Tiếng Việt | English

13/02/2023 - 13:00

Ramsar Láng Sen - Khu bảo tồn sinh thái thế giới

Nơi cửa ngõ Đồng Tháp Mười

Có những địa chỉ không hề muốn nhìn thấy vẫn buộc phải bắt gặp, dẫu không muốn đến vẫn phải bước qua, bởi nơi chúng tôi nói đến chẳng đâu xa, nó “đóng đô” cặp ngay bên phải Quốc lộ 62, chỉ cách TP.Tân An hơn 28km, cửa ngõ - điểm khởi đầu đi về các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Đó là một dãy lán được xây dựng khá khang trang sử dụng làm điểm mua bán tự phát, có lẽ ra đời hơn mười năm nay. Có đến một chục gian hàng với đủ loại rau, củ: Măng tre, gương và ngó sen, khoai lang, khoai mỡ, đậu phộng,... xếp từng đống; bánh, kẹo đặc sản vùng, miền lân cận như Bến Tre, Đồng Tháp treo lủng lẳng từng xâu trên vách tôn hoặc bày lủ khủ xếp lớp trên kệ; cá rô, trê, lóc đồng trong xô, chậu đầy nước. Nguồn hàng trở nên phong phú khi có sự góp mặt của vô số con chuột đồng nằm nêm chặt trong những lồng lưới chật hẹp, được dân địa phương gọi là “sóc tràm”.

Tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen hiện có khoảng 127 loài chim sinh sống (Ảnh TL)

Tưởng chỉ cần bấy nhiêu cũng đã tạo nên những nét đơn sơ, mộc mạc và đủ đầy hương vị của một chợ quê,... dư sức cuốn hút khách vãng lai ngược xuôi trên tuyến đường này dừng chân ghé lại, tìm mua những đặc sản quê hương làm món lạ miệng đãi bạn bè sau chuyến đi xa. Nếu chỉ có vậy thì đâu có gì để băn khoăn!? Điều tạo nên khác biệt đó chính là phía sau dãy “tạp hóa” đủ màu sắc kia có thêm những gian hàng chuyên bán đủ loại chim hoang dã cốt yếu để giết thịt.

Dẫu biết chỉ là những giống chim còn nằm ngoài Sách Đỏ, chưa được liệt trong danh mục cấm săn bắt, kinh doanh,... Người mua, kẻ bán vô tư không phạm luật.

Dẫu biết “chim trời, cá nước” từ thuở hồng hoang phục vụ đời sống con người nhưng mỗi khi lướt nhìn từng xâu chim năm bảy con còn đủ lông đủ cánh hoặc đã bị nhổ lông sống đến trần trụi rồi treo ngược từng chùm trên những sợi dây hay móc sắt. Dưới đất, trong lồng dài, ngắn, rộng, hẹp,... đủ kích cỡ, ở bên trong có đến hàng chục, hàng trăm chú cò trắng, hàng ngàn chim cu ngói đỏ, rồi vịt nước, le le, chàng nghịch,... ngày nào còn xoải cánh tung bay giữa bầu trời cao rộng, giũ mình tạo dáng trên dòng nước bạc khoe bộ lông với những sắc màu rực rỡ,... giờ đang đứng cú rũ một cách tù túng, gục đầu cam chịu, không còn đủ sức cất nổi tiếng gáy, tắt cả tiếng gọi bầy đàn,... “Chim lồng, cá chậu” đã thấy tội, giờ biết chúng sắp trở thành món ăn càng thấy xốn xang. Nhất là những người như chúng tôi đang trên đường đến với “chốn bình yên chim ở” càng cảm thấy nặng lòng âu lo cũng là điều dễ hiểu.

