Tiếng Việt | English

25/11/2022 - 09:11

Phim chuyển thể tạo được sức hút với khán giả

Những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học, cải lương, nhất là dòng phim xưa luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả. Không chỉ Việt Nam, nhiều tác phẩm văn học kinh điển của thế giới cũng được chuyển thể thành phim và tạo được hiệu ứng tốt. Thời gian gần đây, những bộ phim chuyển thể lên sóng truyền hình đều có sức hút và đạt rating (đơn vị được dùng để đánh giá mức độ quan tâm của khán giả đối với một chương trình truyền hình, một bộ phim cụ thể) cao.

Được khán giả đón nhận

Nhắc đến phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, khán giả khu vực phía Nam nhớ ngay đến những bộ phim: Con nhà nghèo, Thế thái nhân tình, Khóc thầm, Hai khối tình, Ngọn cỏ gió đùa,... Đây là những bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Hồ Biểu Chánh. Nhắc đến Hồ Biểu Chánh, nhiều người nhớ đến những tiểu thuyết “rặt” chất Nam bộ. Những tác phẩm của ông mang hơi thở cuộc sống người dân Nam bộ khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Không chỉ viết về hiện thực xã hội, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh còn khai thác những đề tài về đời sống gia đình, đặc biệt là phản ánh một số mặt tiêu cực trong quan hệ gia đình của người dân Nam bộ thời bấy giờ. Những tiểu thuyết của ông chuyển thể thành phim được đông đảo khán giả đón nhận.

Đảm nhận nhân vật trong dòng phim xưa đòi hỏi diễn viên phải tìm hiểu kỹ về trang phục, lời nói sao cho phù hợp với bối cảnh xã hội thời bấy giờ

Những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh nói riêng hay dòng phim lấy bối cảnh xã hội thời trước (phim xưa) nói chung đều có sức hút và chỗ đứng riêng trong lòng khán giả. Những bộ phim xưa mang đến cho người xem cảm xúc sâu lắng, những suy ngẫm về cuộc sống, phận người, nhất là về thân phận người phụ nữ. Nhắc đến dòng phim xưa, không thể không nhắc đến những bộ phim đình đám từng lấy không ít nước mắt của khán giả như Tiếng sét trong mưa, Mẹ ghẻ, Yêu trong đau thương, Ngày em đến, Dâu bể đường trần,... Những bộ phim này có điểm chung đều lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam những năm 1930. Không chỉ thu hút khán giả bởi tình tiết mà dòng phim xưa còn tạo được hiệu ứng bởi bối cảnh làng quê. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn nhất của người làm phim. Ngoài bối cảnh, trang phục, lời thoại cũng được lựa chọn kỹ để phản ánh đúng nếp sinh hoạt của thời bấy giờ.

Đài Truyền hình Vĩnh Long là một trong những đơn vị khai thác triệt để dòng phim xưa và phim chuyển thể từ tiểu thuyết, cải lương. Bộ phim nào về đề tài này được phát sóng trên đài cũng đạt rating cao nhất nước. Bộ phim Rồi 30 năm sau (chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng) vừa phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long 1 đã vượt qua các “đối thủ” phim truyền hình ra mắt cùng thời điểm để giành vị trí top 1 rating cả nước. Khai thác đề tài thảm kịch gia đình và vòng xoáy tình - thù truyền đến đời sau, Rồi 30 năm sau mang đến cho khán giả những cảm xúc vừa lạ, vừa quen lại thật gần gũi. Trước Rồi 30 năm sau, bộ phim Duyên kiếp phát sóng vào tháng 8/2022 cũng chiếm rating cao nhất. “Siêu phẩm” ăn khách được chuyển thể từ vở cải lương cùng tên và được đạo diễn Chu Thiện cải biên để phù hợp với sóng truyền hình. Ở phiên bản cải lương, vào khoảng 20 năm trước, Duyên kiếp từng chiếm được cảm tình của người mộ điệu. Vậy nên, ngay khi chuyển thể thành phim, Duyên kiếp được mong đợi khá nhiều từ người xem. Tuy nhiên, phiên bản truyền hình kết thúc có hậu hơn so với vở cải lương. Điều này thỏa mãn phần đông thị hiếu người xem phim Việt, khiến bộ phim càng được ưa thích.

