Hiện nay, vùng chuyên canh cây thanh long ở tỉnh Bình Thuận đang bị 1 loài ốc sên lạ xâm nhập, phá hoại, gây thiệt hại nặng nề. Nông dân lo lắng trước sự phát tán nhanh chóng của loài gây hại mới này.
Những ngày qua, ở Bình Thuận, câu chuyện về con ốc sên lạ gây hại thanh long là chủ đề được bà con nông dân bàn tán rất nhiều. Loài ốc này màu vàng nhạt, kích thước nhỏ bằng đầu ngón tay, nhưng tàn phá ghê gớm. Cứ sau vài cơn mưa, chúng xuất hiện dày đặc trong vườn thanh long, bò lên trụ gặm cành non, búp, hoa và trái.
Sau mưa ốc sên xuất hiện hàng loạt trong vườn thanh long
Anh Trần Văn Thống, người dân xã Hàm Hiệp có vườn thanh long 2.000 trụ ở xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) đang bị ốc sên tấn công, cho biết, ban đầu, ốc sên xuất hiện rất ít nhưng sau này mật độ dày thêm.
“Loại ốc này không phải lúc nào cũng bò ra ăn. Ban đầu ốc leo lên cây đợi đến khoảng chiều mưa hay đêm, khi sương xuống, ốc sên tiến hành ăn phá hoại. Nhiều gia đình thiệt hại vì trái thanh long một khi đã bị ốc sên cắn trên vỏ là mất đi giá trị, thậm chí không bán được khi vết cắn quá sâu” anh Thống cho biết.
Bà Trần Thị Thu Hà, chủ vườn thanh long gần 1.000 trụ ở huyện Hàm Thuận Bắc buồn phiền cho hay, trái nào suôn sẻ không bị ốc cắn sẽ bán được với giá cao hơn. Khi thanh long bị ốc sên ăn bán không được giá hoặc giá thành thấp khiến người trồng thua lỗ. thấy hất thu tới 80%”, bà Hà nói.
Chỉ trong tháng 10 này, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 660 ha thanh long bị ốc sên tấn công, nhiều nhất là ở huyện Hàm Thuận Nam với 350 ha, tiếp đến là Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, La Gi và Phan Thiết. Trong khi dịch bệnh đốm nâu, còn gọi là nấm tắc kè, chưa có thuốc đặc trị, thì nay lại rộ lên đối tượng gây hại mới khiến nông dân hoang mang.
Ông Nguyễn Thanh Ngàn, nông dân trồng thanh long ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc lo lắng cho hat, khi ốc xâm nhập thanh long sẽ không thể diệt hết nên sẽ gây thất thu cho nông dân. Người nông dân đề nghị các nhà chức trách, các nhà khoa học ghiên cứu biện pháp và thuốc phòng trừ được con ốc đó.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, loài ốc sên này có tên khoa học là Bradybaena similaris Ferus, còn gọi là ốc sên nhỏ hay ốc sên lá. Đối tượng gây hại này đã được ghi nhận từ những năm trước, nhưng mật độ không đáng kể.
Năm nay, do mưa nhiều, độ ẩm cao, loại ốc này phát sinh nhanh, xuất hiện với mật số cao trong vùng trồng thanh long. Bình quân mỗi trụ có hơn 10 con. Những vườn bị nặng mật độ hơn 50 con/trụ.
Loài ốc sên này thích nghi gây hại trong điều kiện độ ẩm cao và nhiệt độ dưới 30 độ. Khi trời nóng, ốc tiết ra một loại chất keo trắng bịt kín miệng vỏ, không cử động cũng như không ăn, trú ẩn ở chỗ râm mát. Ban đêm mới bò ra cắn hết cành non, búp mới nhú, hoa và trái thanh long. Khi trười râm mát, ốc bò ra ăn cả ngày và mức độ phá hoại rất nhanh.
Thạc sĩ Lê Công Hoàng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận cho biết, để phòng trừ bà con nông dân cần kết hợp nhiều biện pháp. Trước hết, cần vệ sinh vườn, làm cỏ gốc sạch sẽ, phát quang bờ ranh và các nơi trú ẩn của ốc. Cùng với đó, có thể sử dụng các loại thuốc trị ốc bưu vàng có hoạt chất Metaldehyde để diệt trừ ốc sên trên thanh long.
“Bằng cách chúng ta có thể rải ở đầu trụ, hoặc ở những nơi ốc thường trú ẩn. Và có thể kết hợp giữa nhóm thuốc này với một số loại bã. Chẳng hạn như, trộn thuốc này với cám, với bông thanh long hoặc trái thanh long bị hư chúng ta cắt nhỏ ra trộn với thuốc. Ốc tìm tới ăn và tiêu diệt rất là tốt”, ông Hoàng cho biết.
Vì đặc tính của loài ốc sên này thường ăn ban đêm, việc đánh bả hoặc rải thuốc diệt ốc cần được tiến hành vào buổi chiều mới mang lại hiệu quả. Đồng thời, các chủ vườn kế cận nhau cần phối hợp diệt ốc đồng loạt trong một thời điểm để tránh phát sinh trở lại do ốc di chuyển từ vườn này sang vườn khác./.
Việt Quốc/VOV.VN