Đến với chốn bình yên chim ở…

Đó là Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, với cơ ngơi, bộ máy quản lý chính thức hình thành năm 2004 nhằm bảo vệ và gìn giữ hệ sinh thái, động, thực vật hoang dã nhiều chủng loài đa dạng ngay tại khu vực trung tâm và là vùng bồn trũng nội địa của Đồng Tháp Mười ở hạ lưu châu thổ sông Mê Kông thuộc địa giới hành chính huyện Tân Hưng. Khác với Công ty Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, thuộc thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, với trên 1.000ha dành cho việc bảo tồn các nguồn gien dược liệu quý hiếm bản địa; đồng thời, có chức năng sưu tầm và phát triển các giống cây dược liệu có giá trị trong nước và thế giới thì Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có diện tích tự nhiên trên 5.000ha, với đặc trưng địa thế, địa hình, đặc tính riêng về thổ nhưỡng,... Nơi đây đặc biệt chỉ dành riêng cho việc khảo sát nghiên cứu và bảo tồn nguồn tài nguyên tự nhiên tiêu biểu cho vùng đất ngập nước đã được thiên nhiên ban tặng. Từ đó, tạo nên môi trường lý tưởng phục vụ đắc lực cho các nghiên cứu khoa học chuyên sâu phục vụ ngược lại cho chính đời sống con người trong hiện tại cũng như tương lai.

Từ kết quả khảo sát của các nhà khoa học trong hơn 15 năm qua cho thấy, cùng với trên 150 loài thực vật, lớp phủ thực vật khá đa dạng,... Láng Sen còn là nơi lý tưởng cho nhiều loại động vật quý hiếm khác trú ngụ và phát triển với sự tồn tại hàng chục loài cá nước ngọt, khoảng 150 loài động vật có xương sống, trong đó có các giống cá, động vật quý hiếm như cá tra dầu, mèo cá, rái cá, trăn, rắn, rùa nắp, rùa vàng,... có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), đang có nguy cơ tiệt chủng, rất cần được bảo vệ. Trong 127 loài chim có mặt tại vùng ngập nước Láng Sen, có 6 loài cần được bảo vệ: Sếu, bạc má, cà cuốc, chim mèo, sa sả trâu, ác là. Chính từ những đánh giá về các loài sinh vật càng chứng minh sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái trong Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Vì vậy, cuối năm 2015, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đã được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.

Và, một khi trở thành vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, bảo đảm các tiêu chí quan trọng của một Ramsar cũng đồng nghĩa việc giữ gìn, khảo sát, nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn được hệ sinh thái, động, thực vật,... ở nơi đây càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự bền vững, chuyên nghiệp hơn bao giờ hết.

Căn cứ vào đặc điểm khách quan được hình thành ngay trong trung tâm của một vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn, từ bao đời nay, Láng Sen luôn chịu sự tác động trực tiếp đối với mọi hoạt động phát triển đời sống của cộng đồng dân cư. Chưa cần đề cập vội đến các công trình nghiên cứu khoa học mang tính chuyên sâu, việc giữ gìn sự ổn định của môi trường bảo đảm sự phát triển tự nhiên của hệ sinh thái, động, thực vật tại đây cũng là một vấn đề không hề đơn giản. Khoan đề cập đến những tác động của sự thay đổi khí hậu mang tính khách quan đã có những thay đổi không nhỏ đến hệ sinh thái tại Láng Sen.

Chưa cần nói đến những tác hại cũng khá nghiêm trọng xuất phát từ sự xâm thực mạnh mẽ của các loài động, thực vật ngoại lai, một phần có sự góp sức mang tính chủ quan của chính con người như giống cây mai dương có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ đã và đang không ngừng mọc lan khắp nơi. Sự phát triển nhanh chóng của chúng khiến thảm thực vật bản địa dần bị thu hẹp, điều này cũng đã được cảnh báo tại Vườn quốc gia Tràm Chim, Tam Nông, Đồng Tháp (cũng là 1 trong 8 khu Ramsar của Việt Nam) với 2.000ha đất vùng lõi đang bị mai dương xâm hại với tốc độ đáng báo động. Hay sự sinh sôi nhanh chóng của ốc bươu vàng xuất xứ từ Nam Mỹ được nhập vào Việt Nam năm 1988 đã làm suy giảm đáng kể loài ốc táo hiện có tại Láng Sen.