Dòng phim “kén” diễn viên

Là dòng phim đang tạo được sự chú ý của khán giả nhưng những bộ phim xưa chỉ “quanh đi quẩn lại” một số gương mặt diễn viên. Chính điều này ít nhiều ảnh hưởng đến phim. Mặc dù biết vậy nhưng khi chọn diễn viên, các đạo diễn khá “đau đầu” bởi không phải diễn viên nào cũng đóng được dòng phim này. Quỳnh Lam được mệnh là "nữ hoàng phim xưa" bởi hầu như phù hợp với tất cả phim thuộc thể loại này. Gương mặt, thần thái, giọng nói, cách diễn xuất của Quỳnh Lam đều gợi lên hình ảnh dịu dàng của thiếu nữ xưa.

Hơn 15 năm đến với nghề, Quỳnh Lam “bỏ túi” trên 40 vai diễn lớn, nhỏ. Nhắc đến Quỳnh Lam, khán giả nhớ đến những nhân vật thùy mị, nết na trong xã hội phong kiến. Tuy vậy, Quỳnh Lam không bị đóng khung trong những vai diễn hiền dịu mà khi cần vẫn có thể hóa thân vào các nhân vật đanh đá, độc ác. Ngoài Quỳnh Lam, những diễn viên như Thanh Trúc, Thân Thúy Hà, Kiều Oanh, Cao Thái Hà, Thúy Diễm,... cũng được “nhắm” đến cho các vai diễn của dòng phim này.

Đạo diễn Chu Thiện (phim Duyên kiếp) cho biết: “Đây là dòng phim khá “kén” diễn viên bởi đòi hỏi diễn xuất phải làm bật lên phong thái, nét riêng của xã hội phong kiến. Đây chính là một trong những cản trở lớn của các diễn viên trẻ".

Tuy chưa được đào tạo qua trường lớp nhưng cách diễn xuất chân thật của Bạch Công Khanh đã chiếm trọn tình cảm của khán giả với vai diễn cậu Hai Lương trong phim Duyên kiếp

Bộ phim Duyên kiếp từng tạo được hiệu ứng tốt nhưng khán giả vẫn chưa hài lòng với diễn xuất của người mẫu, diễn viên Trương Mỹ Nhân trong vai Huệ. Đạo diễn Chu Thiện từng chia sẻ với báo giới: "Với tư cách là đạo diễn của bộ phim, tôi xin hoàn toàn nhận trách nhiệm về mình vì đã không làm hài lòng quý khán giả về vai Huệ do diễn viên Trương Mỹ Nhân đảm nhận. Nhưng cũng mong quý vị có một cái nhìn khách quan hơn về vai Huệ. Trương Mỹ Nhân là diễn viên trẻ mới vào nghề, em ấy rất yêu nghề và lăn xả vào vai diễn của mình. Nay đóng chung với các anh chị đi trước và nhiều kinh nghiệm diễn xuất trong Duyên kiếp, em ấy không tránh khỏi những thiếu sót”.

Còn với diễn viên Vũ Ngọc Ánh, đóng phim xưa là một áp lực không nhỏ, bởi: “Những cử chỉ, cách nói, điệu bộ của người xưa hoàn toàn khác phim hiện đại. Phim hiện đại có thể mang nét trẻ trung ở ngoài đời vào. Phim xưa thì khác, từ ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ phải hoàn toàn phù hợp với phong cách người xưa”.

Tuy khá “kén” diễn viên nhưng dòng phim xưa đã trở thành bệ phóng làm nên tên tuổi của nhiều diễn viên trẻ bởi khi đã hóa thân và lột tả hết tâm lý nhân vật, tất nhiên sẽ tạo được ấn tượng sâu sắc với khán giả. Với nhân vật cậu Hai Lương trong phim Duyên kiếp, diễn viên Bạch Công Khanh đã làm được điều đó. Với lối diễn xuất tự nhiên, gần gũi, Bạch Công Khanh chiếm trọn tình cảm của người xem với hình tượng cậu Hai khờ khạo nhưng nhân hậu, nghĩa khí. Cũng có ý kiến cho rằng, chính nhân vật cậu Hai Lương đã trở thành điểm nhấn cho Duyên kiếp.

Phim chuyển thể mang đến cho khán giả cái nhìn mới hơn về những tác phẩm văn học hay cải lương. Có ý kiến cho rằng, việc chuyển thể sẽ làm “chết” tác phẩm gốc nhưng theo nhiều người, chính phim đã mang đến cho khán giả cái nhìn trực quan, còn việc cảm thụ văn học hay cải lương tùy vào cảm xúc của mỗi người. Cũng có người sau khi xem phim đã tìm đọc lại tiểu thuyết hoặc xem lại vở cải lương để có những cảm nhận riêng./.

Diệu Ái

Chia sẻ bài viết