Tiếng Việt | English

10/01/2019 - 14:42

Phạm nhân lao động ngoài trại giam: Lập Khu sản xuất, Điểm lao động?

Các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều đồng ý chủ trương cho lập Khu sản xuất, Điểm lao động cho phạm nhân lao động ngoài trại giam.

Việc quy định về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam là một trong những vấn đề lớn trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) thời gian vừa qua. 

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Điểm b khoản 4 Điều 17 Dự thảo Luật quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.

Về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến chủ yếu: Tán thành với dự thảo Luật nhưng cần quy định chặt chẽ các điều kiện và không tán thành quy định vì lo ngại sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
UBTP và Cơ quan chủ trì soạn thảo nhấn mạnh đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Do đó, hai cơ quan này thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập Khu sản xuất, Điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật quốc tế, UBTP cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đáp ứng hai yêu cầu.

Trước hết, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh vấn đề bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý và bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Thứ hai là quy định mang tính nguyên tắc trong Luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động, như: loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động của phạm nhân..., trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết.

“Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về sự đồng ý của phạm nhân ra ngoài lao động, để phù hợp với tinh thần Công ước số 29 của ILO như kiến nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội” – báo cáo của Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh.

Bày tỏ đồng tình cần bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập Khu sản xuất, Điểm lao động, nhưng Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh cần đánh giá về chi phí ngân sách phải bỏ ra.

Không phải phạm nhân ra làm cho doanh nghiệp

Ông Định cũng đề nghị làm rõ cụm từ “ngoài trại giam” khi cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, nếu ngoài trại giam nhưng trong “Khu sản xuất, Điểm lao động” là có thể thực hiện được, song nếu đưa phạm nhân vào doanh nghiệp là không phù hợp với tinh thần Công ước của ILO.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng nhấn mạnh, quy định sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc lâu nay như tổ chức sản xuất manh mún, hiệu quả sản xuất chưa cao... Ngoài ra, việc lao động sản xuất cũng là cơ sở thực hiện các chính sách (như giảm án, đặc xá)

“Nếu hình thành các phân trại sản xuất lao động dạy nghề để nó gắn với trại khi vẫn có bộ máy quản lý, tránh việc nói rằng chỗ này do doanh nghiệp đầu tư dẫn đến có thể vướng vấn đề này, vấn đề khác” – ông Hà Ngọc Chiến.

Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình cũng lưu ý, cần phân biệt mối quan hệ giữa trại giam – phạm nhân và doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp trực tiếp làm việc (hợp đồng) với phạm nhân.

Ông Bình cũng lưu ý việc phạm nhân lao động là bắt buộc, tuy nhiên, lao động để sản xuất ra sản phẩm thương mại lại là vấn đề khác, cần phải có sự tự nguyện tham gia của phạm nhân.

Nhấn mạnh quyền con người của phạm nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, chế độ ta luôn hướng đến giáo dục để người ta hoà nhập sau khi chấp hành xong bản án. Do đó, việc cho lao động ngoài trại giam tại các điểm sản xuất là tạo điều kiện cho phạm nhân lao động, có thu nhập, nâng cao đời sống và có tay nghề.

“Cần phân loại, phạm nhân cải tạo tốt, tự giác thì được tạo điều kiện để lao động. Trong đội ngũ phạm nhân có người có trình độ lao động nhất định thì nên sử dụng. Quy định cứng quá thì khó thực hiện, do đó cần mở ra” để tạo điều kiện cho phạm nhân lao động” – ông Phùng Quốc Hiển nói.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý cần thực hiện đúng các quy định cũng như đảm bảo chính sách nhân đạo như sự tự nguyện lao động, hưởng thành quả lao động của phạm nhân.

“Tôi đồng ý chủ trương cho lập Khu sản xuất, Điểm lao động nhưng dưới dạng phân trại. Quan hệ giữa người bị giam giữ với cơ quan quản lý giam giữ, còn quan hệ giữa Điểm sản xuất với doanh nghiệp ở ngoài là quan hệ khác, chứ không phải phạm nhân ra làm việc cho một doanh nghiệp nào đó”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Chia sẻ bài viết