Tiếng Việt | English

12/07/2021 - 14:50

Quỹ vắc-xin phòng Covid-19: Sâu nặng nghĩa tình đồng bào

Sau khi Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 được phát động và được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, lạc lõng giữa sự chung sức, đồng lòng của gần 100 triệu dân nước Việt thì nhan nhản trên các diễn đàn mạng xã hội hoặc các hãng truyền thông thù địch lại rêu rao với những cái gọi: “Xin tiền mua vắc-xin, Chính phủ vòi dân hay vì dân?”; “Kết quả chống dịch “như chống giặc” - thì lại phụ thuộc vào nguồn vắc-xin của thế giới”; “Chính phủ chi tiền tỉ xây tượng đài trong khi xin tiền dân mua vắc-xin”; “Việt Nam đi trước trong khống chế dịch nhưng về sau trong tiêm vắc-xin”; “Dịch Tàu Covid nằm vùng... vùng lên tổng tấn công toàn quốc, phong tỏa toàn nước”; “Toàn dân đói nhe răng... toàn Đảng, toàn quân cười nhe răng... xin tiền chống dịch... thật là nhục mà vẫn cười nhe răng”... Từ đó, chúng kích động, kêu gọi người dân phản đối, không góp vào quỹ này.

Các hãng truyền thông thù địch xuyên tạc Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19

Để tiêm ngừa vắc-xin đòi hỏi phải có một nguồn kinh phí rất lớn, trong khi đất nước ta đang còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp. Trước tình hình cấp bách của diễn biến dịch bệnh, Chính phủ ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 và Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ Vắc-xin phòng dịch Covid-19 là phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”.

Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 là quỹ của tinh thần đoàn kết, sự nhân ái, niềm tin, trái tim, kết nối trái tim cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên Việt Nam chiến thắng, ghi danh vào lịch sử về một chiến thắng đại dịch Covid-19” như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định. Sau lễ ra mắt cho đến nay, Quỹ đã nhận được sự đóng góp của hàng ngàn tập thể, cá nhân. Những ngày qua, không chỉ các doanh nghiệp, địa phương mà rất nhiều cá nhân trong và ngoài nước đã nhiệt tình ủng hộ Quỹ. Điển hình như thương binh, cựu chiến binh Lê Văn Đệ (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) ủng hộ 4,5 tỉ đồng; Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cược (92 tuổi, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã dành 10 triệu đồng; thương binh Nguyễn Chương 97 tuổi (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ủng hộ 10 triệu đồng; những em học sinh dành những đồng tiền tiết kiệm, nhắn tin ủng hộ cho Quỹ;…

Sáng kiến Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam,... đánh giá cao về tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của nhân dân Việt Nam trong "cuộc chiến" chống dịch Covid-19.

Ngăn chặn đại dịch Covid-19 là trách nhiệm của toàn xã hội. Do vậy, việc một số luận điệu quy trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch là “của riêng Đảng, Nhà nước” là hoàn toàn vô lý. Không có quốc gia nào tự chống chọi với đại dịch chỉ bằng sự quyết tâm của Chính phủ. Những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các tổ chức, cá nhân, đài báo trên về Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 của Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như xúc phạm đến danh dự, hình ảnh của các cá nhân, tổ chức tham gia ủng hộ là việc làm của những kẻ lạc điệu, lạc lõng trong "cuộc chiến" chống dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy, trong 4 đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam, bất chấp mọi gian nguy, vất vả, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ các cấp luôn có mặt ở các vùng dịch diễn biến phức tạp để trực tiếp chỉ đạo; vào nơi tâm dịch để hướng dẫn cơ sở, động viên quần chúng đồng lòng khắc phục khó khăn, chống dịch thắng lợi. Nơi tuyến đầu, hàng ngàn Bộ đội Cụ Hồ, Công an nhân dân, thanh niên xung phong, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đã gác lại hạnh phúc, gia đình riêng để xung phong ra tuyến đầu chống dịch với tinh thần “trong tim là Tổ quốc, phía trước là nhân dân”. Ở tuyến sau, hàng vạn người dân xung phong tiếp tế lương thực, thực phẩm cho tuyến đầu. Với tấm lòng tương thân, tương ái,... tất cả những việc làm ấy giúp Việt Nam vững vàng, tự tin, quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Dịch bệnh hoành hành, cả nước gồng mình chống dịch, vậy mà nhan nhản trên mạng xã hội Facebook, Youtube, vẫn còn nhiều đối tượng trong nước cũng đã thông tin sai lệch theo hướng nghiêm trọng hóa tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang, TP.HCM là không thể kiểm soát được theo kiểu “Bắc Giang toang rồi”; “TP.HCM vỡ trận rồi”, kèm theo không ít thông tin sai sự thật, có ý xuyên tạc, phê phán chính quyền, hệ thống chính trị lơ là, thờ ơ với công tác phòng, chống dịch bệnh, đối đãi không tử tế, bỏ rơi người bệnh khu cách ly: “Công nhân bị bỏ đói, không có lương thực trong nhiều ngày, các trường hợp F0, F1 bị bỏ rơi”. Cùng với đó là chửi bới thô tục, xúc phạm cơ quan Nhà nước. Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc sau khi được đăng tải đã lan truyền trên không gian mạng làm người dân thêm hoang mang, lo lắng, nhiều người lầm tưởng là thật có tâm lý bức xúc, suy giảm niềm tin vào cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lợi dụng dịch bệnh để thông tin sai trái, xuyên tạc với mục đích kích động, chống phá hay giật gân, câu view,… là hành vi phạm pháp, vô cảm, vô đạo đức trong lúc dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Người dân khi phát hiện những thông tin như vậy cần cảnh giác, không chia sẻ, đồng thời lên án, đấu tranh phản bác, thông tin cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn.

Truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”,… đã hun đúc và được gìn giữ, phát triển trong mỗi người dân nước Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chắc chắn rằng, với sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, Việt Nam sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”./.

Cựu chiến binh Long An

Chia sẻ bài viết