Tiếng Việt | English

30/04/2020 - 21:15

Nội tôi và những người con chiến sĩ

Nhà nội tôi nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi đồi nhấp nhô, bên con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Nội có 7 người con, 4 trai, 3 gái.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những năm 30, 40 của thế kỷ trước, ông Nội tôi đã xa nhà theo cách mạng, kháng chiến chống Pháp, cải cách ruộng đất. Bà Nội ở nhà thay chồng nuôi dạy các con lớn khôn. 

Thời gian trôi qua, những người con cứ lớn dần, lớn dần. Rồi, ông Nội hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trở về quê hương và trải qua nhiều nhiệm vụ ở địa phương. 

Ngày ấy, cuộc sống khó khăn, cơm không có ăn, phải đào củ chuối, củ mài lót dạ. Thế nhưng, các con của Nội lớn lên ai cũng khỏe khoắn, được cho đến lớp làng học biết cái chữ, để đi làm cách mạng.

Nội vẫn thường bảo "Đất nước còn chiến tranh thì lớn lên, con trai tao cho đi bộ đội vào Nam đánh giặc, nữ thì đi dân công hỏa tuyến". Và như bao lớp trai làng thời đó, Bác Cả khi ở tuổi 18, đôi mươi đã theo tiếng gọi non sông, lên đường vào Nam với lời thề sắc son đánh Mỹ.

Ngày tiễn anh trai lên đường đi chiến đấu, cha tôi cũng lẻo đẻo theo: "Lớn lên em cũng sẽ tiếp nối chân anh, lên đường đánh giặc!".

Rồi khi bác trai cả đang ở chiến trường, bặt vô âm tín, mấy năm sau, Nội tôi tiễn Bác Hai tôi ra Hà Nội học tập, theo diện được đưa đi đào tạo.

Nhưng khi cuộc chiến ở miền Nam đang ác liệt, như bao sinh viên khác, Bác Hai tôi tạm gác lại bút nghiên, xung phong đăng ký đi chiến đấu tại chiến trường B.

Ngày tiễn Bác Hai vào chiến trường B, cha tôi đã ôm chầm lấy ông và nói "Hẹn gặp anh ở chiến trường!".

Vài năm sau, Nội tôi lại tiếp tục tiễn cha tôi vào chiến trường B với niềm tin, quyết tâm góp sức thống nhất đất nước. Những người con trai của Nội đi chiến trường, rồi những người con gái sau đó cũng tham gia dân quân hỏa tuyến.

Thế là ở cái xóm lọt thỏm dưới dãy trường Sơn, ngày ngày, ông bà Nội vẫn hăng say lao động, làm hậu phương cho miền Nam ruột thịt và ngóng tin con. Thế nhưng, 3 đứa con trai ở chiến trường vẫn bặt vô âm tín, trong khi cuộc chiến đang vô cùng ác liệt. 

"Không biết tụi nó sống, chết thế nào?", bà Nội tôi vẫn thường lo lắng như thế.

Và rồi như nhiều gia đình khác, Nội tôi đón nhận tin Bác cả bị thương nặng trong một trận chiến ác liệt với địch ở chiến trường Quảng Trị (sau này được công nhận là thương binh hạng 1/4). 

Mấy năm sau, cha tôi cũng bị thương trong một trận chiến ác liệt với giặc Mỹ ở Đức Hòa, Long An (sau đó được công nhận thương binh hạng 2/4).

Hai người con trở về không còn lành lặn nhưng Nội tôi vẫn vui và tự hào vì các con đã chiến đấu vì Tổ quốc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhìn thấy các thanh niên làng trở về, Nội tôi cũng háo hức chờ đợi Bác Hai về đoàn tụ.

Nhưng rồi, ngày ấy chẳng có, bởi sau đó không lâu, Nội tôi đau đớn nhận được giấy báo tử, Bác Hai tôi đã anh dũng hy sinh trong một trận càn ác liệt của địch ở tỉnh Tiền Giang bây giờ.

Gạt nỗi đau vào lòng, Nội tôi bảo "Nếu không có sự hy sinh thì làm sao đánh đuổi được giặc Mỹ, giành lại độc lập tự do, thống nhất nước nhà". 

3 người con trai lên đường đánh Mỹ, 1 người hy sinh, 2 người không còn lành lặn trở về, vết thương trên thân thể vẫn thường đau nhức mỗi khi trái gió, trở trời.

Nội vẫn thường nói với tôi "Chiến tranh, bom đạn ác liệt, sống chết chỉ trong gang tấc. Có lẽ, Nội còn may mắn khi vẫn còn 2 đứa con trở về. Để hôm nay có thêm các cháu...".

Kết thúc chiến tranh, theo ước nguyện của gia đình, cha tôi lại mang ba lô vào Nam, tìm đưa hài cốt anh trai về quê mẹ an nghỉ. Nhớ đến bác, những ngày lễ, tết, nhất là 30/4, gia đình tôi lại đến cẩn kính nghiêng mình bên mộ bác, thắp nén nhang thơm.

Mỗi lần đứng bên mộ bác, tôi lại được cha và bác kể nhiều câu chuyện về người bác đã hy sinh, về chiến tranh, về những mất mát đau thương nhưng cũng tràn đầy tình đồng chí, đồng đội.

Giờ đây, ông  bà Nội tôi cũng đã yên nghỉ cạnh bên mộ Bác Hai, người đã ngã xuống vì Tổ quốc khi tuổi còn đôi mươi.

30/4, ở phương xa, cháu xin thắp nén nhang lên phần mộ bác, một người lính Cụ Hồ mà cháu luôn tự hào, dù chỉ được thấy bác qua di ảnh và biết về bác qua lời kể của nội, của cha.

Cháu cũng thắp nén nhang lên phần mộ Nội, những người đã hết lòng vì con cháu, đã sinh ra những người con dũng cảm. Những lời dạy dỗ của nội vẫn được cháu khắc ghi mãi trong lòng. 

30/4, con cũng gửi lời tri ân đến cha và bác - những người thương binh, vẫn luôn giữ vững khí phách, sống một cuộc đời tỏa đẹp phẩm chất người lính Cụ Hồ giữa đời thường./.

Đức

Chia sẻ bài viết