Chỉ riêng việc canh tác, sản xuất, săn bắt,... của người dân địa phương cũng đã có nhiều vấn đề cấp bách cần được quan tâm.

Tập quán lao động, sản xuất mang tính truyền thống, thiếu sự chọn lọc trong nhiều năm qua của người dân địa phương cũng làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hệ sinh thái vốn có.

Trước đây, trong canh tác, với suy nghĩ đơn giản tạo thêm nguồn dinh dưỡng tăng cường độ tơi xốp cho đất, sau mỗi mùa vụ, theo thói quen, người dân thường đốt đồng, khói và tàn rơm rạ đã ít nhiều tạo nên sự ô nhiễm cục bộ đến môi trường xung quanh, thậm chí có lúc do vô ý đã gây ra những vụ cháy rừng tràm, đây chính là nguyên nhân của mọi bất ổn làm đảo lộn quy trình phát triển tự nhiên của các loài động, thực vật,... Việc đánh bắt, khai thác tài nguyên lâm, thủy sản,... do thiên nhiên ban tặng bằng các phương thức, công cụ thiếu chọn lọc cũng là nguyên nhân sẽ làm cạn kiệt hoặc làm biến mất hoàn toàn một số động, thực vật quý hiếm riêng có ở vùng Đồng Tháp Mười. Một điều rất may mắn, kể từ khi thành lập hơn 18 năm qua, với tình yêu thiên nhiên, bằng sự năng động, linh hoạt và ý thức bảo tồn cao của cán bộ quản lý, kể cả đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật của Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đã chủ động vạch ra những bước đi thích hợp, góp phần giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường, đã và đang tạo nên những hiệu ứng, tín hiệu lạc quan đối với sự phát triển bền vững.

Với sự đầu tư kinh phí của tỉnh, các ngành, địa phương và Trung ương, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Ban Quản lý khu Bảo tồn đã nhanh chóng tiến hành khảo sát tình hình, tập quán canh tác, kể cả điều kiện sống của toàn bộ dân cư sống trong vùng đệm và ở các địa phương xung quanh. Cùng với việc vận động, tuyên truyền ý thức tự giác bảo vệ môi trường sống và sự ổn định của các loài động, thực vật, việc hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật, phương thức sản xuất mới thân thiện với môi trường cũng đã góp phần tạo chuyển biến khá rõ nét trong cộng đồng dân cư. Cụ thể, bằng kỹ thuật phun vi sinh lên toàn bộ mặt ruộng sau vụ thu hoạch đã chấm dứt tình trạng đốt đồng, thay vào đó, đồng ruộng còn được bổ sung một nguồn phân bón vi sinh từ sự hoai mục của rơm rạ; bằng sự hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu; bằng việc bơm nước vào ruộng với lưu lượng phù hợp vừa tiết kiệm chi phí sản xuất và qua từng mùa vụ, năng suất lúa vẫn bảo đảm. Kỹ thuật nuôi cá cũng được chú ý từ quá trình xả thải nguồn nước, đến việc sử dụng lượng thức ăn được áp dụng để cuối cùng vẫn cho ra kết quả tốt nhất. Từ những thành công nói trên đã tạo sự đồng thuận, lôi kéo được hầu hết người dân vùng đệm tham gia cộng đồng trách nhiệm trong bảo vệ, gìn giữ môi trường chung. Điểm đáng chú ý, từ năm 2011 đến nay, đã không còn xảy ra tình trạng cháy rừng như từng diễn ra trước đó.

Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển, kêu gọi cộng đồng trách nhiệm, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu nhằm phát triển cũng được quan tâm.

Những phấn đấu, nỗ lực ấy suy cho cùng đều ẩn chứa ý nghĩa đầy tính nhân văn, thể hiện rõ tình yêu vạn vật thiên nhiên của con người, đó là tạo nên chốn bình yên chim ở...

...để được đắm mình vào thiên nhiên, ngắm nhìn chim trời nhảy múa

... 5 giờ, trời còn mờ hơi sương, chúng tôi đã được Cang và Truyện - 2 cán bộ trẻ tuổi của khu Ramsar, chèo xuồng đưa ra khu vực tạm gọi là vườn chim, địa điểm thường xuyên tập trung các giống loài chim chọn làm chốn đi về.

Chiếc xuồng từ lúc xuất phát vẫn cứ lặng lẽ lướt êm ái trên dòng kênh đầy bèo cám xanh rì xuyên giữa những trảng cỏ rộng lớn. Trên xuồng, kẻ đứng, người ngồi, cả chủ lẫn khách không ai bảo ai đều bỗng dưng tự giác nói chuyện nhỏ nhẹ như không muốn làm kinh động đến lũ chim một chút nào cả...

Tất cả như đang trân trọng từng giây phút yên lành của chúng, như muốn nâng niu từ tiếng vỗ cánh của những chú vạc với bộ lông ánh bạc sau một đêm kiếm ăn vừa mới lướt vụt qua đầu trên đường tìm về tổ, từng tiếng kêu chiêm chiếp của những chú chim non vọng ra từ trong những cái tổ nhỏ xíu ở những bụi cây mọc ven kênh,...

Trời sáng dần cũng vừa kịp lúc chúng tôi đến được trung tâm vườn chim, đứng trên bờ kênh đầy bông rau dừa cạn nở trắng, tha hồ hít thở không khí trong lành, mát rượi thoảng hương thơm nhẹ của đồng cỏ nội, bông sen, bông súng,... dõi mắt khắp lượt đến những cánh rừng tràm xanh mướt xung quanh, đâu đâu cũng nhìn thấy tràn ngập cánh chim đủ các giống loài. Chúng thật sự dạn dĩ, sự có mặt của chúng tôi không hề làm chúng quan tâm hay e ngại, chúng tự nhiên vỗ cánh tung tăng nhảy múa, kêu lên từng tiếng quang quác gọi bầy, hòa nhịp âm thanh hoang dã rộn ràng đón chào ngày mới. Chim tung cánh khắp nơi, chao lượn dưới ánh mặt trời ở đằng Đông đang dần le lói, tạo nên một khung cảnh thật sự hoành tráng.

Chốn bình yên chim ở là đây, “thiên đường” của giống loài hoang dã là đây...

Chúng tôi thầm cảm ơn những người đã góp phần gìn giữ nét đẹp của vạn vật hòa quyện đất trời đang diễn ra trước mắt, để rồi câu hỏi vẫn còn đang đau đáu trong lòng lại đến bất chợt như cố tìm lời giải - Trong vô số những giống loài chim hoang dã kia, những sinh linh nhỏ bé đã không thoát khỏi sự săn bắt của con người, để rồi bị giam cầm trong những chiếc lồng kẽm chật hẹp, bị trao tay qua lại trong cuộc bán mua ở khu chợ bắt gặp trên đường kia,... có bao nhiêu là “cư dân” của vùng đất ngập nước Láng Sen? Mà dẫu có là "cư dân" chốn này thì liệu chúng còn có may mắn để đập cánh quay về nơi luôn chở che, chất chứa đầy ắp sự bình yên, thân thiện cho chúng và trong những cuộc bán mua luôn diễn ra nơi ấy, liệu có ai đó một lần tự hỏi hay cảm thấy có chút ray rứt vì đã tự tay giết chết, tự tay góp phần xóa sổ khỏi hành tinh này những loài chim quý?...

Bút ký của Huyền Linh

Chia sẻ bài viết