Tiếng Việt | English

16/12/2020 - 16:19

Phát hiện chó mắc bệnh dại tại huyện Đức Hòa

Chi cục Thú y vùng VI – Cục Thú y có kết quả xét nghiệm phát hiện vi-rút dại trong mẫu xét nghiệm lấy từ não 1 con chó hoang tại ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Con chó hoang được ấy mẫu xét nghiệm và xử lý theo quy định

Ngày 11/12, người dân phát hiện và nhốt giữ 1 con chó không rõ nguồn gốc, chạy hoảng loạn và cắn các con chó khác trong khu vực ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Đội Nghiệp vụ số 3) tiến hành lấy mẫu, gửi mẫu và tiêu hủy con chó theo quy định.

Ngày 14/12, Chi cục Thú y Vùng VI có thông báo kết quả xét nghiệm phát hiện vi rút Dại (Rabies virus) trong mẫu xét nghiệm lấy từ não chó hoang này. Chiều cùng ngày, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Hòa và UBND xã Lộc Giang đến kiểm tra, đồng thời vận động người dân khu vực xuất hiện chó dại nhốt xích và theo dõi các con chó nuôi trong nhà, nếu có phát hiện dấu hiệu bất thường đề nghị báo ngay cho chính quyền địa phương.

Bản đồ dịch tễ vị trí ổ dịch dại động vật xã Lộc Giang

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đề nghị UBND huyện Đức Hòa khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và UBND các xã vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp triển khai thống kê tổng đàn chó mèo, tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho toàn đàn chó mèo. Sau khi tiêm phòng, cần nhốt cách ly và theo dõi chó mèo trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bất thường (nghi phát bệnh dại) lập tức tiêu hủy theo quy định.  

Đồng thời, đề nghị tăng cường công tác truyền thông trước, trong đợt tiêm phòng; giám sát đàn chó mèo trên địa bàn toàn huyện, nếu thấy có biểu hiện bất thường thì lập tức nhốt, cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Với trường hợp chó hoang bị dại lần này, người dân và cán bộ thú y cơ sở đã có tinh thần, ý thức cảnh giác rất cao, phát hiện kịp thời chó có biểu hiện bất thường và báo cáo cơ quan chức năng, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định trong phòng bệnh dại theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. 

Được biết, vào cuối tháng 11/2020 vừa qua, trên địa bàn xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa đã có 1 trường hợp bệnh nhân nữ (SN 2012) tử vong do bệnh dại. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, không được chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An – Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng, bệnh dại là bệnh tử vong 100% nhưng có thể phòng ngừa. Một người mắc bệnh dại thường trải qua 3 giai đoạn. Cụ thể, thời kỳ ủ bệnh (kéo dài từ 1 tuần - 1 năm, trung bình từ 1 - 3 tháng), thời kỳ này có kéo dài hay không phụ thuộc vào vị trí vết cắn (càng gần vùng đầu, mặt, cổ thì thời gian ủ bệnh càng ngắn), số lượng vết cắn và độ nông sâu. Đây là thời gian quý báu để cứu sống bệnh nhân. Dấu hiệu thời kỳ này chỉ duy nhất là vết cắn nên người bị động vật cắn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng kịp thời.

Thời kỳ khởi phát, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, sốt, đau mình, đặc biệt là ngứa, dị cảm (cảm giác như kiến bò) ở vết cắn. Người bệnh còn thay đổi tính tình (biểu hiện lo lắng, tăng động, tức giận, bức rứt hoặc trầm cảm).

Thời kỳ toàn phát có 2 thể: Hung dữ hoặc bại liệt. Ở thể hung dữ, người bệnh bị kích thích tâm thần, trở nên hung tợn, sợ gió, nước, ánh sáng, lên cơn co giật, co thắt thanh quản, cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp, giữa 2 lần lên cơn thì bệnh nhân có thể tỉnh táo. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng, hôn mê, ngừng thở, ngưng tim, có thể tử vong từ 2-4 ngày sau khi lên cơn. Với thể bại liệt, bệnh nhân không sợ gió, nước, ánh sáng mà chỉ có cảm giác đau cột sống, đau hoặc dị cảm ở vết cắn. Thể bại liệt có thời gian tử vong chậm hơn thể hung dữ, có thể kéo dài từ 2-20 ngày. Khi người bệnh ở thời kỳ toàn phát, lên cơn dại thì chắc chắn 100% tử vong.

Vắc-xin dại hiện nay rất an toàn, có thể tiêm cho phụ nữ mang thai. Khi bị động vật nghi dại cắn, cần tiêm phòng càng sớm càng tốt; phải tiêm đủ mũi, đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, phải theo dõi con vật ít nhất là 10 ngày, nếu con vật bỏ đi hoặc chết đột ngột, lên cơn dại thì báo ngay cho cơ sở y tế để có hướng xử lý. Khi bị động vật nghi dại cắn tuyệt đối không được điều trị bằng các phương pháp dân gian, không đắp thuốc gia truyền, lá cây lên vết cắn mà phải tiêm phòng bệnh dại./.

Những điều lưu ý khi bị súc vật cắn:

Rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy liên tục trong 5-10 phút

- Không làm dập nát, làm kín vết thương.

- Đến ngay cơ sở y tế.

- Tiêm ngừa đúng lịch, đủ mũi.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích