP.HCM) là trong tầm tay của Hội SVC tỉnh./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết